Nâng cao hiệu quả bảo quản lúa gạo sau thu hoạch

05:05, 31/05/2022

Thu hoạch và bảo quản là một trong những khâu quan trọng góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng lúa, gạo. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn việc thu hoạch và bảo quản lúa của nông dân phụ thuộc vào phương pháp thủ công.

 

Bảo quản, chế biến sau thu hoạch góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo.
Bảo quản, chế biến sau thu hoạch góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo.

(VLO) Thu hoạch và bảo quản là một trong những khâu quan trọng góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng lúa, gạo. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn việc thu hoạch và bảo quản lúa của nông dân phụ thuộc vào phương pháp thủ công.

Để khắc phục và giúp làm giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch, bảo quản và lưu thông, nhằm nâng cao giá trị hạt gạo, cần có những quy trình cải tiến trong bảo quản, xử lý lúa gạo sau thu hoạch.

Còn yếu công nghệ sau thu hoạch

Theo đánh giá của ngành chức năng, quá trình sản xuất, thu hoạch, xử lý lúa gạo hiện nay hầu hết chưa đảm bảo, làm giảm chất lượng gạo xuất khẩu và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Chia sẻ về những thách thức chính mà ngành gạo Việt Nam đang đối mặt để có thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu lúa gạo, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (Long Hồ), cho biết: “Một thách thức lớn nhất mà ngành lúa gạo chúng ta phải đối mặt đó chính là chưa đủ năng lực để có thể xử lý sau thu hoạch ở quy mô lớn”.

Theo ông Thành, sản lượng lúa hàng năm tại ĐBSCL đạt 20- 25 triệu tấn và đòi hỏi phải có giải pháp công suất cao có thể xử lý nhanh chóng lượng lớn lúa từ khâu thu mua, sấy và trữ. Các công nghệ truyền thống không tự động hóa hay cơ giới hóa cũng ảnh hưởng đến việc thất thoát và giảm chất lượng của lúa gạo trong quá trình xử lý.

Khâu xử lý lúa gạo sau thu hoạch còn hạn chế.
Khâu xử lý lúa gạo sau thu hoạch còn hạn chế.

Ngoài ra, việc đất đai và nguồn nhân lực ngày càng khan hiếm tại khu vực ĐBSCL cũng yêu cầu ngành lúa gạo cần tìm kiếm các giải pháp ứng dụng công nghệ tự động hóa nhiều hơn, sử dụng ít nguồn lực đất và con người hơn.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, cho biết: Hiện nay, công nghệ xử lý lúa sau thu hoạch còn yếu, lạc hậu, chỉ chủ yếu thực hiện ở khâu gặt đập, còn khâu phơi sấy, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu còn rất hạn chế. Cụ thể trong khâu chế biến chỉ thực hiện bóc vỏ trấu làm gạo lứt, lau bóng,…

“Hiện nay, sản xuất lúa mang lại lợi nhuận thấp, cho nên mức đầu tư vào chế biến chưa cao. Nhìn chung tại Vĩnh Long, khâu chế biến, xử lý lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung sau thu hoạch còn ở mức khiêm tốn. Do đó, cần được đầu tư nhiều hơn.

Bên cạnh các doanh nghiệp mạnh vốn đầu tư thì cũng cần một số cơ sở, doanh nghiệp, công ty cơ khí nghiên cứu, đưa ra máy móc thiết bị hiện đại đáp ứng khâu sản xuất- chế biến lúa gạo, nông sản”- ông Liêm đánh giá.

Nhiều giải pháp mới xử lý lúa sau thu hoạch

Theo ông Liêm, gần đây, việc áp dụng giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao giá trị lúa gạo hàng hóa ngày càng được quan tâm. Điều này vừa góp phần giảm chi phí sản xuất, đồng thời nâng giá trị xuất khẩu cho hạt gạo Việt.

Với mong muốn đưa kinh nghiệm xử lý ngũ cốc nhiều thập kỷ qua tại Châu Âu để giải quyết những thách thức trong xử lý lúa gạo tại Việt Nam, Tập đoàn SKIOLD cùng các chuyên gia xử lý ngũ cốc hàng đầu Châu Âu đến từ AGI, FrigorTec và Lachenmeier Monsun trong thời gian qua đã làm việc với các đối tác tại Việt Nam để giới thiệu một giải pháp tổng thể có thể xử lý hàng trăm tấn lúa gạo, giảm thất thoát và nâng cao chất lượng của gạo sau xử lý.

Cụ thể, giải pháp bao gồm việc trữ lúa trong các silo, sử dụng công nghệ sấy thế hệ mới cũng như các hệ thống công nghệ hiện đại và tự động khi nhập liệu, chuyển liệu và điều khiển.

Giải pháp tổng thể được phát triển và thiết kế bởi Tập đoàn SKIOLD dựa trên nguyên tắc và ý tưởng là hạt lúa cần được xử lý nhẹ nhàng nhất có thể, gần với tự nhiên nhất, để giữ được chất lượng hạt lúa ngay sau khi thu hoạch.

Theo đó, một quy trình sau thu hoạch khép kín và tự động hoàn toàn đã được thiết lập, bắt đầu từ hệ thống nhập liệu hiệu quả về chi phí có công suất hút lúa từ 50-100 tấn/giờ/dây chuyền, giúp nhà máy có thể nhập được lúa từ người nông dân nhanh nhất có thể, đáp ứng thời điểm “vàng” sau thu hoạch.

Điểm nhấn của giải pháp nằm ở công nghệ sấy “trộn dòng liên tục”, khi khí nóng và lạnh sẽ được trộn liên tục trong quá trình sấy, giúp hạt lúa được sấy một cách tự nhiên, đa chiều, giảm sự cưỡng bức nhiệt dẫn đến rạn nứt lõi hạt gạo.

Công nghệ sấy nhẹ nhàng này được phát triển bởi Công ty Lachenmeier Monsun, có thể giảm tỷ lệ gãy vỡ của hạt gạo, tăng tỷ lệ thu hồi gạo nguyên, và đảm bảo độ ẩm đồng đều cho hạt lúa.

Khi quá trình sấy hoàn tất, lúa sẽ được trữ trong hệ thống silo mạ kẽm được thiết kế và sản xuất bởi AGI International.

Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản chế biến lúa gạo.
Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản chế biến lúa gạo.

Hạt lúa chứa trong silo sẽ được kiểm soát trong thời gian thực về nhiệt độ, ẩm độ và nồng độ CO2 thông qua hệ thống cảm biến đặt trong silo, nhờ đó giữ được màu sắc, mùi vị và hình dạng gần nhất với lúa sau khi thu hoạch. Lúa sẽ được giữ trong thời gian dài trong silo trong điều kiện bảo quản tốt nhất.

Nói về những lợi ích của cách thức xử lý sau thu hoạch lúa gạo mới này Ông Võ Minh Đại Vũ- Giám đốc Quốc gia của Tập đoàn SKIOLD, cho biết: Toàn bộ quy trình xử lý sau thu hoạch hoàn toàn được triển khai tự động với hệ thống điều khiển ghi nhận tất cả các thông số đầu vào, đầu ra, tồn kho… và trích xuất các báo cáo vận hành của nhà máy tới người quản trị.

Hệ thống điều khiển tự động cũng giúp truy xuất nguồn gốc, khiến cho các đơn vị chế biến lúa gạo có thể đảm bảo chất lượng gạo đáp ứng được những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cao nhất khi xuất khẩu.

“Đây là thời điểm vô cùng quan trọng đối với ngành lúa gạo Việt Nam cần phải thay đổi cách làm hiện tại. Các giải pháp trên có thể giải quyết những thách thức về sau thu hoạch hiện nay một cách cốt lõi, hiệu quả về kinh tế, và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện của Việt Nam, qua đó giúp nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng lúa gạo của Việt Nam, khiến Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu”- ông Vũ cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, bên cạnh việc đầu tư nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa mới đáp ứng nhu cầu thị trường, vấn đề giảm thất thoát sau thu hoạch, bảo quản, chế biến cần được chú trọng hơn.

Thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản chế biến, xử lý, xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đồng thời, cần hỗ trợ các nhà máy xay xát, chế biến gạo đầu tư, nâng cấp công nghệ và thiết bị mới, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo trên thị trường.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh