Mở rộng liên kết tiêu thụ lúa

01:04, 06/04/2022

Giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao trong khi giá thu mua lúa tươi giảm, tiêu thụ chậm, khiến nông dân càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, vướng mắc trong khâu liên kết đang là trở ngại lớn cho nông dân trong khâu tiêu thụ nông sản. Theo ngành nông nghiệp, cánh đồng liên kết là giải pháp hiệu quả nhất với doanh nghiệp và nông dân.

 

Tiêu thụ nông sản còn gặp vướng mắc trong khâu liên kết sản xuất.
Tiêu thụ nông sản còn gặp vướng mắc trong khâu liên kết sản xuất.

(VLO) Giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao trong khi giá thu mua lúa tươi giảm, tiêu thụ chậm, khiến nông dân càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, vướng mắc trong khâu liên kết đang là trở ngại lớn cho nông dân trong khâu tiêu thụ nông sản. Theo ngành nông nghiệp, cánh đồng liên kết là giải pháp hiệu quả nhất với doanh nghiệp và nông dân.

Giảm lợi nhuận, tiêu thụ chậm

Theo ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, điều kiện thời tiết khí hậu cơ bản thuận lợi cho sản xuất trồng trọt. Trong đó, cây lúa phát triển rất tốt, năng suất cao, chất lượng tốt.

Theo đó, nông dân cũng tuân thủ theo khuyến cáo sử dụng các giống lúa phù hợp với thực tế sản xuất, nhu cầu của thị trường, những giống có khả năng thích ứng với điều kiện hạn, mặn. Nông dân chủ động ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất góp phần nâng cao năng suất, sản lượng.

Song, vấn đề tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: ảnh hưởng của dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp tăng, dịch vụ cày, xới, thu hoạch tăng và khan hiếm lao động dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư, lợi nhuận giảm, hiệu quả kinh tế thấp.

Đặc biệt, vấn đề liên kết chuỗi giá trị gặp khó khăn trong bao tiêu sản phẩm đầu ra, doanh nghiệp và nông dân chưa xích gần nhau để thương thảo giải quyết khi giá thị trường biến động lên
hoặc xuống.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Trước Tết Nguyên đán, vụ lúa Đông Xuân sớm được thu hoạch ở một số xã của huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít với mức giá khá cao.

Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán diện tích lúa thu hoạch bắt đầu tăng nhiều ở hầu hết các huyện trong tỉnh, giá lúa lại đột ngột giảm và duy trì ở mức thấp từ 5.700- 5.800 đ/kg, giảm 1.300 đ/kg so với cùng kỳ năm trước; giá lúa khô cao nhất là 6.000 đ/kg, giảm 1.400 đ/kg so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh, giá vật tư tăng cao làm tăng vốn đầu tư, là nguyên nhân giảm lợi nhuận sản xuất của nông dân.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), thời gian qua, diện tích cánh đồng lớn ở ĐBSCL giảm dần do quá trình liên kết sản xuất lúa vẫn còn một số khó khăn.

Cụ thể, do sản lượng lúa thu hoạch tập trung, nông dân bán lúa tươi nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị phương tiện vận chuyển, không đủ các thiết bị phơi sấy và kho chứa nên lúa thu hoạch thường phải tập kết đầu bờ khoảng 4- 5 ngày công ty mới thu gom hết.

Một số diện tích lúa quá ngày thu hoạch 7- 10 ngày mới cắt nên đã ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng. Mặc dù giữa nông dân và doanh nghiệp có hợp đồng thu mua, nhưng vẫn xảy ra trường hợp công ty thu mua không kịp thì nông dân bán ra thương lái bên ngoài, và giá lúa biến động ảnh hưởng đến việc
thu mua.

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn thiếu một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Hợp đồng ký kết chưa được rõ ràng với người nông dân; không có sự thống nhất về địa điểm thu mua, ẩm độ, tạp chất, thiếu chế tài khi các bên không thực hiện đúng hợp đồng.

Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao, các bên dễ vi phạm hợp đồng.

Đó là chưa kể, một bộ phận nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân thủ theo quy trình sản xuất do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chưa tham gia sinh hoạt, hội họp đầy đủ dẫn đến việc khó khăn trong triển khai chính sách.

Gỡ nút thắt liên kết

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo an toàn, chất lượng cao ở ĐBSCL, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong vùng cần phát huy vai trò hỗ trợ, xây dựng những hình thức tổ chức sản xuất mới, phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Đồng thời, tích cực tháo gỡ những bất cập trong liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia trong chuỗi giá trị.

Thời gian qua, để góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết với nhau và với doanh nghiệp xây dựng, phát triển cánh đồng lớn và các mô hình cánh đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Ðồng thời, tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất và khả năng liên kết, hợp tác giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, liên kết sản xuất gắn liền tiêu thụ có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nông dân có cơ hội dễ dàng tiếp cận các biện pháp kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất góp phần nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh gay gắt của thị trường đồng thời mở rộng quy mô hàng hóa, tạo dựng thị trường tiêu thụ ổn định và không còn phải lo lắng tình trạng “được mùa mất giá”.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường tư vấn hoạt động kết nối nông sản, xây dựng và phát triển thương hiệu. Phối hợp các hoạt động dự án liên kết, các hoạt động tư vấn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng...

Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ các loại hình doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong tỉnh tích cực tham gia các cuộc giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác giao thương, từ đó góp phần gắn kết các khâu sản xuất- thu hoạch- chế biến- tiêu thụ theo chuỗi giá trị cung ứng, kết nối và tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh vai trò của ngành nông nghiệp, địa phương thì các hợp tác xã, nông dân cũng cần nâng cao nhận thức, hiểu được tầm quan trọng của việc thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; cần thay đổi cách nghĩ, cách làm từ cá thể sang tập thể, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; chú trọng áp dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác… tăng sức cạnh tranh nông sản trên thị trường.

Đồng thời, ngành chức năng cũng cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các mô hình chuỗi, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh