Vượt thách thức, bảo vệ sản xuất

09:03, 23/03/2022

Bên cạnh những thuận lợi, những kết quả mang lại từ vụ Đông Xuân 2021- 2022, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đã và đang đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp, chi phí đầu vào tăng,… gây ảnh hưởng trực tiếp đến vụ Hè Thu và các vụ tiếp sau. Ngành nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp để giải quyết khó khăn, bảo vệ sản xuất.

 

Bên cạnh những thuận lợi, những kết quả mang lại từ vụ Đông Xuân 2021- 2022, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đã và đang đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp, chi phí đầu vào tăng,… gây ảnh hưởng trực tiếp đến vụ Hè Thu và các vụ tiếp sau. Ngành nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp để giải quyết khó khăn, bảo vệ sản xuất.

Sản xuất vụ Đông Xuân đạt nhiều thắng lợi.
Sản xuất vụ Đông Xuân đạt nhiều thắng lợi.

Vụ Đông Xuân thắng lợi, nhưng còn nhiều thách thức

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, năm 2021 ngành nông nghiệp đã vượt qua những khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giành những thắng lợi nhất định, tăng trưởng xấp xỉ 3%, xuất khẩu nông sản trên 48 tỷ USD. Trong đó, ngành trồng trọt tăng trưởng 2,7%, ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL tăng 1,1 triệu tấn lúa trong khi đó diện tích giảm khoảng 18.000ha.

Theo báo cáo từ các Sở Nông nghiệp- PTNT vùng ĐBSCL, giá thành sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021- 2022 tăng khoảng 15- 20% so với cùng kỳ do giá vật tư đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, do được dự báo trước từ đầu vụ nên các địa phương thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa nổi bật, đem lại hiệu quả về kinh tế cao. Nông dân chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng an toàn và giảm giá thành nên dù đầu tư ít giống và phân bón nhưng năng suất lúa vẫn đạt cao. Tính trung bình giá thu mua 5.500 đ/kg lúa tươi thì lợi nhuận trên 18 triệu đồng/ha.

Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Dịch bệnh, giá phân bón tăng kỷ lục, hạn- mặn là 3 thách thức lớn của sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021- 2022. Tuy nhiên, kết quả sản xuất chung đạt được những thuận lợi do các tỉnh, thành dự báo nguy cơ sớm, triển khai sản xuất sớm, rà soát thời vụ, mùa vụ kịp thời.

Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, thời vụ sản xuất lúa Thu Đông 2021 kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa Đông Xuân và làm giảm diện tích gieo trồng lúa Đông Xuân tại ĐBSCL. Vẫn còn một số nơi do chủ quan, thiếu phối hợp chặt chẽ, nên việc xuống giống vẫn chưa theo khuyến cáo chung của các cơ quan chuyên môn.

Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp tăng, dịch vụ máy cày, xới, thu hoạch tăng và khan hiếm lao động dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư, lợi nhuận của nông dân bị giảm, hiệu quả kinh tế thấp. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả hoặc bị ảnh hưởng nhiều của thời tiết khí hậu như hạn- mặn.

Đó là chưa kể, liên kết chuỗi giá trị gặp khó khăn trong bao tiêu sản phẩm đầu ra, doanh nghiệp và người nông dân chưa xích gần nhau để thương thảo giải quyết khi giá thị trường biến động lên hoặc xuống. Thị trường tiêu thụ nông sản biến động và dịch bệnh làm tăng chi phí giá thành sản xuất, giá thu mua nông sản thấp.

Tại Vĩnh Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt, cho biết: Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực trồng trọt của tỉnh Vĩnh Long đã đạt nhiều thành công nhất định. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, hiện nay tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt hơn, dịch bệnh cũng nhiều hơn và nhất là tình hình giá vật tư đầu vào đều tăng cao đã gây không ít khó khăn cho nông dân và trong chỉ đạo của cơ quan chuyên môn.

Tích cực bảo vệ sản xuất

Ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm, yếu tố quan trọng để ngành vượt qua các thách thức là việc khuyến cáo chọn giống phù hợp thực tế nhu cầu thị trường, thích ứng điều kiện khí hậu, thời tiết và địa phương tạo điều kiện thuận lợi sản xuất, tiêu thụ. Bà con nông dân cần ứng dụng kỹ thuật, giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa.

Đồng thời, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân cần quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”. Quản lý việc sử dụng nước giữa vụ và cơ giới hóa đồng ruộng góp phần kéo giảm, ổn định giá thành sản xuất trong điều kiện giá phân bón tăng cao và giá bán lúa luôn biến động.

Để sản xuất vụ Hè Thu đạt hiệu quả, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp phấn đấu thực hiện thắng lợi sản xuất lúa, đảm bảo lịch sản xuất lúa và rau màu vụ Hè Thu ở mức an toàn nhằm duy trì mức thu nhập cao cho người nông dân. Ngoài sản xuất lúa, bổ sung một vụ rau màu, thủy sản theo hệ thống canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh, nhất là những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhiễm mặn. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp và có cách ly về thời gian giữa vụ lúa ít nhất 2 tuần trên cùng một cánh đồng và thống nhất trên toàn tỉnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2021- 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa 2022 tại Nam Bộ”, vừa được tổ chức tại Vĩnh Long, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao những nỗ lực các địa phương Nam Bộ, đặc biệt là ĐBSCL đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức để ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp. Về chi phí sản xuất cũng theo hướng giảm dần, nông dân đã tiết kiệm hơn lượng giống gieo sạ, đặc biệt là phân hóa học.

Thời gian tới, để có các vụ mùa thắng lợi, góp phần đảm bảo lương thực và thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng lưu ý, vụ Hè Thu, cần nhận diện được bối cảnh như tình hình dịch COVID-19, giá vật tư nông nghiệp tăng. Trong sản xuất nông nghiệp, cần tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ưu tiên nhóm giống lúa chất lượng cao và lúa thơm, đặc sản; tích trữ nước để phục vụ sản xuất.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh