Phòng trừ rầy phấn trắng hại lúa

11:03, 29/03/2022

Vụ Đông Xuân 2021- 2022, diện tích rầy phấn trắng (RPT) đã xuất hiện, phát triển và gây hại nặng trên lúa trong điều kiện nắng nóng, ẩm độ không khí thấp. Để phòng trừ, ngành nông nghiệp đã có nhiều biện pháp hóa học, sinh học, đề ra các quy trình kỹ thuật để quản lý. 

Vụ Đông Xuân 2021- 2022, diện tích rầy phấn trắng (RPT) đã xuất hiện, phát triển và gây hại nặng trên lúa trong điều kiện nắng nóng, ẩm độ không khí thấp. Để phòng trừ, ngành nông nghiệp đã có nhiều biện pháp hóa học, sinh học, đề ra các quy trình kỹ thuật để quản lý. 
Rầy phấn trắng xuất hiện và gây hại tại một số địa phương.
Rầy phấn trắng xuất hiện và gây hại tại một số địa phương.
Diện tích gây hại tăng mạnh
 
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, RPT thường xuất hiện trong mùa khô. Chúng phát triển và gây hại nặng trong điều kiện nắng nóng, ẩm độ không khí thấp. Khi có mưa rào hoặc giông bão, mật số RPT giảm rõ rệt. Giai đoạn gây hại chủ yếu là ấu trùng ở tất cả giai đoạn của cây lúa. Trên ruộng lúa có 2 triệu chứng do RPT gây hại. Cụ thể, lá bị biến màu: RPT gây hại bằng cách chích hút nhựa lá, làm cho lá lúa bị úa vàng và héo dần đi. Nếu mật số cao, lá sẽ vàng, héo và cây sẽ chết nhanh. Bên cạnh đó, trên lá cũng xuất hiện nấm bồ hóng, cản trở sự phát triển của lúa, cây còi cọc và chết sớm. Đồng thời, RPT cũng làm lá lúa bị biến dạng. 
 
Tại Vĩnh Long, ThS. Bành Ngọc Nghĩa- Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) cho biết: RPT đã xuất hiện trên vụ lúa Đông Xuân 2021- 2022 ở hầu hết các huyện trong tỉnh với trên 700ha. Trong đó có 90ha nhiễm rầy với mật số 4.000- 6.000 con/m2, chủ yếu trên giống lúa đài thơm 8, các giống OM18 OM4900, OM5454 có mật độ RPT thấp hơn.
 
Theo ghi nhận, điều kiện thời tiết vụ Đông Xuân 2021- 2022, trời khô ráo, ẩm độ không khí cao (75- 90%), ban ngày nhiệt độ trung bình 28- 30°C, ban đêm nhiệt độ 25- 27°C, là điều kiện cho RPT gây hại lúa. Ngoài ra, cũng ghi nhận đối với các ruộng lúa sạ dày, bón thừa phân đạm, ruộng gần chân vườn, gần bờ cỏ có mật độ RPT cao hơn.
 
“Trên lúa Hè Thu, đã ghi nhận RPT xuất hiện trên lúa giai đoạn đòng trổ ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít, tuy nhiên mật độ RPT ở mức thấp. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, kèm theo các đợt mưa trái mùa sẽ tạo điều kiện cho RPT gây hại trên lúa Hè Thu”- ThS. Nghĩa cho biết thêm. 
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, công tác quản lý RPT gây hại lúa trong thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Trước hết, do thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp đã tạo thuận lợi cho dịch hại có điều kiện bộc phát và trở nên khó quản lý hơn. Hiện nay, mạng lưới cộng tác viên khuyến nông- bảo vệ thực vật còn thiếu thông tin, kiến thức về điều tra, phát hiện các đối tượng sinh vật hại, nhất là các cộng tác viên trẻ, các cộng tác viên kiêm nhiệm. 
 
Bên cạnh đó, vẫn chưa có quy trình chính thức quản lý RPT hại lúa, cũng như thiếu các nghiên cứu ứng dụng mới về ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết, điều kiện canh tác làm cho RPT ngày càng phát triển mạnh hơn. 
 
Để phòng trừ RPT hiệu quả
 
Mới đây, Sở Nông nghiệp- PTNT đã có hội thảo đề ra các giải pháp phòng trừ RPT gây hại lúa. Bên cạnh việc phổ biến quy trình kỹ thuật canh tác liên quan đến RPT, hướng dẫn cách phân biệt, cách gây hại, triệu chứng gây hại của RPT với các sâu rầy khác trên lúa, ngành chức năng còn hướng dẫn phương pháp, điều tra, cách phòng trừ RPT cho nông dân. 
 
TS. Võ Thị Bích Chi- Phó trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật- Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Khi gia tăng lượng phân đạm bón cho cây lúa đã làm gia tăng mật số RPT. Do đó, cần bón phân theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp- PTNT và tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương. Bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm vì sẽ làm cho RPT gây hại nặng. 
 
Bên cạnh đó, ở điều kiện ngoài đồng, RPT có nhiều thiên địch như bọ rùa 8 chấm Harmonia octomaculata Fabricus, bọ rùa đỏ Micraspis discolors Fabricus là thiên địch bắt mồi của thành trùng RPT, ong Encarsia transvena Timberlake là thiên địch ký sinh RPT. Do đó, nên trồng các loại cây có hoa quanh bờ ruộng trước khi sạ lúa nhằm thu hút thiên địch (đậu bắp, soi nháy, cúc mặt trời,...) và đây cũng là nơi trú ẩn an toàn cho các loài thiên địch. Không nên phun thuốc trừ sâu sớm và đặc biệt là hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu phổ rộng nhằm tạo điều kiện cho các loài thiên địch trên đồng ruộng phát triển để khống chế dịch hại nói chung và RPT nói riêng.
 
Song song đó, cần điều tra đồng ruộng thường xuyên, khi phát hiện thành trùng, RPT, khoảng 30 con/chồi thì phun thuốc hoặc khi một số ấu trùng RPT khoảng 100 con/chồi ở 30- 40 ngày sau sạ thì phun thuốc sau 3- 5 ngày. Có thể sử dụng thuốc sinh học từ nấm xanh M.a và nấm trắng, B.b để phòng trừ RPT hại lúa. Khi sử dụng thuốc hóa học nên tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Nên hạ vòi phun thấp xuống dưới tán lá lúa để đảm bảo thuốc tiếp xúc với RPT và bám dính vào mặt dưới của lá lúa nhằm tăng hiệu quả của thuốc đối với ấu trùng. Nên phun lặp lại sau 3- 5 ngày để diệt trừ hết những thành trùng vũ hóa sau. 
 
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, sau khi thu hoạch lúa, cần diệt sạch cỏ lồng vực và cỏ chỉ xung quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của RPT tránh lây lan sang vụ sau. Cần phải gieo sạ tập trung, đồng loạt, áp dụng gói kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” hoặc “1 phải 5 giảm” để giảm áp lực gây hại. Thường xuyên chăm sóc cây lúa phát triển tốt giúp cây tăng sức chống chịu. Khi lúa bị nhiễm nặng cần phải giữ mực nước ổn định trong ruộng lúa để giúp cây lúa nhanh hồi phục. Đồng thời, kết hợp biện pháp sinh học, biện pháp hóa học thích hợp: trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch để bảo vệ ruộng lúa; không phun thuốc trừ sâu trước 10 ngày sau khi sạ để giúp cân bằng hệ sinh thái; phun thuốc khi RPT có mật số cao. 
 
Đối với những địa phương có diện tích RPT gây hại, cần nhanh chóng hướng dẫn nông dân áp dụng đồng loạt các biện pháp để phòng trừ hiệu quả.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), trong những năm gần đây, RPT bắt đầu xuất hiện phổ biến và trở thành đối tượng dịch hại quan trọng trên lúa ở ĐBSCL. Trong năm 2019, diện tích lúa nhiễm RPT chỉ hơn 1.600ha thì đến năm 2020 có gần 15.000ha nhiễm, tăng gấp 9 lần so với năm 2019. Riêng vụ Đông Xuân của năm 2021- 2022, có gần 8.500ha nhiễm RPT, trong đó có 1.000ha nhiễm nặng. 
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh