Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất

01:03, 30/03/2022

Nhờ ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp đã có những bước phát triển, làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhiều nông dân cho hay, mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất vừa tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận.

Nhờ ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp đã có những bước phát triển, làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhiều nông dân cho hay, mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất vừa tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận.

Ngành nông nghiệp đã tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp cận máy móc ứng dụng vào sản xuất.
Ngành nông nghiệp đã tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp cận máy móc ứng dụng vào sản xuất.

Sản xuất hiệu quả hơn

Theo ngành nông nghiệp, CGH trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời gian qua, để khuyến khích nông dân đưa cơ giới vào sản xuất, ngoài các chính sách hỗ trợ, ngành nông nghiệp cũng tạo mọi điều kiện, cơ chế hỗ trợ cho các hợp tác xã, nông dân được tiếp cận máy móc ứng dụng vào sản xuất, nhất là thông qua các dự án, mô hình trình diễn. Còn nông dân cho biết, việc áp dụng đồng bộ CGH vào trong sản xuất ở các khâu như: làm đất, chăm sóc, thu hoạch… không chỉ làm giảm tổn thất trong nông nghiệp nhất là khâu thu hoạch, giúp việc giảm lượng giống lúa gieo sạ mà còn nâng cao năng suất và sản lượng lúa, góp phần hạ giá thành và nâng cao thu nhập.

Nhờ ứng dụng máy sạ theo khóm mà nhiều nông dân tại Tam Bình, Vũng Liêm bước đầu đã thay đổi được lối canh tác cũ. Đây là mô hình thuộc Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng CGH (máy sạ theo khóm) trong sản xuất lúa ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2023” được triển khai tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh.

Chú Phạm Văn Hải (xã Mỹ Lộc- Tam Bình)- tham gia mô hình, cho hay: “Tôi được tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa theo 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm, kỹ thuật sạ lúa theo khóm bằng máy. Hơn hết là cách sử dụng lúa giống tiết kiệm với 50 kg/ha, cách quản lý dinh dưỡng, sử dụng phân bón đúng cách, đúng liều lượng và cách quản lý dịch bệnh sao cho hiệu quả. Từ đó, giúp tôi tiết kiệm chi phí, năng suất cao hơn những vụ trước”.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Thời gian qua, nông dân đã ý thức hơn, mạnh dạn áp dụng CGH vào sản xuất. Cụ thể, nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên tiết kiệm được lượng nước tưới, tiết kiệm lượng giống, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón góp phần bảo vệ môi trường. Một số mô hình ứng dụng CGH cũng đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các giống lúa chất lượng và tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa, trang bị kiến thức sản xuất lúa theo hướng đạt năng suất, chất lượng, ổn định và bền vững giúp người dân ứng dụng vào sản xuất ngày hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh CGH đồng bộ

Sử dụng CGH vào sản xuất cho thấy hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân rút ngắn được thời gian làm đất, gieo cấy kịp thời vụ, ít tốn công sức lao động; ruộng lúa được cày sâu, bừa kỹ, cây lúa phát triển tốt, năng suất, sản lượng cao hơn. Từ đó, giúp người dân mạnh dạn nhân rộng mô hình.

Tại Trà Ôn, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua, CGH trong sản xuất lúa cũng được triển khai, sử dụng rộng rãi và phổ biến với 100% diện tích ứng dụng cơ giới trong khâu làm đất và thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho hay: Ngành nông nghiệp huyện tăng cường ứng dụng các quy trình khoa học công nghệ cao vào sản xuất.

Cụ thể, phối hợp thực hiện “Ứng dụng dụng cụ bay trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật” phòng, trừ sâu, bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Tám, trước đây nông dân thường phun thuốc theo cách truyền thống bằng các bình phun tay hoặc máy cồng kềnh mang trên lưng, tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc sử dụng dụng cụ bay trong sản xuất lúa sẽ giúp người dân giảm thời gian phun xịt, tăng độ đồng đều, giảm nhân công cũng như ít tiếp xúc các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, giúp cây lúa hấp thu thuốc tốt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dịch hại, cây lúa không bị giẫm đạp.

Tại Bình Tân, thời gian qua, nhờ ứng dụng CGH vào sản xuất mà Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Kinh Mới (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) cũng đã tiết kiệm được nhiều chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận hơn trước. Vừa được Sở Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ máy gặt đập liên hợp mini để tăng hiệu quả trong sản xuất, anh Nguyễn Quốc Việt- Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: “Máy gọn nhẹ, tiện lợi, dễ vệ sinh, công suất hoạt động khá nhanh. Nhờ máy này, hợp tác xã có thể dễ dàng thu hoạch lúa giống mà không lo bị lẫn với các loại lúa khác trên cùng một cánh đồng”.

Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song áp dụng CGH vẫn còn một số khó khăn như: Hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp còn yếu, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển CGH; sản xuất nông nghiệp nói chung quy mô còn nhỏ; đa số lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo, lao động nông nghiệp đang bị ‘‘già hóa’’ là trở ngại trong việc đưa CGH vào sản xuất; một số nông dân còn tư tưởng “được hỗ trợ mới thực hiện mô hình”,…

Do đó, để đưa CGH vào sản xuất đồng bộ cần nguồn lực đầu tư lớn, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng các máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với các loại cây ăn trái, rau màu. Đồng thời, nghiên cứu đa dạng hơn nữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trên tất cả các khâu sản xuất, thay vì chỉ tập trung vào khâu gieo sạ và thu hoạch. Song song đó, cần nhiều mối gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong thực hiện chính sách hỗ trợ.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh