5 năm triển khai (2015- 2020) Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (TT, TKN) cho cây trồng cạn, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, vượt 6% mục tiêu đề ra. Việc tưới TT, TKN không chỉ là giải pháp nâng cao hiệu quả về năng suất, thu nhập và giảm các chi phí mà còn là giải pháp rất quan trọng để chủ động thích ứng tác động của biến đổi khí hậu, nhất là khu vực ĐBSCL.
Tưới tiết kiệm nước mang lại nhiều hiệu quả, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. |
5 năm triển khai (2015- 2020) Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (TT, TKN) cho cây trồng cạn, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, vượt 6% mục tiêu đề ra. Việc tưới TT, TKN không chỉ là giải pháp nâng cao hiệu quả về năng suất, thu nhập và giảm các chi phí mà còn là giải pháp rất quan trọng để chủ động thích ứng tác động của biến đổi khí hậu, nhất là khu vực ĐBSCL.
Giải pháp hữu hiệu ứng phó hạn hán, biến đổi khí hậu
Đến nay, trên cả nước có gần 530.000ha cây trồng cạn được áp dụng tưới TT, TKN, vượt khoảng 30.000ha so với mục tiêu và tăng hơn 4,5 lần so với năm 2015 (năm đầu kế hoạch).
Theo Tổng cục Thủy lợi, việc áp dụng tưới TT, TKN đã tạo ra sự chuyển biến, hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức và hành động từ Trung ương đến địa phương. Các vùng phát triển tưới TT, TKN mạnh mẽ gồm: Đông Nam Bộ (trên 181.000ha), Tây Nguyên (trên 142.000ha), ĐBSCL (trên 111.700 ha), Nam Trung Bộ (trên 44.000 ha).
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi- Lương Văn Anh, cho biết: Không chỉ góp phần tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí công lao động tưới và chăm sóc 10- 90%, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, thực tế cho thấy, áp dụng giải pháp công nghệ tưới TT, TKN đã và đang chứng tỏ là một giải pháp căn cơ để chủ động thích ứng, ứng phó hiệu quả với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu.
Cụ thể, ở những vùng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, TKN ngày càng được người dân quan tâm, áp dụng rộng rãi với tỷ lệ ứng dụng tăng rõ rệt ở tất cả các vùng, nhất là vùng ĐBSCL (năm 2020 tăng 143% so với năm 2017).
Là một trong 12 địa phương đứng đầu danh sách áp dụng tưới TT, TKN, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, cho biết: Việc áp dụng tưới TT, TKN giải quyết được phần nào việc thiếu nước trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.
Theo đó, việc áp dụng ít bị ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm khi xảy ra thời tiết bất lợi, nắng nóng, hạn hán kéo dài; đặc biệt vào các năm hạn mặn lịch sử như năm 2016, 2020… giảm nguy cơ thiếu nước khi nắng nóng kéo dài, giảm rủi ro, thiệt hại trong sản xuất.
Về mặt môi trường, áp dụng công nghệ sẽ giảm ô nhiễm nhờ sử dụng hợp lý và tiết kiệm phân bón trong quá trình canh tác, hạn chế cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngầm do khai thác quá mức cho phép.
Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, cho biết: Áp dụng công nghệ tưới TKN sẽ góp phần giảm được chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2016 đến nay, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên tỉnh đã triển khai giải pháp thiết kế hệ thống tưới TKN. Đến nay tỉnh Vĩnh Long có gần 10.000ha cây trồng cạn được tưới TT, TKN (đạt khoảng 11% tổng số diện tích), chủ yếu là tưới phun mưa.
Tưới TT, TKN là vấn đề sống còn
Tuy đạt được nhiều kết quả nổi bật, song theo ông Lương Văn Anh, tưới TT, TKN vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các vùng. Phát triển tưới TKN ở một số nơi còn chưa ổn định, thiếu bền vững. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở một số địa phương, người dân về công nghệ tưới TT, TKN và hiệu quả ứng dụng công nghệ này còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp quan tâm ứng dụng công nghệ tưới TT, TKN còn ít.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ), cũng cho rằng: Giá thành công nghệ, thiết bị tưới TT, TKN còn cao khiến hợp tác xã, người dân “ngán” đầu tư, trong khi thị trường tiêu thụ còn nhiều bất ổn, chưa hình thành được các chuỗi sản xuất ổn định.
Từ đánh giá: Tưới TT, TKN là vấn đề sống còn trong việc nâng cao chất lượng, giá trị cho sản xuất nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ: Muốn cơ cấu lại ngành nông nghiệp việc đầu tiên phải thực hiện là cơ cấu lại hệ thống thủy lợi.
Trong cơ cấu lại hệ thống thủy lợi, việc đẩy mạnh áp dụng tưới TT, TKN đóng vai trò quyết định trong tạo cơ sở hạ tầng tốt nhất, phục vụ đầy đủ nhất cho các ngành kinh tế trong nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi… phát triển.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhận thức của các cơ quan quản lý, người dân ở một số địa phương về tưới TT, TKN còn hời hợt, chủ quan, chưa chính xác như Việt Nam là quốc gia đang thừa nước, trong khi thực tế lại trái ngược. Do đó, chưa có sự đầu tư bài bản từ nghiên cứu khoa học, đến chỉ đạo ứng dụng…
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn được tưới TT, TKN đạt 700.000- 800.000ha, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị có liên quan cần quyết liệt triển khai các giải pháp. Việc tưới TKN không thể làm theo cách đầu tư mô hình rồi nhân rộng, bởi cần rất nhiều nguồn kinh phí lớn từ ngân sách nhà nước, khi không còn ngân sách hỗ trợ, mô hình sẽ rất dễ tan vỡ.
Song song đó, cần phối hợp, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, tạo được cơ chế để người sản xuất thay đổi nhận thức, từ đó, có sự quan tâm, đầu tư phát triển xứng tầm.
Theo loại hình công nghệ tưới, tưới phun mưa chiếm 82%, tưới nhỏ giọt chiếm 17% (trong đó, nhỏ giọt kết hợp bón phân chiếm khoảng 30%), nhà lưới, nhà kính chiếm 1%. Phần lớn công nghệ, thiết bị tưới có xuất xứ từ nước ngoài (Israel, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc,...) và chỉ có một phần nhỏ được sản xuất trong nước (chủ yếu thông qua cải tiến, tích hợp công nghệ của nước ngoài). Tưới TT, TKN phần lớn được áp dụng cho cây lâu năm (chiếm 62%); cây hàng năm (22%); rau, hoa (16%). |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin