Áp dụng đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bà Rịa- Vũng Tàu đã mang đến nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, thay đổi được tư duy sản xuất cho người dân và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Áp dụng đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bà Rịa- Vũng Tàu đã mang đến nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, thay đổi được tư duy sản xuất cho người dân và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Gia đình anh Hoàng Văn Sơn (huyện Đất Đỏ) đã có trên 10 năm sản xuất các loại rau ăn lá theo phương pháp truyền thống. Trong thời gian này, cứ hễ thấy vườn rau có sâu là gia đình anh lại mang thuốc trừ sâu ra phun mà không cần tìm hiểu loại thuốc ấy có độc hại đối với bản thân, người tiêu dùng và môi trường ra sao. Nỗi lo về đầu ra cũng quanh quẩn suốt năm này qua năm khác khiến gia đình anh nhiều lần định bỏ cuộc.
Nhiều mô hình hiệu quả
Tháng 10-2020, gia đình anh được hỗ trợ từ phía Công ty TNHH Một thành viên 4k Fram (TP Vũng Tàu) xây dựng nhà màng trên diện tích 3.200m2 để trồng các loại rau ăn lá, bên trong nhà màng là hệ thống tưới phun sương hoàn toàn tự động, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm…
Được tiếp cận với công nghệ trồng rau hiện đại lại bảo vệ sức khỏe cho gia đình và người tiêu dùng đã giúp anh Sơn thay đổi tư duy, thay đổi cách thức trồng rau và quan trọng hơn là thu nhập ổn định, không tốn nhân công như trước.
Ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau, người nông dân vừa tăng thu nhập lại bảo vệ sức khỏe cho gia đình, người tiêu dùng |
Theo hộ nông dân này, khi áp dụng trồng rau theo công nghệ cao sẽ được ký kết hợp đồng và phải tuyệt đối tuân thủ sản xuất theo đúng quy trình mà phía công ty đưa ra, đó là sản phẩm không thuốc trừ sâu, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất sẽ có đội ngũ kỹ sư của công ty giám sát, ghi nhận nghiêm ngặt và kỹ càng hằng ngày. Trước khi sản phẩm được xuất bán phía công ty cũng sẽ lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, lần 1 trước 7 ngày khi rau được thu hoạch và lần 2 vào ngày rau được thu hoạch. Nếu sản phẩm vi phạm 4 yêu cầu kể trên sẽ không được thu mua và hủy toàn bộ số sản phẩm vi phạm.
"Chúng tôi không cần lo lắng về đầu ra vì công ty đã bao tiêu, chỉ cần tập trung vào chất lượng sản phẩm cũng như thực hiện đúng các cam kết mà công ty đề ra, dù vậy khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng tôi luôn tự hào vì đó là sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khoẻ" - anh Sơn vui vẻ nói.
Không chỉ hộ anh Sơn, hiện nay tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuất hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình nuôi tôm, trồng cây ăn trái, trồng nông sản, rau màu và các sản phẩm nông nghiệp khác. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp nhiều nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lợi được nhiều bề, thay đổi được tư duy sản xuất, sản xuất theo phương thức an toàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng….Đặc biệt, không tốn nhiều diện tích đất nhưng lợi nhuận đem lại cao gấp nhiều lần so với sản xuất theo kiểu truyền thống trước đây.
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được rất nhiều hộ nông dân tại BR-VT áp dụng và mang lại hiệu quả hơn mong đợi |
Anh Bùi Thế Vương (xã An Ngãi, huyện Long Điền) đã chọn ngay mô hình nuôi tôm công nghệ cao ngay từ khi bắt đầu đầu tư trên diện tích 7ha, trong đó có 1,5ha ao nuôi chính, diện tích còn lại là ao lắng, lọc và xử lý nước thải. Đây là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn nước trong nhà màng (gọi tắt là RAS). Với mô hình này, diện tích ao nuôi chính ít hơn ao lắng lọc, với mục đích tiết kiệm tối đa, nước trong các ao nuôi sau khi sử dụng có thể tuần hoàn, xử lý vào tái sử dụng vào việc nuôi tôm. lượng nước thải ra ngoài môi trường kéo theo các tạp chất trong quá trình nuôi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước hầu như rất ít.
Ông Vương cho biết nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sẽ sản xuất được 3 vụ mỗi năm, cao gần gấp đôi so với phương pháp nuôi thông thường, tỷ lệ tôm nuôi hao hụt cũng giảm nhiều so với nuôi truyền thống, sau khi trừ chi phí mỗi ha ông Vương lời từ 1,2 đến 1,4 tỉ đồng/1ha/1 lứa.
Với mô hình nuôi này vừa mang lại lợi nhuận cao, vừa bảo vệ môi trường nuôi và môi trường xung quanh vùng nuôi vì hạn chế tối đa việc thải nước thải nuôi ra môi trường.
Nâng tầm giá trị nông nghiệp
Sau 4 năm đưa đề án số 04-ĐA/TU ngày 28-7-2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và xây dựng chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 vào thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh BR-VT đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp khi triển khai mô hình.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh BR-VT tính đến tháng 10-2021, trên địa bàn tỉnh có 344 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, tăng 286 cơ sở so cùng kỳ, với diện tích 3.267 ha, tăng 541 ha so cùng kỳ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã có thêm nhiều dự án xin chủ trương đầu tư về lĩnh vực này.
Trong đó, các công nghệ áp dụng điển hình như nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh, theo dõi điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời trong trồng trọt; trang trại có thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại... Trong lĩnh vực thủy sản, công nghệ áp dụng sản xuất như công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, tuần hoàn nước, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 3 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2, 3-5 vụ/năm...
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết nguyên nhân số cơ sở ứng dụng công nghệ cao tăng nhanh là do trong năm 2021, việc thúc đẩy đầu tư liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân trong sản xuất trồng trọt ngày càng được quan tâm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ. " Sở NN&PTNT tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động của UBND tỉnh triển khai thực hiện đề ánphát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện, trình duyệt các đề án, dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao như Đề án lập phân khu chức năng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Châu Đức, Đề án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, Dự án Cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch…" - ông Trần Văn Cường thông tin.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh BR-VT đã có 4 vùng trồng và 1 vùng đóng gói được cấp mã số, với tổng diện tích là 284 ha, bao gồm 240 ha chuối và 44 ha nhãn. Nổi bật là mô hình sản xuất của công ty TNHH 4kFarm trong chăn nuôi, hiện có 80 trang trại chăn nuôi heo, gia cầm đầu tư ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ 38,5% tổng đàn gia cầm và 37,8%/tổng đàn heo của tỉnh. Các công nghệ sử dụng gồm trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại,...
Trong lĩnh vực thủy sản, Có 15 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 400 ha (tăng 50 ha so cùng kỳ). Công nghệ áp dụng sản xuất gồm công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, tuần hoàn nước, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 03 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2, 3-5 vụ/năm,...
Theo Ngọc Giang/báo Người Lao Động
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin