Giảm diện tích gieo trồng do lo ngại thị trường tiêu thụ, chi phí vật tư nông nghiệp tăng nên diện tích trồng dưa hấu Tết tại một số địa phương giảm hơn so với mọi năm.
Nông dân tất bật xuống giống vụ dưa hấu Tết. |
Giảm diện tích gieo trồng do lo ngại thị trường tiêu thụ, chi phí vật tư nông nghiệp tăng nên diện tích trồng dưa hấu Tết tại một số địa phương giảm hơn so với mọi năm. Theo đó, nông dân đã giảm chi phí phân thuốc, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp dưa phát triển tốt hơn, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng dưa hấu để phục vụ thị trường Tết.
Giảm diện tích xuống giống
Là địa phương trồng dưa hấu Tết nhiều nhất tỉnh, năm nay, tại Bình Tân diện tích dưa hấu Tết giảm đáng kể. Ngoài nguyên nhân giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thì nông dân cũng lo lắng việc tiêu thụ sẽ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nên dè dặt trồng dưa hấu Tết.
Tại xã Tân Hưng, nơi chiếm khoảng 80% diện tích dưa hấu Tết hàng năm của huyện, diện tích đã giảm hơn phân nửa- chỉ hơn 200ha trong khi năm ngoái là 470ha. Ông Lê Văn Khoa- Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, cho hay: Vụ dưa hấu Tết năm nay, toàn xã xuống giống giảm hơn 1/2 so với năm trước. Lo ngại dịch bệnh nên nhiều hộ đã chuyển sang trồng lúa, hoa màu khác.
Tuy diện tích giảm nhưng nông dân huyện vẫn trồng đầy đủ các chủng loại gồm dưa ăn có hạt và không hạt, dưa chưng vỏ xanh và dưa chưng vỏ vàng. Có kinh nghiệm trồng dưa hấu Tết nhiều năm, nhưng năm nay anh Nguyễn Hồng Lý (xã Tân Hưng- Bình Tân) cũng chỉ sản xuất với diện tích khoảng 2/3 so với năm ngoái. Thời điểm này là bước vào giai đoạn chăm sóc tập trung. Bởi vậy vừa mới phun thuốc dưỡng lá vào hôm trước nhưng sáng hôm sau nông dân này đã có ngoài đồng để làm cỏ ruộng dưa. Anh Lý cho hay: “Năm nay tôi trồng 4 công dưa xanh và dưa chưng, khoảng chừng 25- 26 Tết thì cắt dưa. Vật tư giá lên quá cao, gấp đôi so với năm rồi nên tôi và bà con quanh đây cũng làm ít lại”.
Theo một số nông dân, do thời tiết năm nay thay đổi thất thường khiến dưa phát triển cũng hơi chậm chứ không như mọi năm.
Tại Trà Ôn, ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT cho biết, vụ dưa hấu Tết năm nay toàn huyện xuống giống trên 60ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Xuân Hiệp, Nhơn Bình, Hòa Bình, Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân... Các giống dưa được nông dân chọn chủ yếu là dưa Nữ hoàng 214, Mặt trời đỏ, dưa An Tiêm,... Thời gian qua, nhiều nông dân trong huyện đã mạnh dạn đưa dưa hấu xuống chân ruộng thay thế trồng lúa và trồng chuyên canh trên đất ruộng.
Còn tại Vũng Liêm, ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT, cũng cho biết: Thời điểm này, nông dân tất bật với việc làm cỏ, định hướng dây, thụ phấn bổ sung cho hoa và dưỡng trái cho vụ dưa hấu Tết. Hiện toàn huyện đã xuống giống khoảng 100ha dưa hấu để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Các ruộng dưa hiện phát triển tốt.
Chú trọng kỹ thuật trồng, nâng chất lượng
Để vụ dưa hấu Tết năm nay đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế cỏ dại, giảm chi phí và công tưới nước, giúp cho cây dưa phát triển tốt hơn.
Theo anh Nguyễn Văn Hữu (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm), vụ dưa Tết đa số người trồng thường chọn trái tròn cao, xanh bóng. Ngoài đạt năng suất, trồng dưa hấu Tết cần nhất là mẫu mã đẹp, trái to tròn đều, giòn ngọt. Do đó, việc chọn giống là rất quan trọng. Theo kinh nghiệm của anh Hữu, thì trồng vụ Tết nên chọn các giống dưa hấu có sức sinh trưởng mạnh, dễ ra hoa, đậu trái, năng suất cao và phẩm chất tốt như giống An Tiêm; giống Tiểu Hắc Long vỏ đen, hạt lép, chất lượng ngon, ngọt, chưng lâu không bị úng.
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của ông Dương Ái Đạo, nông dân nên thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện sớm các loại sâu bệnh hại. Cần loại bỏ dây dưa hấu bị bệnh chạy dây, héo tóp thân ra khỏi vườn dưa. Khi dưa bò, phải tỉa bớt nhánh để tránh hao phí chất dinh dưỡng, dây dưa mập mạnh, dễ chăm sóc, lấy trái sau này. Cần bón phân cân đối phù hợp với từng chất đất và điều kiện sinh trưởng của cây, nên chú ý bổ sung lượng nước tưới cho phù hợp, nếu dư thừa nước sẽ làm nổ, nứt trái, thiếu nước cây sẽ kém phát triển, không hấp thu được phân bón.
Đồng thời, cần quan sát và phun xịt bệnh hại kịp thời. Ngưng nước 4- 5 ngày trước khi thu hoạch giúp dưa ngon ngọt, để được lâu và ít bị bể khi vận chuyển. Không tưới phân và phun thuốc 10 ngày trước khi thu hoạch nhằm bảo đảm phẩm chất dưa và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều nông dân hy vọng giá dưa hấu Tết năm nay sẽ ở mức cao.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin