Để phát triển bền vững ngành hàng trái cây

06:12, 07/12/2021

Trước dự báo tình hình tiêu thụ trái cây thời gian tới sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tại diễn đàn trực tuyến "Kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái" phiên 14 vừa được Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) phối hợp tổ chức 4/12/2021, nhiều đề xuất, ý kiến đóng góp được đưa ra để tìm giải pháp đồng bộ, đột phá nhằm phát triển bền vững nông sản nói chung và mặt hàng trái cây nói riêng.

 

Để bền vững đầu ra, trái cây cần được sản xuất theo quy trình, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Để bền vững đầu ra, trái cây cần được sản xuất theo quy trình, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.

(VLO) Trước dự báo tình hình tiêu thụ trái cây thời gian tới sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái” phiên 14 vừa được Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) phối hợp tổ chức 4/12/2021, nhiều đề xuất, ý kiến đóng góp được đưa ra để tìm giải pháp đồng bộ, đột phá nhằm phát triển bền vững nông sản nói chung và mặt hàng trái cây nói riêng.

Trái cây tiếp tục vướng đầu ra

Theo Cục Trồng trọt, việc tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái của các tỉnh phía Nam có thể tiếp tục gặp phải một số khó khăn.

Cụ thể, nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ và xuất khẩu; yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: “Vấn đề là có thể ách tắc đôi chút ở thị trường Trung Quốc do hàng rào kỹ thuật, thuế quan...

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao; năng lực chế biến trái cây còn nhiều hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nên khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì sẽ gây ra rất nhiều tổn thất”.

“Thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều nước đưa ra hàng rào phi thuế quan, nghĩa là yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe” là đánh giá của T.S. Đoàn Hữu Tiến- Đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam về những khó khăn của việc tiêu thụ trái cây hiện nay.

Bên cạnh đó, một số nông trại hay doanh nghiệp mới làm nông nghiệp, do thiếu kinh nghiệm và không tìm hiểu kỹ, dẫn đến chọn sai giống cây cho vùng trồng. Mặt khác, tình trạng phân giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng đã và đang ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với cây ăn trái.

Tại Vĩnh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Văn Hữu Huệ, cho biết: Tình hình tiêu thụ nông sản ở Vĩnh Long còn gặp khó khăn. Cụ thể, bên cạnh khó khăn về đầu ra, cạnh tranh quyết liệt khiến một số đơn vị thu mua chỉ đến đôi lần rồi không quay lại.

Doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư rất nhiều, song bán không được. Việc kết nối để hình thành hợp tác xã còn yếu, nguyên nhân cũng do đầu ra kém, nông dân không hào hứng tham gia.

“Việc lưu thông hàng hóa khó hơn, giá cả các mặt hàng nông sản của tỉnh giảm mạnh, giá bán thấp, nông dân thua lỗ.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tiếp nhận, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quản lý sản xuất và lưu thông nông sản, nhưng, sản lượng tiêu thụ chưa nhiều”- ông Văn Hữu Huệ cho biết thêm.

Nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ

Nhiều mặt hàng trái cây gặp khó trong khâu tiêu thụ.
Nhiều mặt hàng trái cây gặp khó trong khâu tiêu thụ.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường trái cây thế giới ngày càng cạnh tranh gay gắt giữa các nhà xuất khẩu, việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng trái cây của Việt Nam nói chung và của ĐBSCL nói riêng là việc làm cần thiết.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đóng góp, nhiều trăn trở để góp phần xây dựng những chính sách, tạo liên kết kết nối để nâng cao giá trị cho ngành trái cây đã được các chuyên gia, ngành chức năng và các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa ra.

Bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng: Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây quan trọng của Việt Nam, do đó, cần phải sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn mà thị trường Trung Quốc yêu cầu, trong đó có GlobalGAP.

“Hiện Việt Nam đang có một tiêu chuẩn trung chuyển giữa VietGAP và GlobalGAP, đó là LocalGAP. Tiêu chuẩn LocalGAP thể hiện được hầu hết những đặc điểm của tiêu chuẩn GlobalGAP tuy nhiên chi phí cũng như thời gian thực hiện lại thấp hơn 1/3.

Chúng tôi cũng đang xây dựng những chương trình tư vấn cho các hợp tác xã về LocalGAP với mức phí thấp, thậm chí là miễn phí cho các hộ kinh doanh khó khăn.

Mục tiêu của Hiệp hội là tạo dựng một “chìa khóa”, một “tấm giấy thông hành” để trái cây Việt Nam bước những bước chân vững chắc ra thị trường xuất khẩu quốc tế với tiêu chuẩn LocalGAP”- bà Vũ Kim Hạnh cho biết thêm.

Bà Trần Thị Bích Trân, đại diện chuỗi Trái cây Trân (Cần Thơ) cho biết, để công tác sản xuất, hợp tác tiêu thụ trái cây cần phải giải quyết được 3 vấn đề: chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bao trái đối với đối tượng cần thiết; xây dựng được “người thầy” cho xuất khẩu.

“Nếu có chứng nhận và tem truy xuất, khách hàng có thể kiểm tra được sản phẩm chất lượng. Các doanh nghiệp uy tín sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý các địa phương cần hỗ trợ các nhà vườn thực hiện việc cấp tem truy xuất nguồn gốc, sẽ thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ, giảm được các rủi ro trong sản xuất cây ăn quả.

Đồng thời, ngành chức năng cần thắt chặt việc quản lý công tác cây giống đầu vào, khuyến khích trồng theo cơ cấu”- bà Trân bày tỏ mong muốn.

Để tiêu thụ và phát triển bền vững ngành hàng trái cây, ông Lê Thanh Tùng cho rằng: Thời gian tới, cần sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, mở ra chuỗi cửa hàng, đồng hành với hợp tác xã, bà con nông dân trong tiêu thụ trái cây.

Mặt khác, các sở nông nghiệp- PTNT và chi cục bảo vệ thực vật cũng có vai trò quan trọng trong tư vấn, định hướng cho nông dân.

Song song đó, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với doanh nghiệp, với nông dân về vấn đề truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng,...

Theo Cục Trồng trọt, sản lượng cây ăn quả năm 2021 các tỉnh phía Nam hơn 7 triệu tấn, tập trung ở các loại chuối, xoài, mít,… Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn. Trong đó, ĐBSCL chiếm 52%, Duyên hải Nam Trung Bộ 26%, Tây Nguyên 6%, Đông Nam Bộ 16%. Dự báo, trong quý I/2022, sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn. Một số tỉnh có sản lượng cây ăn trái lớn như: thanh long ở Bình Thuận, Long An; bưởi ở Bến Tre, Vĩnh Long; xoài ở An Giang, Đồng Tháp,…

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh