Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID- 19, vùng rau Thuận An (TX Bình Minh) gặp khó trong tiêu thụ, rớt giá, nhiều nông dân phải cán xà lách xoong xuống để giảm chi phí đầu tư, chăm sóc. Từ tháng 10 đến nay, tình hình tiêu thụ rau khởi sắc hơn, giá bán nhích lên dù chưa phải ở mức cao.
(VLO) Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID- 19, vùng rau Thuận An (TX Bình Minh) gặp khó trong tiêu thụ, rớt giá, nhiều nông dân phải cán xà lách xoong xuống để giảm chi phí đầu tư, chăm sóc. Từ tháng 10 đến nay, tình hình tiêu thụ rau khởi sắc hơn, giá bán nhích lên dù chưa phải ở mức cao.
Nông dân xã Thuận An chăm chút vườn rau xà lách xoong. |
Tiêu thụ khởi sắc
Theo Phòng Kinh tế TX Bình Minh, toàn thị xã hiện có khoảng 530ha màu, nhiều nhất ở xã Thuận An với gần 220ha chuyên canh xà lách xoong, rau diếp cá và một số loại rau khác. Các tháng thực hiện giãn cách xã hội, tiêu thụ rau gặp khó và giá giảm mạnh, xà lách xoong có lúc chỉ còn 5.000 đ/kg, rau diếp cá chỉ 2.000- 3.000 đ/kg…
Trong thời điểm giãn cách xã hội, xà lách xoong từ mức hơn 40.000 đ/kg rớt thê thảm, thương lái còn không mua.
Ông Bùi Văn Hiếu- Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, giá xà lách xoong và các loại rau khác giảm thấp. Tới đợt thu hoạch, nhiều nông dân phải cán xà lách xoong xuống để chờ lứa sau bán, hạn chế chi phí đầu tư, chăm sóc.
“Nguyên nhân là do TP Hồ Chí Minh và một số địa phương vùng ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội, một số chợ đầu mối ngừng mua”- ông Hiếu nói.
Từ sau giãn cách xã hội (1/10) đến nay, tình hình tiêu thụ đã khởi sắc hơn. Có 3 công xà lách xoong, nông dân Trương Văn Bo (ở ấp Phú Thuận A) cho biết: “Chừng hơn 1 tháng nay bán dễ hơn, giá nhích lên 17.000- 20.000 đ/kg và đã có lời”. Anh Phạm Thanh Cường (ở ấp Thuận Thành), có 2,5 công đất trồng cải xanh, cải ngọt cũng nói: “Giá rau hiện đã tăng lên và dễ bán hơn”.
Anh Trương Thanh Vũ- chủ vựa rau Nghiệu (xã Thuận An)- chuyên mua các loại rau màu phân phối cho các chợ đầu mối ở các tỉnh- thành khu vực miền Nam cho rằng: “Hiện việc đi lại vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, tình hình tiêu thụ nông sản đã có phần ổn định hơn”.
Ông Trương Thành Đến- Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, hiện cải xà lách xoong và các loại rau màu không còn tình trạng bị ùn ứ và giá đã nhích lên.
Cụ thể, xà lách xoong giá 17.000- 18.000 đ/kg, rau diếp cá 6.000- 7.000 đ/kg... Riêng mồng tơi thì vẫn ở mức 7.000- 9.000 đ/kg. “Với các mức giá này nông dân có lời, dù không nhiều”- ông Đến nói.
Lo chi phí đầu vào tăng cao
Theo anh Trương Thanh Vũ, sản lượng tiêu thụ, giá xà lách xoong và các loại rau màu tuy có tăng, nhưng vẫn còn thấp so cùng kỳ năm trước. Một phần là tình hình dịch bệnh tại nhiều tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại, ăn uống ở hàng quán.
Ông Trần Minh Hiếu- Giám đốc Hợp tác xã Xà lách xoong an toàn Thuận An cho biết: Tuy tình hình tiêu thụ vừa khởi sắc được hơn 1 tháng nay, nhưng dịch bệnh vẫn phức tạp lại đang bước vào vụ thuận nên… cũng rất lo.
Ông Trương Thành Đến cũng nhận định: “Hiện giá bán xà lách xoong và một số loại rau màu chưa phải ở mức cao. Nông dân vẫn còn gặp một số khó khăn do giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất”.
Vùng chuyên canh xà lách xoong Thuận An có thị trường chủ yếu là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh- thành vùng ĐBSCL, tiêu thụ phần lớn qua hệ thống thương lái.
Theo ông Lê Thanh Thuận- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh từ đây đến Tết Nguyên đán thời tiết thuận lợi, năng suất sẽ cao hơn, tuy nhiên, dự báo giá không cao do thu hoạch “đông ken”.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin