Mã số vùng trồng: Vé thông hành cho nông sản

08:11, 30/11/2021

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng tất yếu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và được xem là "tấm vé thông hành" với những mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, mã số vùng trồng (MSVT) là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc.

 

 

Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản.
Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng tất yếu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và được xem là “tấm vé thông hành” với những mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, mã số vùng trồng (MSVT) là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng và quản lý MSVT nông sản vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Mang lại nhiều lợi ích

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Theo đó, để được cấp MSVT, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác,... Các vùng trồng đủ điều kiện sẽ được cấp mã số và được giám sát, kiểm tra định kỳ; nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ bị loại khỏi danh sách các vùng trồng được phép xuất khẩu và thu hồi mã số đã cấp.

Việc cấp MSVT và cơ sở đóng gói hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu, và cũng có thể xem đây là công tác tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật để mở cửa cho nông sản Việt Nam (đặc biệt là đối với các mặt hàng quả tươi) xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài.

Theo đó, việc cấp MSVT không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình nhất định có kiểm soát dịch hại và đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Có thể xem đây là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ), cho hay: Hợp tác xã chuyên sản xuất chôm chôm Java và chôm chôm Thái nghịch vụ với tổng diện tích 42ha và được sản xuất theo quy trình Global GAP, kiểm tra chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Theo đó, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hợp tác xã đã thực hiện đăng ký MSVT chôm chôm. Hiện thị trường chính là Trung Quốc, còn lại xuất sang Mỹ và Châu Âu như Pháp, Hà Lan,… Số còn lại tiêu thụ trong nước.

“Hợp tác xã sản xuất với sản lượng 840 tấn/năm, năng suất trung bình 20 tấn/ha. Hợp tác xã tự tìm khách hàng thu mua cho thành viên, thông qua các doanh nghiệp bằng hình thức liên kết. Khi chưa được cấp MSVT, sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu tiêu thụ ở thị trường tiểu ngạch của Trung Quốc và thị trường trong nước giá cả không cao. Từ khi được cấp MSVT, chôm chôm của hợp tác xã có giá trị cao hơn”- ông Nhân cho biết thêm.

Cần khắc phục “rào cản”

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới việc xuất khẩu nông sản, việc gắn MSVT hiện nay đang ngày càng được tỉnh Vĩnh Long quan tâm, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký. Vừa qua, Sở Nông nghiệp- PTNT đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân đăng ký MSVT, cơ sở đóng gói cho nông sản trên địa bàn để thực hiện chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nhà sản xuất, nhằm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Nhiều nông dân cũng cho hay, trước đây Trung Quốc được xem là thị trường xuất khẩu khá dễ tính. Song, do dịch COVID-19, sức tiêu thụ thị trường này gần đây bị giảm sút. Đồng thời, việc Trung Quốc đưa ra chính sách ưu tiên nhập khẩu chính ngạch, chỉ có các loại rau quả được Trung Quốc cấp phép, có đăng ký MSVT mới được nhập khẩu, khiến rau quả Việt Nam càng khó vào thị trường này hơn trước đây.

Tuy nhiên, không ít nông dân cho rằng, quá trình triển khai đăng ký MSVT trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, như: diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều, trong khi (yêu cầu để được cấp MSVT phải từ 10ha trở lên); chi phí cho việc cấp MSVT tương đối lớn; vẫn còn không ít nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chú trọng việc xây dựng MSVT cho nông sản,…

Bên cạnh đó, theo ông Nhân, thị trường xuất khẩu không ổn định, số lượng nhỏ lẻ, không liên tục. Trong khi, hợp tác xã chưa ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Không chỉ vậy, quá trình quản lý hồ sơ MSVT còn chưa rõ ràng, nên theo dõi và truy cập đôi lúc chậm và chưa chính xác. Đối với MSVT do hợp tác xã quản lý thì không biết cách định hướng và khai thác nên không phát huy được hiệu quả.

Việc đăng ký xây dựng mã số vùng trồng giúp nông sản nâng cao giá trị.

Việc đăng ký xây dựng mã số vùng trồng giúp nông sản nâng cao giá trị.

 Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Văn Liêm, cho biết: Để triển khai thực hiện xây dựng MSVT cho nông sản, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp, hộ sản xuất phải nâng cao chất lượng, tính an toàn của nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn mà các nước nhập khẩu đặt ra. Đồng thời, cần sự thay đổi mạnh mẽ nhận thức của các hộ sản xuất, doanh nghiệp, từ cơ sở sản xuất và cơ sở chế biến, áp dụng truy xuất, khoa học công nghệ vào sản xuất.

Đến tháng 9/2021, Vĩnh Long có 59 MSVT cây ăn trái với trên 730ha và 6 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài: Hoa Kỳ, EU, Úc, Trung Quốc và Newzealand.

Tỉnh đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp MSVT vùng nguyên liệu khoai lang tím với trên 1.100ha, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh