Thời điểm cuối năm, thời tiết chuyển mùa, thay đổi của nhiệt độ là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh trên gia cầm có cơ hội phát triển. Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo.
Đàn gia cầm phát triển ổn định, theo hướng trang trại. |
Thời điểm cuối năm, thời tiết chuyển mùa, thay đổi của nhiệt độ là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh trên gia cầm có cơ hội phát triển. Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo.
Đàn gia cầm phát triển ổn định
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, từ đầu năm đến nay, tổng đàn gia cầm phát triển ổn định, một số địa phương có số lượng gia cầm tăng hơn so với cùng kỳ. Tại Bình Tân, Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Võ Ngọc Thơ, cho hay: Tổng đàn gia cầm tăng so với cùng kỳ do người chăn nuôi mở rộng chăn nuôi gia cầm theo quy mô công nghiệp.
Theo dự báo trong thời gian tới đàn bò, đàn dê và đàn gia cầm có khả năng tiếp tục phát triển quy mô tổng đàn do có thể tận dụng sản phẩm phụ ngành trồng trọt như thân bắp, dây khoai lang và đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa.
Bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm ổn định, không xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm song một số bệnh thông thường còn xảy ra lẻ tẻ ở một số nơi, như: bệnh tụ huyết trùng, Gumboro, bại liệt,...
Theo ngành thú y, số lượng gia cầm có tăng, phát triển hơn nhưng chủ yếu vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẻ. Thêm vào đó, thời điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, người chăn nuôi tập trung phát triển kinh tế, lưu lượng vận chuyển động vật và sản phẩm động vật tăng, cùng với điều kiện, thời tiết khí hậu chuyển giao mùa có những thay đổi bất thường nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho hay: Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục và tăng mạnh làm tăng giá thành chăn nuôi. Không chỉ heo, cá mà người chăn nuôi gia cầm cũng trong tình trạng thua lỗ. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện dịch cúm gia cầm và nguy cơ xâm nhập bệnh mới, có thể ảnh hưởng đến phát triển đàn gia cầm.
Phòng chống dịch bệnh
Theo nhiều người chăn nuôi gia cầm, thời gian qua, dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi đó, giá gia cầm giảm mạnh.
Thời gian qua, để tiêu diệt các loại mầm bệnh trên gia cầm, ngành thú y tỉnh cũng đã tăng cường công tác giám sát dịch tới tận cơ sở, hộ chăn nuôi; tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm đảm bảo kế hoạch đề ra; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn đôn đốc người chăn nuôi chủ động tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm phòng vắc xin bổ sung cho đàn vật nuôi.
Người chăn nuôi cần chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia cầm thời điểm cuối năm. |
Theo khuyến cáo của ngành thú y, thời điểm này, người chăn nuôi phải chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh trên gia cầm.
Cụ thể như: chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng; chuồng nuôi phải luôn khô ráo, sạch sẽ, trước cửa chuồng hoặc cổng ra, vào khu chăn nuôi phải có hố sát trùng; không cho người và các động vật khác vào khu vực chăn nuôi; cho gia cầm ăn đủ khẩu phần ăn, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, đủ thành phần dinh dưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Đồng thời, thực hiện tiêm phòng, bổ sung chất để tăng sức đề kháng cho đàn gia cầm.
Song song đó, theo bà Lê Ngọc Yến: Người chăn nuôi phải thực hiện tốt “5 không”: không nuôi thả rông gia cầm; không buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết; không ăn thịt gia cầm ốm, chết; không được dấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường.
Ông Lê Thanh Tùng, cho hay: Trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm sẽ gia tăng, cộng thêm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, thì việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi có ý nghĩa quan trọng.
Do đó, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ của ngành chức năng, người chăn nuôi cũng cần nâng cao ý thức, thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang phương thức nuôi công nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tính đến cuối quý III/2021, toàn tỉnh có 181 trang trại nuôi gà với trên 2,9 triệu con; 171 trang trại nuôi vịt với trên 410.000 con. Trong đó, có 85 trang trại nuôi gia cầm có liên kết sản xuất với Công ty CP, Emivest, Japfa, Green feed, sản lượng ước đạt mỗi lứa trên 2,6 triệu con. Ước tính năm 2021, đàn gia cầm toàn tỉnh có trên 10,7 triệu con (không kể vịt chạy đồng). So với năm trước, đàn gia cầm tăng 0,6% (hay tăng 63.000 con). |
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin