Chuyển đổi cây trồng: Hướng đi hiệu quả nhưng chưa bền vững

07:10, 26/10/2021

Thời gian qua, việc chuyển đổi cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn còn thiếu bền vững do nhiều yếu tố tác động, mà nhất là giá cả thị trường và đầu ra cho nông sản. 
 

Thời gian qua, việc chuyển đổi cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn còn thiếu bền vững do nhiều yếu tố tác động, mà nhất là giá cả thị trường và đầu ra cho nông sản. 
Việc chuyển đổi cây trồng là hướng đi hiệu quả giúp nông dân tăng thu nhập.
Việc chuyển đổi cây trồng là hướng đi hiệu quả giúp nông dân tăng thu nhập.
Hướng đi hiệu quả
 
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), tại ĐBSCL, nhiều năm qua, nhận thức của nông dân về sử dụng giống tốt và đầu tư, thâm canh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngày càng cao là những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất cây trồng. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương trong việc hướng dẫn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, việc chuyển đổi trên đất ruộng giúp tiết kiệm nước và mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5- 2,2 lần tùy từng vùng.
 
Tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp- PTNT, nhìn chung, lĩnh vực trồng trọt có sự chuyển đổi phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp là giảm diện tích gieo trồng lúa kém hiệu quả, tăng diện tích trồng rau màu và cây ăn trái. Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, với xu thế chuyển dịch cây trồng như hiện nay: cải tạo vườn kém hiệu quả thành vườn chuyên canh và lên liếp lập vườn mới trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả là đúng với định hướng tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp mà Đảng và Nhà nước đang tập trung chỉ đạo.
 
Trong khi đó, ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, cũng cho biết: Việc chủ động chuyển một phần diện tích đất trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao là hướng đi hiệu quả, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao được giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích so với trồng lúa.
 
Cần tăng cường liên kết, tạo tính bền vững
 
Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, tuy chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại ĐBSCL có hướng tích cực nhưng thiếu bền vững, do tác động nhiều yếu tố nhất là giá cả thị trường và đầu ra sản phẩm. Nguyên nhân là do vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa phù hợp với kế hoạch chung, chưa có nhà máy chế biến và chưa có nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Một số cây trồng khi chuyển đổi nhưng lại có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, kiểm soát chất lượng.
 
Tại một số địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa có sự liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp khó thu mua được sản phẩm chất lượng tốt với khối lượng lớn cùng thời điểm. Bà Võ Ngọc Thơ- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, cho hay: “Trên địa bàn huyện, người dân chuyển đổi cây trồng trên đất ruộng nhiều, trong đó trồng mít chiếm đa số. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi giá mít phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ, nông dân không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời khi chuyển đổi tự phát gây khó khăn trong chỉ đạo sản xuất và quản lý quy hoạch”.
 
Để chuyển đổi cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả bền vững, theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất; đẩy mạnh kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất.
Cần tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để cung không vượt cầu.
Cần tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để cung không vượt cầu.
 
“Trong 9 tháng đầu năm, tình hình thời tiết thuận lợi, sâu bệnh phát sinh không đáng kể, một số địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây lâu năm có xu hướng ngày càng phát triển, điển hình là phong trào trồng cây cam dưới đất ruộng, qua đó góp phần tăng diện tích và sản lượng cây lâu năm so với cùng kỳ năm trước. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, kiểm tra bảo vệ cây trồng trước khí hậu khắc nghiệt, nắng hạn và nhiễm mặn bất thường; khuyến cáo sản xuất cây trồng ứng phó hợp lý trong điều kiện hạn, mặn. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, đánh giá cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn; đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử…”- ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho hay.
Năm 2021, diện tích cây trồng, vật nuôi chuyển đổi trên đất lúa vùng ĐBSCL là 70.927ha. Trong đó, có 48.090ha chuyển sang trồng cây hàng năm; 11.493ha chuyển sang trồng cây lâu năm; 11.344ha chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản (tôm- lúa, cá- lúa). 
Tại Vĩnh Long, hiện nay có trên 62.600ha cây lâu năm, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lâu năm tăng là do chuyển dịch từ đất lúa sang trồng vườn. Trong đó, nhiều nhất là trồng cam sành trên đất ruộng. Kế đó là trồng mít và sầu riêng.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh