Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến việc lưu thông hàng hóa nông sản chưa được thông suốt. Những gút mắc cần tháo gỡ dựa trên sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ cơ quan chuyên môn địa phương được xem là mấu chốt để dòng chảy hàng hóa nông sản rộng luồng xanh.
Các địa phương cần tạo điều kiện đưa nhân công, máy móc thu hoạch vận chuyển hàng hóa nông sản. |
(VLO) Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến việc lưu thông hàng hóa nông sản chưa được thông suốt. Những gút mắc cần tháo gỡ dựa trên sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ cơ quan chuyên môn địa phương được xem là mấu chốt để dòng chảy hàng hóa nông sản rộng luồng xanh.
Không để đứt gãy chuỗi cung- cầu
Theo Sở Công thương, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với Sở Nông nghiệp- PTNT cùng các địa phương thực hiện hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trên cơ sở nắm sát tình hình sản xuất nông sản của tỉnh.
Trong đó, quan tâm các loại nông sản chính đang vào vụ thu hoạch như: khoai lang, nhãn, cam, rau củ quả,…
Qua đó, ngành chuyên môn đã tổng hợp được 88 doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân cần tiêu thụ nông sản và đã gửi đến Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh- thành khác để liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ngành chuyên môn cũng đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ các hộ nông dân, cơ sở sản xuất đăng ký kết nối mua bán nông sản, hàng hóa lên Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT), website hỗ trợ của Tổ công tác 970 (thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT) kết nối cung cầu sản phẩm.
Thông qua Sở Thông tin- Truyền thông, một số mặt hàng nông sản của tỉnh được các bên trao đổi việc giới thiệu lên các trang thương mại điện tử lớn.
Ngành công thương đã phối hợp cung cấp thông tin các sản phẩm cần tiêu thụ của tỉnh như khoai lang, nhãn, cam, rau củ quả cho Cục Xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ tiêu thụ.
Trung tâm Xúc tiến thương mại Vĩnh Long cũng đã kết nối hỗ trợ đưa thông tin các sản phẩm của tỉnh cần tiêu thụ trên nền tảng mạng xã hội của Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, các nhóm Zalo do Cục Xúc tiến thương mại, CLB Xúc tiến phía Nam, các tổ chức xúc tiến thương mại các tỉnh- thành phía Nam cũng như trong cả nước với trên 1.500 thành viên kết nối.
Các loại nông sản của tỉnh cũng đã được Viettel Post Vĩnh Long, Bưu điện tỉnh giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn.
Các đơn vị này cũng tổ chức bán hàng nông sản trên địa bàn tỉnh thông qua hình thức bán hàng qua điện thoại, nhóm Zalo và đã được sự tin dùng của người dân trong thời gian qua, góp phần tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản đang thu hoạch rộ.
Thời gian qua, nhóm hỗ trợ tiêu thụ nông sản Vĩnh Long do các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, các hệ thống phân phối như: Saigon Co.op, Bách hóa xanh, Big C,… đã liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ trung bình một ngày 20 tấn nông sản như khoai lang, nhãn, rau củ quả các loại,…
Sở Công thương đã phối hợp cùng các sở ngành, đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã triển khai đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ trên 1.000 tấn khoai lang.
Cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ vướng mắc
Nỗ lực hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thời gian qua là đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, theo Sở Công thương, khó khăn hiện nay là phần lớn các hộ nông dân sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ nên khó khăn trong thu gom nông sản cho nhà phân phối, doanh nghiệp tiêu thụ. Việc vận chuyển hàng hóa cũng chưa thật sự thông suốt giữa các tỉnh- thành.
Còn theo Sở Giao thông Vận tải, hiện quy định về công tác phòng chống dịch đối với các phương tiện vận tải hàng hóa ra- vào các tỉnh chưa thống nhất. Việc lấy mẫu test SARS-CoV-2 cho đội ngũ lái xe, phụ xe, nhân viên bốc dỡ hàng hóa nhiều lần (3 ngày 1 lần) làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người được lấy mẫu.
Công tác tiêm vắc xin ngừa COVID- 19 cho lực lượng lái xe, phụ xe chưa đảm bảo, bởi đến nay chỉ một số ít lái xe được tiêm vắc xin.
Các phương tiện khi đi qua các chốt kiểm soát dịch, lái xe và người đi theo xe phải có giấy xác nhận của địa phương về hành trình đi và đến để xuất trình qua các chốt kiểm soát dịch.
Do đó, việc kiểm tra phương tiện và đội ngũ lái xe, phụ xe cần thống nhất các loại giấy tờ, thủ tục để việc vận chuyển hàng hóa được lưu thông nhanh chóng.
Tại hội nghị trực tuyến giữa Tổ công tác 970 (Bộ Nông nghiệp- PTNT), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 19 tỉnh- thành khu vực phía Nam nhằm thúc đẩy vận chuyển tiêu thụ nông sản và vật tư nông nghiệp mới đây, ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia thông tin, kết quả giấy xét nghiệm test nhanh hay PCR có giá trị như nhau và đều có hiệu lực 72 giờ từ khi có kết quả xét nghiệm.
Vừa qua, có một số địa phương yêu cầu bắt buộc có kết quả PCR đối với tài xế khi qua chốt là vượt quá quy định.
Ngoài ra, có địa phương chỉ công nhận thời gian giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 chỉ 24 giờ hay 48 giờ là chưa đúng quy định, gây khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Với các phương tiện vận chuyển, nếu có mã QR, quét bằng điện thoại thông minh, khi có đầy đủ thông tin về khai báo y tế thì các trạm kiểm soát phải cho lưu thông ngay.
Chỉ dừng kiểm tra những xe chưa có thông tin khai báo đầy đủ. Các hàng hóa không cấm đều được phép vận chuyển. Các tỉnh- thành nên có một văn bản thống nhất ban hành xuống cấp xã- phường.
Theo đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, các tỉnh- thành không dừng phương tiện để kiểm tra trên các tuyến đường giao thông huyết mạch như QL 1 mà chỉ dừng phương tiện kiểm tra trên các chốt vào nội địa địa phương mình.
Các xe chở nông sản từ Tây Nam Bộ ra các tỉnh biên giới để xuất khẩu nên có sự nới thời hạn hiệu lực giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe đường dài, áp dụng 1 cung đường- 2 điểm đến, có các điểm xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 trên các tuyến QL huyết mạch trên cả nước.
Ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT, Tổ trưởng Tổ công tác 970- cho rằng, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhất là các ngành nông nghiệp, giao thông, y tế, công thương.
Nếu còn vướng mắc thì đề xuất với BCĐ Phòng chống dịch COVID- 19 của tỉnh tháo gỡ. Các vấn đề liên quan đến liên vùng cả nước thì kiến nghị tới các Tổ công tác 970 của các bộ để sớm có giải pháp phù hợp.
Thứ trưởng cũng lưu ý, hiện nay vấn đề vận chuyển và đưa nhân công, máy móc thu hoạch nông sản là rất quan trọng nên các địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản nhanh chóng.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin