Nông sản mùa dịch

08:08, 15/08/2021

Khi giãn cách xã hội phòng chống dịch thì việc tiêu thụ nông sản cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều loại trái cây đã vào mùa thu hoạch nhưng thiếu nhân công, không thương lái thu mua.

Khi giãn cách xã hội phòng chống dịch thì việc tiêu thụ nông sản cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều loại trái cây đã vào mùa thu hoạch nhưng thiếu nhân công, không thương lái thu mua.

Nhiều loại nông sản quá lứa, không có người mua.
Nhiều loại nông sản quá lứa, không có người mua.

Tồn đọng nông sản

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian gần đây dịch bệnh diễn biến phức tạp làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn. Hiện nay giá các mặt hàng nông sản ở mức thấp ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Một số mặt hàng nông sản tồn đọng số lượng khá lớn.

Tại Mang Thít, nhiều nhà vườn vào vụ thu hoạch nhãn, bưởi, thanh long,… kêu khó vì không tìm được đầu ra. Một số chủ vườn gọi điện hỏi tiểu thương có mua trái cây không nhưng thương lái cho hay do giãn cách nên đầu mối, tiểu thương ở chợ nghỉ bán nhiều nên tiêu thụ chậm, thương lái không hái.

Chú Phan Văn Liêm (xã Chánh An- Mang Thít), cho hay: “Tôi trồng gần 2 công mít, mít vô vụ chín mà không có thương lái nào mua, giãn cách nên cũng không thể đem ra chợ bán, giờ chín thì cho… cá ăn”.

Nhiều nông dân ở xã An Phước, Chánh An và thị trấn Cái Nhum,… đến vụ thu hoạch nhãn cũng cho hay, nhãn chín đầy cây mà không có thương lái đến mua. Một số người đăng thông tin bán online nhưng số lượng tiêu thụ rất hạn chế do thực hiện giãn cách, khó khăn trong vận chuyển, giao hàng, nhất là qua các chốt trạm.

Tương tự, cũng gặp khó về khâu vận chuyển, chị Mai Kim Cương- trồng gần 20 công rau (ấp Phước Hanh- xã Phước Hậu, Long Hồ) cũng cho hay: “Hiện ruộng rau còn tồn khoảng 5- 6 tấn hẹ và một số rau như cải xanh, cải ngọt, mồng tơi,… Từ ruộng rau đến nơi tiêu thụ chỉ chưa đầy 4km mà vướng chốt, đòi giấy xét nghiệm âm tính mới được qua chốt, mà giấy chỉ có hiệu lực vài ngày, trong khi bán rau không có lời bao nhiêu. Nhiều người điện thoại mua rau, rau nằm chình ình ở nhà mà không bán được. Mấy hôm nay trời nắng nên rau còn cầm cự được ít ngày, chứ mưa xuống là rau sập, quá lứa là không bán được nữa”.

“Biết rằng ngành chức năng siết chặt kiểm soát là để đảm bảo phòng chống dịch nhưng tôi mong muốn ngành chức năng thông thoáng hơn khi được chở rau màu qua các chốt kiểm tra. Tôi luôn tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, giữ khoảng cách khi giao hàng,… Trong thời điểm này tôi bán rau không phải vì lợi nhuận mà không muốn tâm huyết của mình bị bỏ đi trong khi nhu cầu người dân cần”- chị Kim Cương chia sẻ.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, hiện trên địa bàn huyện còn tồn nhiều loại nông sản, giá nông sản trong thời gian gần đây đang có chiều hướng giảm, cụ thể: thanh long chỉ còn 2.000- 4.000 đ/kg, bưởi lông: 4.000 - 8.000 đ/kg, xoài 6.000đ/kg, nhãn xuồng cơm vàng 10.000 - 14.000 đ/kg, bưởi da xanh có giá 12.000 - 15.000 đ/kg,… Trong đó, nhãn đang vào mùa rộ, với sản lượng tồn đọng gần 54 tấn.

Ông Hồ Phước Dư- Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít cho biết: Hiện nay, nhu cầu cần kết nối, tiêu thụ các loại trái cây như: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, dứa và mít là rất lớn. Việc dư thừa tại chỗ là do thiếu nhân công thu hoạch và khó khăn trong vận chuyển do thực hiện giãn cách xã hội. Thêm vào đó, tâm lý lo sợ dịch bệnh cũng khiến phần đông thương lái tạm nghỉ để phòng chống dịch.

Tăng cường kết nối, tìm đầu ra tiêu thụ

Nói về nguyên nhân giá nông sản giảm, tình hình tiêu thụ gặp khó, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số địa phương kiểm soát người ra vào, buộc phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nên gây cản trở cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, làm cho thương lái ít đi thu mua nông sản hơn bình thường.

Đồng thời, việc tiêu thụ nông sản cũng gặp nhiều khó khăn hơn, do một số nhà hàng, bếp ăn, doanh nghiệp ngừng hoạt động làm cho lượng tiêu thụ nông sản giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, nhiều nơi đang thực hiện giãn cách xã hội, dịch bệnh diễn biến phức tạp, không xuất khẩu được trong khi hiện nay nhiều loại nông sản chính của tỉnh Vĩnh Long cũng như ở ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch. Chính điều này làm cho giá nhiều mặt hàng nông sản chạm đáy và tiêu thụ khó khăn trong thời điểm này.

Nhiều nông dân gặp khó đầu ra, khâu vận chuyển nông sản.
Nhiều nông dân gặp khó đầu ra, khâu vận chuyển nông sản.

Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ và vận chuyển hàng hóa cho bà con nông dân, ông Hồ Phước Dư cho hay: Thời gian qua, địa phương cũng tích cực tìm đầu mối liên kết, phân phối đầu ra nông sản, thành lập tổ tiếp nhận xử lý thông tin về hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, trước mắt vẫn ưu tiên công tác phòng chống dịch, địa phương cũng tạo điều kiện hướng dẫn cho người dân lưu thông vận chuyển hàng hóa để không ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Đồng thời, huyện cũng đã thành lập tổ thương lái với số lượng 22 người và đã được tiêm vắc xin, được cấp thẻ qua các trạm trên địa bàn huyện. Ngành nông nghiệp cũng đã lên danh sách đầu mối, sản lượng và thời gian cung ứng các loại trái cây để xây dựng phương án điều tiết tiêu thụ tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ.

Ông Nguyễn Văn Liêm cho hay: Thời gian qua, sở cũng đã kịp thời đánh giá, đưa ra những giải pháp hiệu quả trong bối cảnh mới, nhất là đặc thù của ngành nông nghiệp hiện nay là có nhiều sản phẩm có tính chất mùa vụ dễ gặp khó khăn vì vào chính vụ thu hoạch và khi đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sở đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, linh hoạt điều chỉnh hoạt động sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, đồng thời tích cực phối hợp với các bộ ngành, theo dõi, bám sát nắm thông tin giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng như tìm hướng xuất khẩu,…

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và các bộ ngành liên quan đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu, nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên”.

Theo đó, Bộ Công thương đã đồng hành với các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản đến vụ của tất cả các địa phương trên cả nước, ưu tiên các địa phương ở Nam Bộ và Tây Nguyên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, yêu cầu các nhà phân phối lớn trong ký kết thỏa thuận tiêu thụ nông sản; làm việc với chính quyền địa phương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu…

Tại hội nghị, Bộ trưởng chỉ đạo trong thời gian này cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối giao thương thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, xác định thị trường trong nước là trung tâm. Bộ Công thương giao Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan phối hợp với các sở công thương địa phương tổ chức các hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến xúc tiến các nông sản vào vụ có số lượng lớn nhằm thúc đẩy tiêu thụ trong nước,…

 

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh