Cá nuôi thường bị bệnh do ký sinh trùng vào mỗi mùa mưa lũ, người nuôi cần sử dụng những loại hóa chất nào để phòng trị bệnh cho cá mà vẫn đảm bảo môi trường?
(VLO) Cá nuôi thường bị bệnh do ký sinh trùng vào mỗi mùa mưa lũ, người nuôi cần sử dụng những loại hóa chất nào để phòng trị bệnh cho cá mà vẫn đảm bảo môi trường?
Võ Văn Tâm (Đồng Phú- Long Hồ)
Anh Tâm mến! Các dạng bệnh ký sinh trùng trên cá nuôi (đặc biệt là bệnh ngoại ký sinh trùng) thường phát sinh nhiều trong mùa mưa lũ.
Vì trong mùa mưa, nhiệt độ môi trường nước thường xuống thấp, nhất là vào những lúc thời tiết âm u, mưa lũ kéo dài và hàm lượng chất hữu cơ thường tập trung cao trong nước do vật chất hữu cơ bị rửa trôi xuống các ao, hầm, sông, rạch. Đây là điều kiện cho các ký sinh trùng phát sinh và phát triển trong môi trường nước.
Để phòng trị các dạng bệnh ngoại ký sinh trùng trên cá, người nuôi thường sử dụng các loại hóa chất như: formol, thuốc tím, phèn xanh (sulphat đồng), vôi, muối.
Trong đó, formol, thuốc tím, phèn xanh rất độc hại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, cần hạn chế sử dụng.
2 loại hóa chất nên dùng để phòng bệnh cho cá nuôi trong mùa mưa lũ, đó là muối (NaCl) và vôi nông nghiệp (CaCO3).
Theo đó, vôi và muối cho vào túi vải treo ở 4 gốc nơi cho cá ăn và nên bắt đầu treo khi cho cá ăn (mỗi loại một túi cho mỗi góc).
Liều lượng như sau: nuôi lồng bè, đăng quầng thì 2- 5 kg/túi vôi, 10- 20 kg/túi muối; nuôi ao hầm thì 1- 2 kg/túi vôi, 10 kg/túi muối.
Liều lượng trên có thể thay đổi trong phạm vi cho phép tùy theo quy mô, diện tích nuôi và thể tích nước của đàn cá nuôi. Định kỳ 10- 15 ngày thực hiện một lần.
Nếu phát hiện đàn cá nuôi có biểu hiện giảm ăn, nhào lộn dữ dội, trên da và mang có nhiều nhớt, cá bệnh chết với số lượng ít và tăng không đáng kể thì thực hiện việc treo vôi và muối trong 3 ngày liên tục (trong mô hình nuôi ao hầm thì mỗi ngày thay 10- 15% thể tích nước ao). Đồng thời, đem mẫu cá bệnh nhờ cán bộ thủy sản hỗ trợ trong việc chẩn đoán bệnh cá.
BẠN NHÀ NÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin