Từ giã quân ngũ trở về địa phương, ông Huỳnh Văn Tiếng (Ba Tiếng)- Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Thông Quan (xã Phú Đức- Long Hồ) gắn bó với nghề nông. Cách nay 5 năm, ông bắt đầu khởi nghiệp với mô hình nuôi cua đinh trong bể xi măng. Mô hình này đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông.
Mô hình nuôi cua đinh đang đem lại hiệu quả cao cho gia đình ông Tiếng. Trong ảnh: Ông Tiếng bên bể nuôi cua đinh. |
(VLO) Từ giã quân ngũ trở về địa phương, ông Huỳnh Văn Tiếng (Ba Tiếng)- Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Thông Quan (xã Phú Đức- Long Hồ) gắn bó với nghề nông. Cách nay 5 năm, ông bắt đầu khởi nghiệp với mô hình nuôi cua đinh trong bể xi măng. Mô hình này đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông.
Nuôi cua đinh 4 tháng, bán 600.000 đ/con
Ban đầu, khi mới bắt tay nuôi cua đinh, ông Tiếng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ “không chùn bước trước khó khăn”, ông Tiếng đã dành thời gian mày mò nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, theo dõi đặc tính sinh trưởng, tập tính của loài cua đinh.
Dần dần, ông cũng rút được kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi cua đinh cũng như cách chăm sóc và phòng bệnh cho loài đặc sản này.
Xác định môi trường là yếu tố quan trọng, quyết định thành bại cho năng suất sinh sản và chất lượng trứng của cua đinh, nên ông Tiếng xây ao nuôi có nguồn nước sạch, độc lập để bảo đảm điều kiện sống tốt cho cua đinh, cùng với đó là tạo không gian yên tĩnh, kín đáo, quang đãng, dễ thoát nước, không bị ngập úng.
Ông Tiếng cho biết: diện tích ao nuôi tùy điều kiện với mỗi gia đình, nhưng thích hợp nhất là khoảng 500m2, nhiều thì không quá 1.000m2. Mực nước thích hợp cho nuôi cua đinh thịt là từ 1,5- 2m. Thời gian nắng nóng và mùa lạnh có thể cho nước sâu thêm 20- 30cm.
Bên cạnh, cần tạo chỗ cho cua đinh nghỉ ngơi dưới nước và trên bờ, đồng thời có chỗ cố định cho cua đinh ăn để tiện theo dõi.
Nuôi cua đinh việc quan trọng nhất là phải kỹ thức ăn, không cho thêm muối vào thức ăn hay những loài vật bị nhiễm mặn, bị ươn, mốc. Khi thời tiết lạnh thì cho cua đinh ăn ít lại, vì chúng ít tốn năng lượng.
Cua đinh thường nhút nhát, sợ âm thanh, do đó khi để thức ăn vào ao hoặc khi thay nước mới nên làm nhẹ nhàng, đừng khuấy động mạnh.
Bên cạnh, “lượng thức ăn dành cho cua đinh phải vừa đủ, không dư không thiếu, vì nếu thức ăn dư sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sẽ bị hôi thối. Khi nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến cua đinh. Đồng thời, khi nuôi cua đinh phải thường xuyên theo dõi nguồn nước...”- ông Tiếng chia sẻ.
Theo ông Tiếng, cua đinh là một trong những vật nuôi nông nghiệp rất có giá trị kinh tế. Giá bán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/con (tùy loại).
Trong đó, cua đinh giống có giá khá cao và được chia làm 3 loại. Loại I (từ khi nở đến 2 tuần tuổi) giá bán 300.000 đ/con, loại II (1- 2 tháng) giá 500.000 đ/con và loại III (3- 4 tháng tuổi)
giá 600.000 đ/con.
Giá bán cao là vậy, nhưng đổi lại chi phí đầu tư ban đầu cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và nuôi con giống cũng không thấp và thời gian đầu tư ban đầu cũng khá dài.
Để có được cua đinh bố mẹ, người nuôi cần bỏ ra khoảng 3 năm để nuôi cua đinh, khi cua đinh đạt trọng lượng 4- 5 kg/con là thích hợp để chọn cho sinh sản. Mỗi năm, cua đinh đẻ 3- 4 lứa, mỗi lứa 8- 15 trứng, mùa sinh sản của chúng từ tháng 12 âm lịch năm trước đến tháng 7 âm lịch năm sau.
Cua đinh đẻ trên cát, lấp trứng lại và bỏ đi, thường 100 ngày là trứng nở thành con, tỷ lệ trứng nở khoảng 70%.
Nuôi cua đinh cho hiệu quả cao
Cua đinh giống hiện có giá vài trăm ngàn đồng/con. |
Cua đinh là loài vật đang được nhiều nông dân ở ĐBSCL lựa chọn để khởi nghiệp vì giúp thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ nuôi để bán con giống, bán thịt mà còn có thể bán cho các hộ gia đình nuôi làm kiểng. Cua đinh cho thịt rất ngon, ngọt và thuộc vào hàng đặc sản.
Về đặc tính, cua đinh là loài rất dễ ăn, chúng thường ăn những con vật còn sống hoặc chết nhưng còn tươi. Nguồn thức ăn cho cua đinh cũng khá đa dạng, từ đầu tôm sú, tép, cá tạp, ốc bươu vàng, cá biển… đến thức ăn công nghiệp.
Để tăng lợi nhuận và giảm bớt chi phí, người nuôi có thể kiếm thức ăn tự nhiên cho cua, các loại dễ kiếm nhất là cá tạp, ốc bươu vàng. Trước khi cho ăn thì băm nhuyễn vừa miệng để cua đinh dễ nuốt.
Lượng thức ăn cho cua đinh hàng ngày rất ít, chỉ cần khoảng 10% so với cân nặng cơ thể chúng là được. Cua đinh ăn 2 lần/ngày, chúng thường ăn vào thời gian và địa điểm cố định. Cua đinh đạt trọng lượng từ 3- 5kg là có thể xuất bán.
“Lúc đầu, tôi nuôi được 20 con cua đinh bố mẹ để sinh sản, tầm khoảng 2 năm trở lại đây, cua bắt đầu cho sinh sản, thu nhập của gia đình tôi từ đó cũng được nâng lên đáng kể”- ông Tiếng chia sẻ và cho biết thêm: “Thức ăn cho cua đinh có nhiều trong tự nhiên nên giảm được chi phí đầu tư. Vừa qua, cua đinh nhà tôi đẻ được 200 trứng, trừ chi phí, tui lời khoảng 60 triệu đồng”.
Thị trường tiêu thụ ổn định, ít dịch bệnh là những ưu điểm của con cua đinh. Vật nuôi này đang đem lại nguồn thu khấm khá cho gia đình ông Tiếng. Từ hiệu quả ban đầu, gia đình ông đã vạch kế hoạch mở rộng diện tích nuôi cua đinh để nâng cao thu nhập.
Với vai trò là Chi hội trưởng Cựu chiến binh, ông Huỳnh Văn Tiếng còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ đồng đội. Trước đây, thấy đời sống anh em cựu chiến binh còn nhiều khó khăn, ông nảy ra ý định “cùng nhau góp vốn để giúp đỡ anh em” và duy trì khoảng chục năm nay.
“Lâu lâu chúng tôi thành lập tổ đến thăm từng gia đình, xem anh em đồng đội làm ăn như thế nào, để từ đó có hướng hỗ trợ hoặc chỉ dẫn thêm, nhờ vậy mà anh em cựu chiến binh làm ăn ngày càng có hiệu quả hơn”- ông Tiếng cho biết.
Bài, ảnh: THỤY VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin