4 tỉnh ĐBSCL tạo thuận lợi tối đa cho tiêu thụ lúa gạo

10:08, 19/08/2021

Tổng công ty Lương thực miền Bắc cùng với UBND các tỉnh, thành: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ họp bàn tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo. Hiện nay, cơ bản các nhà máy đã làm việc và thống nhất với địa phương về triển khai phương án 3 tại chỗ để tiếp tục đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân.

Tổng công ty Lương thực miền Bắc cùng với UBND các tỉnh, thành: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ họp bàn tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo. Hiện nay, cơ bản các nhà máy đã làm việc và thống nhất với địa phương về triển khai phương án 3 tại chỗ để tiếp tục đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân.

 

Tiếp tục triển khai phương án 3 tại chỗ để đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân. Ảnh minh họa
Tiếp tục triển khai phương án 3 tại chỗ để đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân. Ảnh minh họa

Ngày 18/8, Bộ NN&PTNT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD 1) - doanh nghiệp dẫn đầu về thu mua, xuất khẩu gạo để chỉ đạo công tác thu mua, tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. 

Trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, Bộ NN&PTNT đề nghị VINAFOOD 1 phối hợp với các địa phương vừa thu mua lúa gạo, vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch, kịp thời thông tin để cùng tháo gỡ vướng mắc.

VINAFOOD 1 cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không để dân thiếu ăn, thiếu mặc, Tổng công ty đã dự trữ gần 120.000 tấn sẵn sàng đưa vào lưu thông với giá bình ổn.

Đến hết tháng 7/2021, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã ký hợp đồng xuất khẩu trên 530.000 tấn gạo. Lượng gạo thực xuất đạt trên 357.000 tấn. Tồn trữ lúa gạo toàn Tổng công ty đạt 118.000 tấn đang được bảo quản tại các kho của Tổng công ty và đơn vị thành viên tại ĐBSCL và một số tỉnh phía bắc.

Từ đầu tháng 7 đến nay, hoạt động thu mua lúa gạo của Tổng công ty gặp khó khăn do các tỉnh ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội; hoạt động thu hoạch, vận chuyển, lưu thông, sản xuất chế biến của các nhà máy hầu hết đều rất khó khăn.

Tổng công ty đang tổ chức giao hàng cho 2 tàu và đóng container tại cảng TPHCM (khoảng 50.000 tấn gạo) nhưng lại bị ách tắc tại cảng. Việc xuất hàng tại các cảng Thốt Nốt-Cần Thơ và Mỹ Thới-An Giang cũng đang bị ngưng trệ do thiếu lực lượng bốc xếp.

Trong tháng 8, theo kế hoạch Tổng công ty sẽ giao khoảng 80.000 tấn gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, do dịch bệnh khiến chuỗi logistic trong thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nên người mua chưa thuê được tàu/container vào cảng lấy hàng.

Vì vậy, việc giải phóng hàng tồn, mở rộng tích lượng để tiếp tục thu mua tạm trữ với số lượng lớn là khó khả thi.

Tổng công ty đã có chỉ đạo các kho triển khai đặt hàng thu mua nguyên liệu để duy trì sản xuất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch và sẽ đẩy mạnh từ giữa tháng 8 trở đi khi giãn cách xã hội được nới lỏng tại các địa phương.

Để tháo gỡ khó khăn, ngày 9/8, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã cùng với UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP. Cần Thơ họp trực tuyến để tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo.

Theo VINAFOOD 1, tại cuộc họp, các địa phương đã thống nhất phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, lực lượng tham gia chuỗi cung ứng nhằm tiêu thụ hết lúa gạo vụ hè thu và thu đông sắp tới cho bà con nông dân.

Hiện nay cơ bản các nhà máy đã làm việc và thống nhất với địa phương về triển khai phương án 3 tại chỗ để tiếp tục đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân.

Đại diện VINAFOOD 1 cũng cho biết bên cạnh những thuận lợi, Tổng công ty cũng đang gặp một số vướng mắc, chủ yếu ở cơ chế, chính sách nên đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các phương án sản xuất kinh doanh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, với tinh thần gỡ vướng tối đa cho doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp thu những đề xuất của VINAFOOD 1 và cùng doanh nghiệp tìm hướng tháo gỡ khó khăn trước mắt, tạo thuận lợi tối đa trong việc thu mua lúa gạo, đảm bảo giá trị sản xuất cho người nông dân.

Theo Đỗ Hương/Báo điện tử Chính phủ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh