Trong điều kiện biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước phục vụ sản xuất, việc sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm thông qua việc đầu tư hệ thống tưới khoa học, giúp nhà nông tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Lê Văn Khanh (xã Mỹ An- Mang Thít) được hỗ trợ hệ thống tưới hòa phân cho bưởi. |
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước phục vụ sản xuất, việc sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm thông qua việc đầu tư hệ thống tưới khoa học, giúp nhà nông tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm
Nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Minh (ở ấp Cái Dứa, xã Thanh Bình- Vũng Liêm) đã đầu tư hệ thống tưới phun hòa phân cho 10 công sầu riêng vườn nhà. Điều này giúp anh tiết kiệm rất nhiều chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhất là vài năm trở lại đây, khi mà xứ cù lao đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn vào mỗi mùa khô thì bước đi tiên phong trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước tưới của anh đã cho thấy một lựa chọn đúng đắn.
Theo anh Minh, hệ thống tưới phun hòa phân giúp nhà vườn chia nhỏ lượng phân cần tưới bằng việc hòa phân loãng trong bồn chứa, mở van vận hành thiết bị hút phân, dung dịch phân được hút vào đường ống chính cùng với nước dẫn đi khắp hệ thống vào từng cây. Phân không bị thất thoát, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể.
Để chủ động nguồn nước tưới, anh Minh cũng đã chủ động đào ao lót bạt ngay trong vườn nhà để trữ nước, sẵn sàng ứng phó tình huống xâm nhập mặn kéo dài. Bên cạnh đó, anh cũng đã đầu tư máy lọc nước mặn, đáp ứng đủ nhu cầu tưới cho vườn sầu riêng và cả nước sinh hoạt gia đình.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm hòa phân cho một số hộ dân ở huyện Mang Thít. Ông Lê Văn Khanh (xã Mỹ An- Mang Thít) có 5 công vườn với 200 gốc bưởi da xanh, cho biết trước khi có hệ thống tưới này, mỗi lần tưới phải mất khoảng 4 tiếng đồng hồ, sau khi được hỗ trợ hệ thống tưới này thì mỗi lần tưới chỉ mất khoảng 20 phút nhưng vẫn đảm bảo được lượng nước cung cấp cho cây phát triển. Hệ thống còn kết hợp hòa phân để tưới giúp cung cấp phân bón cho cây kịp thời cũng như giảm thất thoát phân bón, giúp tiết kiệm nước.
Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT), hiện nay đa số các nhà vườn sử dụng hệ thống tưới phun mưa trên tán cây (khoảng 1.120ha), nhưng hiệu quả tiết kiệm nước không cao và không thể kết hợp tưới phân. Vì vậy, trong thời gian qua trung tâm đã nghiên cứu trình diễn mô hình tưới nước tiết kiệm hòa phân trên cây ăn trái (tưới phun mưa cục bộ tại vị trí mỗi gốc cây) mang lại kết quả khả quan và được người dân trong vùng hưởng ứng nhân rộng mô hình.
Theo đó hiệu quả tiết kiệm nước và phân bón từ 20- 30%, giảm hơn 70% chi phí công lao động trong việc tưới nước, bón phân. Khi áp dụng công nghệ tưới hiện đại với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10- 40%, tăng thu nhập cho hộ gia đình từ 20- 50%.
Mở rộng thâm canh trên cây ăn trái
Vừa qua, dự án xây dựng các mô hình trình diễn thâm canh trên cây ăn trái (cây có múi và cây đặc sản) áp dụng hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp hòa dinh dưỡng theo hướng GAP của tỉnh, giai đoạn 2021- 2025 được UBND tỉnh thông qua. Dự án do Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí đầu tư trên 12,6 tỷ đồng.
Theo đó, dự án hỗ trợ xây dựng 5 mô hình trình diễn tại các huyện- thị trong tỉnh theo quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với 360 hệ thống tưới tương đương 120ha cây ăn trái đang trong giai đoạn phát triển, cho trái; trong đó, bưởi Năm Roi 20ha, chôm chôm 22ha, bưởi da xanh 24ha, sầu riêng 26ha, xoài 28ha.
Dự án được triển khai theo phương thức xã hội hóa “Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện”. Trong đó, Nhà nước đầu tư hỗ trợ theo chính sách thông qua việc hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt hệ thống, 100% chi phí chuyển giao kỹ thuật. Người dân đầu tư chi phí và cơ sở vật chất thực hiện mô hình bằng cách đối ứng 50% chi phí lắp đặt hệ thống và cơ sở vật chất, chi phí sản xuất thực hiện mô hình.
Tiêu chí chọn điểm tham gia thực hiện mô hình địa điểm xây dựng mô hình phải nằm trong quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái của tỉnh, có điều kiện tự nhiên phù hợp với chủng loại cây trồng.
Vị trí sản xuất thuận tiện cho việc đi lại và phải có hệ thống đê bao, cống bộng hoàn chỉnh, an toàn, chủ động hoàn toàn về thủy lợi bao gồm cả việc tưới, tiêu thoát nước. Ưu tiên cho các vùng sản xuất cây ăn trái bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Riêng hộ tham gia mô hình có diện tích vườn cây ăn trái đang trong giai đoạn phát triển, cho trái tham gia mô hình từ 0,3ha trở lên.
Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng các mô hình thâm canh cây có múi và cây đặc sản theo hướng an toàn có ứng dụng kỹ thuật tưới tiên tiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị ngành hàng cây có múi và cây đặc sản của tỉnh, góp phần giải quyết được tình hình thiếu nước tưới do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Vĩnh Long hiện có trên 47.146ha cây ăn trái, trong đó diện tích đang cho trái trên 39.000ha với sản lượng 530.163 tấn/năm, trong đó diện tích trồng bưởi là 8.711,3ha, xoài là 5.045,2ha, sầu riêng là 3.275,2ha, chôm chôm là 2.672,9ha. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hiện nay đa số các nhà vườn trong tỉnh sử dụng hệ thống tưới phun mưa trên tán cây (khoảng 1.120ha), nhưng hiệu quả tiết kiệm nước không cao và không thể kết hợp tưới phân. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin