Ruộng lúa tôi bị nhiễm phèn khá nặng, nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách rửa phèn cho lúa?
(VLO) Ruộng lúa tôi bị nhiễm phèn khá nặng, nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách rửa phèn cho lúa?
Lê Tấn Đạt (Hiếu Phụng- Vũng Liêm)
Anh Đạt mến! Lúa bị ngộ độc phèn có rễ màu nâu đỏ đậm, thô, ít rễ lông hút. Ở những ruộng có vùi rơm rạ phân hủy trong điều kiện ngập nước, rễ lúa có cả màu đen kèm theo ngộ độc hữu cơ và chết.
Khi lúa bị ngộ độc, hô hấp của rễ giảm không tạo ra đủ năng lượng để hút dưỡng chất. Vì vậy, lúa bị ngộ độc thường kèm theo triệu chứng thiếu dinh dưỡng và tạo điều kiện cho bệnh đốm nâu trên lá phát triển.
Lúa bị ngộ độc phèn có bộ lá kém phát triển. Phiến lá hẹp, ngắn thẳng đứng, có màu nâu đỏ bầm và thường kết hợp với triệu chứng thiếu P. Ngộ độc phèn làm lúa nhảy chồi kém và giảm khả năng chống chịu bệnh- nhất là bệnh đạo ôn lá.
Khi phát hiện lúa bị ngộ độc phèn, anh cần tháo bỏ ngay nước ruộng có chứa độc chất phèn. Để việc tháo rửa độc chất được nhanh và hiệu quả thì khi làm đất cần phải đánh nhiều rãnh nước trong ruộng.
Rãnh có chiều ngang 20cm, sâu 20cm và các rãnh cách nhau từ 6- 9m. Các rãnh này phải được nối với mương thoát nước.
Khi rút nước phải rút cạn nước trong các rãnh để độc chất trong đất trôi theo ra. Rãnh này còn giúp hạn chế hiện tượng dồn phèn về một góc ruộng khi bơm nước.
Bơm nước mới vô ruộng khi mặt đất răn nhẹ. Thường ngộ độc phèn đi cùng với ngộ độc hữu cơ, vì vậy sau khi rút cạn nước nên để cho mặt ruộng răn nhẹ là để cho những độc chất ở thể khí nhanh chóng bay ra. Nếu có điều kiện thực hiện việc rửa thêm một lần nữa thì rất tốt.
Sau đó, có thể bón phân hiệu Đầu trâu mặn phèn, phân này có nhiều canxi, lân và có cả silic giúp nhanh chóng hóa giải phèn trong đất, đồng thời gia tăng tính chống chịu ngộ độc cho lúa và tạo ra rễ mới.
Sau vài ngày nhổ lúa kiểm tra bộ rễ, thấy rễ mới mọc trắng thì tiếp tục bón phân chăm sóc bình thường. Nếu rễ chưa ra nhiều, có thể lặp lại việc xử lý như trên thêm một lần nữa.
BẠN NHÀ NÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin