"Đứng ngồi không yên" vì xà lách xoong khó tiêu thụ

08:07, 07/07/2021

Hơn 10 ngày nay, nông dân vùng chuyên canh cải xà lách xoong ở xã Thuận An (TX Bình Minh) cho biết giá các loại rau màu liên tục giảm, thương lái không thu mua. Tới vụ thu hoạch, nhiều nông dân "đứng ngồi không yên", có hộ phải cán xà lách xoong xuống với hy vọng sẽ bán được cho lứa sau.

 

 

Xà lách xoong giảm giá, nông dân đang hạn chế chăm sóc.
Xà lách xoong giảm giá, nông dân đang hạn chế chăm sóc.

Hơn 10 ngày nay, nông dân vùng chuyên canh cải xà lách xoong ở xã Thuận An (TX Bình Minh) cho biết giá các loại rau màu liên tục giảm, thương lái không thu mua. Tới vụ thu hoạch, nhiều nông dân “đứng ngồi không yên”, có hộ phải cán xà lách xoong xuống với hy vọng sẽ bán được cho lứa sau.

Giá bán liên tục giảm

Dọc theo tuyến đường Thuận An- Rạch Sậy thuộc xã Thuận An- TX Bình Minh, nhiều rẫy trồng cải xà lách xoong tới lứa thu hoạch nhưng thương lái không thu mua, nhiều điểm thu mua xà lách xoong đã đóng cửa im ỉm khiến nông dân “đứng ngồi không yên”. Anh Nguyễn Thanh Tùng (ấp Thuận Phú A) cho biết: Từ tháng 3- 4/2021, thương lái mua cải xà lách xoong với giá hơn 40.000 đ/kg.

Khi dịch COVID-19 bùng phát thì giá bán liên tục giảm, hiện còn khoảng 10.000 đ/kg. Trong khi từ tháng 5- 10 hàng năm, cải xà lách xoong luôn ở mức giá cao. Không những vậy, một số thương lái đã ngừng thu mua, tới vụ thu hoạch nhiều nông dân không bán được.

Thay vì bán cải sỏi (cải cắt lộn xộn), nhiều nông dân chuyển sang làm cải sắp (cải bó) để bán. Anh Tùng lý giải: Từ khi thu hoạch đến khoảng 1 tháng là có cải sỏi, còn cải sắp thì kéo dài thời gian một chút. Thông thường giá bán 2 loại cải này chênh lệch 5.000- 10.000 đ/kg, nhưng tùy thời điểm mà thị trường quyết định giá loại cải nào cao hơn. Nông dân thường canh tháng nào giá cao thì thu hoạch cải sỏi và cứ khoảng 15- 16 ngày thì cắt. “Mùa nghịch thì cải sỏi ăn ngon hơn, còn cải sắp thì bị đỏ”- anh Tùng nói.

Từ nhiều ngày nay, nông dân đã hạn chế đầu tư chăm bón cải xà lách xoong, một phần để giảm chi phí, mặt khác “cây cao thì cắt bán cho ai bây giờ”- anh Tùng phân vân và cho biết: Nông dân chúng tôi chủ yếu sống nhờ rẫy, nhưng giờ không bán được cũng không biết tính sao. Bữa nào tui cũng xem tin tức mong mau qua dịch bệnh...

Theo anh Tùng, nông dân trồng cải trung bình cứ 20 ngày trở lên là có cắt. Với 3 công trồng xà lách xoong, tới vụ thu hoạch ngoài 2 vợ chồng anh còn phải thuê thêm 3 nhân công, giá thuê 25.000 đ/giờ, thời gian thu hoạch 3- 4 ngày, nhưng tính ra chi phí 3- 3,5 triệu đồng vì còn phải lo ăn uống và có “tiền boa”. “Trồng xà lách xoong phải xuất công mần nhà chứ mướn hết thì không có lời”- anh Tùng nói.

Anh Tùng cho biết: Trước đây, xà lách xoong của xã Thuận An đi TP Hồ Chí Minh rất mạnh, mỗi chuyến, 1 lái lớn thường mua hơn 2 tấn xà lách xoong, nhưng giờ mỗi lái chỉ mua vài trăm ký, có lái thì vài chục ký, có lái không đi, một phần do dịch bệnh nên người ta ít đi chợ. “Tuy tại rẫy giá giảm như vậy nhưng tại TP Hồ Chí Minh, giá bán lẻ là 15.000 đ/100g, tương đương 150.000 đ/kg”- anh Tùng nói.

Hạn chế chăm sóc

Hơn 10 năm nay, từ khi Nhà nước mở tuyến đường Thuận An- Rạch Sậy, ông Võ Văn Dùng (ấp Thuận Phú A) thuê 2.000m2 đất trồng cải xà lách xoong (giá thuê 4 triệu đồng/năm), thu nhập của gia đình ông chỉ nhờ vào cây cải xà lách xoong. May mắn là trước khi thương lái ngưng thu mua, ông đã cắt bán được 1 đợt hơn 300kg, giá bán 40.000 đ/kg, còn người cắt trễ thì kể như không bán được.

Từ hôm bùng phát dịch đến nay, lái không mua, ông Dùng chỉ tưới xà lách xoong cầm chừng, “nếu không tưới cây sẽ bị chết, già thì sâu chụp hư, mà bỏ tiền đầu tư chăm bón thì tốn chi phí”- ông Dùng ngán ngẩm nói và cho biết thêm- Lái không mua nên hàng ứ đọng.

Trong xóm có người cắt cải xà lách xoong bán lẻ nhưng không bán được bao nhiêu... Ông Dùng thở dài: “Giờ cải sắp chỉ bán được vài chục ký, trong khi trước đó mỗi ngày lái đi hàng tấn, lái không mua thì bít đường, không biết làm gì. Ở đây nông dân chủ yếu trồng cải xà lách xoong, không làm ra tiền nên việc ăn uống, chi tiêu trong gia đình phải dè xẻn”.

Toàn xã Thuận An có 346ha trồng màu, trong đó 147ha trồng xà lách xoong, tập trung nhiều ở các ấp Thuận Phú A, Thuận Phú B, Thuận Thành và Thuận Tân A.

Ông Bùi Văn Hiếu- Chủ tịch UBND xã- cho hay cách nay hơn 10 ngày, giá xà lách xoong ở mức hơn 30.000 đ/kg. Tuy nhiên, đến nay giá đã giảm xuống hơn một nửa, thậm chí là không thu mua. Tới đợt thu hoạch, nhiều nông dân phải cán xà lách xoong xuống để chờ lứa sau bán và hạn chế đầu tư chăm sóc.

Hiện, giá các loại rau màu khác cũng đang giảm mạnh, trong đó rau diếp cá cũng giảm từ 14.000 đ/kg xuống còn 4.000 đ/kg. “Nguyên nhân giá giảm và sức mua giảm là do TP Hồ Chí Minh và một số địa phương thuộc tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp... đang thực hiện giãn cách xã hội, một số chợ đầu mối ngừng thu mua”- ông Bùi Văn Hiếu thông tin.

Theo ông Bùi Văn Hiếu, các thương lái nhỏ từ tỉnh bạn, mỗi chuyến mua khoảng vài trăm ký, mà hiện nay người từ vùng dịch đến Vĩnh Long phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn trong thời hạn 72 giờ và chi phí do cá nhân tự chi trả nên sẽ đội chi phí cho những chuyến hàng.

Anh Trương Thanh Vũ- chủ vựa rau Nghiệu (xã Thuận An): Vựa chủ yếu thu mua cải xà lách xoong và rau màu đem phân phối cho các chợ đầu mối ở các tỉnh và thành phố khu vực miền Nam. Do ảnh hưởng dịch bệnh, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, các hàng quán đóng cửa, nên lượng rau của vựa đem bán giảm khoảng 50%. Trước đây, mỗi chuyến hàng đi hơn 1 tấn, nhưng giờ chỉ còn 500- 600kg; nhân công từ 4 người thì chỉ còn giữ 1 người làm.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh