Theo dự báo của ngành chuyên môn, mùa mưa kết thúc sớm, lũ đầu mùa ít có khả năng xuất hiện, xâm nhập mặn bớt căng thẳng,… được xem là những yếu tố thuận lợi cho sản xuất vụ lúa Thu Đông.
Lúa Thu Đông sản xuất trong điều kiện thuận lợi. |
(VLO) Theo dự báo của ngành chuyên môn, mùa mưa kết thúc sớm, lũ đầu mùa ít có khả năng xuất hiện, xâm nhập mặn bớt căng thẳng,… được xem là những yếu tố thuận lợi cho sản xuất vụ lúa Thu Đông.
Theo kế hoạch xuống giống lúa vụ Thu Đông, hiện đang là thời điểm xuống giống đợt 2 với 33.000ha, từ ngày 18/7- 3/8/2021. Đây cũng là đợt xuống giống chính phân bố tại hầu hết tại các địa phương trong tỉnh.
Trước đó, từ ngày 18/6- 4/7/2021, lúa Thu Đông cũng đã xuống đợt 1 với 7.000ha, phân bố tại khu vực QL54 thuộc TX Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn và vùng đất gò ven sông Măng thuộc các huyện: Tam Bình, Mang Thít, Vũng Liêm. Diện tích xuống giống đợt 3 là 6.500ha, từ ngày 16/8- 1/9/2021.
Trong vụ lúa này, Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh chỉ đạo bố trí thời vụ theo hướng tập trung né rầy và định hướng né mặn cho vụ lúa Đông Xuân 2021- 2022.
Theo đó, ngành chuyên môn khuyến cáo xuống giống đồng loạt trên từng khu vực, mỗi đợt dứt điểm sớm từ 7- 10 ngày trên cùng 1 cánh đồng, không xuống giống kéo dài so với lịch thời vụ chung. Bên cạnh, kết hợp với theo dõi số liệu rầy nâu vào đèn tập trung vào những ngày giữa tháng (từ ngày 12- 17).
Đối với cơ cấu giống lúa, toàn tỉnh phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương.
Hiện tại ngoài đồng phổ biến rầy tuổi 3- 4 gây hại chủ yếu với mật số thấp 500-800 con/m2. Cần chủ động thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu trên các trà lúa vụ Thu Đông. Khuyến cáo nông dân chỉ nên xử lý thuốc đặc trị khi rầy đang tuổi 2- 3 và mật số rầy trên 3.000 con/m2, cần sử dụng một trong những loại thuốc chống lột xác để phun trừ, chú ý không kết hợp với các loại thuốc phổ rộng để tránh nguy cơ bộc phát rầy ở giai đoạn sau. |
Trong đó, nhóm giống lúa chủ lực với khả năng thích ứng rộng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt được khuyến cáo gồm: OM5451, OM4900, OM6976, Đài thơm 8, OM18,…
Nhóm giống lúa bổ sung gồm: LH8, OM2517, OM9577, OM9955,… Riêng các giống chất lượng thấp (IR 50404, ML 202) sử dụng không quá 20% trong cơ cấu giống cho từng địa phương.
Bên cạnh, rà soát lại tình hình sản xuất nông nghiệp thực tế trên địa bàn và có kế hoạch tổ chức chỉ đạo sản xuất cụ thể cho từng vùng.
Những vùng sản xuất lúa 3 vụ không hiệu quả phải bố trí lại mùa vụ theo hướng 2 vụ lúa- 1 vụ màu, 2 vụ lúa- 1 vụ cá, 2 vụ màu- 1 vụ lúa hoặc chỉ 2 vụ lúa. Đặc biệt, cần chỉ đạo tốt việc thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nói chung.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), tính đến trung tuần tháng 7/2021, đã xuống giống được 12.743ha lúa Thu Đông đang giai đoạn mạ- đẻ nhánh, đạt 27,4% so kế hoạch.
Đã thu hoạch 35.269ha lúa Hè Thu, trên 77% diện tích xuống giống, với năng suất bình quân 5,59 tấn/ha. Lúa đổ ngã do ảnh hưởng mưa nên lúa giai đoạn chín bị đổ ngã khoảng 221ha, với tỷ lệ 10- 15%.
Nhằm hạn chế lúa đổ ngã, cần bón phân cân đối, hạn chế bón thừa phân đạm, bổ sung thêm kali, canxi, silic… để tăng cường tính chống chịu cho cây lúa, làm cho thân và rễ lúa cứng cáp hơn đồng thời nên rút nước khô ruộng 7- 10 ngày trước thu hoạch để mặt đất cứng, tránh đổ ngã và dễ thu hoạch.
Đối với diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch xong, cần vệ sinh đồng ruộng, xử lý nấm Trichoderma giúp rơm rạ mau phân hủy nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ; theo dõi diễn biến rầy di trú để có kế hoạch xuống giống lúa Thu Đông tập trung “né rầy” hiệu quả theo lịch khuyến cáo của địa phương.
Áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ nhằm quản lý tốt các đối tượng gây hại như: ốc bươu vàng, bù lạch, chuột, cỏ dại,…
Thời tiết hiện nay nắng mưa xen kẽ thích hợp cho bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục phát sinh phát triển trên lúa Hè Thu muộn và đạo ôn lá trên lúa Thu Đông.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, triển khai sản xuất vụ Thu Đông khu vực Nam Bộ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương cố gắng xuống giống kết thúc trước 20/8/2021, chậm nhất tới 25/8/2021 để né nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn, tránh được ảnh hưởng của triều cường, lũ lớn…
Căn cứ vào tình hình biến động thị trường giá lúa gạo, giá cả vật tư đầu vào cũng như tình hình dịch COVID- 19, các tỉnh ĐBSCL nên hạn chế giống lúa nếp và lúa thường, chất lượng trung bình ở vụ Thu Đông, thay vào đó, tăng diện tích lúa thơm, đặc sản cũng như các giống chủ lực xuất khẩu.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung cho các gói kỹ thuật đồng bộ trong canh tác lúa như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, chương trình IPM trong canh tác lúa để hạ giá thành sản xuất, chi phí vật tư đầu vào, hướng tới ngành lúa gạo giá trị, bền vững.
Để phòng trị bệnh thối thân đạt hiệu quả cao cần áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác sau: vệ sinh đồng ruộng kỹ, hạn chế canh tác giống nhiễm (OM 4218, Jasmine 85, OM 4900,…). Cần tháo cạn nước trên ruộng để loại bỏ nguồn vi khuẩn và hạn chế lây lan, rải vôi bột 20- 25kg/1.000m2). Sử dụng thuốc trừ vi khuẩn. Ngưng ngay việc bón phân đạm, tăng cường bón phân có chứa chất silic, canxi, tuyệt đối không kết hợp phun phân bón lá có chứa đạm kết hợp với thuốc trừ bệnh. Cần luân phiên các loại thuốc để đạt hiêu quả cao hơn. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin