ĐBSCL có nên giảm diện tích lúa thu đông?

10:07, 09/07/2021

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL ổn định trong khoảng 700.000ha nhưng năng suất đã tăng thêm 1 tấn/ha. Đặc biệt, sản lượng lúa thu đông chủ yếu phục vụ xuất khẩu, giá bán tốt...

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL ổn định trong khoảng 700.000ha nhưng năng suất đã tăng thêm 1 tấn/ha. Đặc biệt, sản lượng lúa thu đông chủ yếu phục vụ xuất khẩu, giá bán tốt...

Nông dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) gieo sạ lúa thu đông. (Ảnh: UBND huyện Vĩnh Thuận).
Nông dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) gieo sạ lúa thu đông. (Ảnh: UBND huyện Vĩnh Thuận).

Vừa sản xuất vừa lo dịch, vụ hè thu vẫn thắng

Tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2021 tại các tỉnh, thành Nam Bộ, ông Lê Thanh Tùng cho biết, dịch Covid-19 tác động đáng kể đến việc chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ lúa hè thu nhưng về cơ bản các tỉnh ĐBSCL đã có một vụ lúa hè thu thành công.

Theo đó, tổng diện tích xuống giống vụ hè thu 2021 toàn vùng Nam Bộ là 1,599 triệu ha, giảm 11.000ha so với vụ hè thu 2020, nhưng nhờ năng suất tăng 1,14 tạ/ha (ước đạt 56,51 tạ/ha) nên sản lượng vụ hè thu 2021 vẫn đạt 9,036 triệu tấn, tăng 120.000 tấn so với vụ hè thu 2020. 

Riêng vùng ĐBSCL, vụ hè thu 2021 xuống giống 1,515 triệu ha, giảm 9.000ha; năng suất ước đạt 56,66 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8,584 triệu tấn, tăng 124.000 tấn.

 

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương khuyến cáo bà con nông dân áp dụng các gói kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để đảm bảo sản xuất bền vững.

Diện tích lúa vụ hè thu giảm chủ yếu do chuyển đổi sang trồng cây rau màu hàng năm, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn và nhu cầu nguồn nước tưới ít hơn so với trồng lúa.

Về tình hình sử dụng giống xác nhận trong vụ hè thu 2021 theo báo cáo sơ bộ từ các tỉnh, tỷ lệ sử dụng giống nguyên chủng là 0,2% (3.000ha); tỷ lệ sử dụng giống xác nhận là 76,7% (khoảng 1,166 triệu ha). 

Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng lúa thường làm giống vẫn còn cao 23,1% (343.000ha). Ông Tùng cùng đánh giá, việc giảm lượng lúa giống gieo sạ ở ĐBSCL diễn ra chậm.

"Cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa thơm, đặc sản (nhất là giống lúa thơm ST 24, ST 25) và giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường EU theo các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đang có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới và nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam" - ông Tùng nói.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, vụ hè thu 2021, chi phí dành cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm khá cao trong giá thành sản xuất lúa. Nếu như chi phí làm đất chỉ chiếm 8%, chi phí giống chiếm 9% thì chi phí phân bón chiếm tới 22%, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%.

Tập trung chỉ đạo gieo trồng lúa thu đông đúng lịch thời vụ

Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, vụ thu đông 2021, vùng ĐBSCL gieo sạ 700.000ha; năng suất 55,19 tạ/ha, tăng 0,11 tạ/ha; sản lượng 3,864 triệu tấn.

Thời vụ thu đông phân theo vùng ngập sâu, ngập nông và vùng ven biển. Cụ thể, vùng ngập sâu (vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên) xuống giống vào cuối tháng 6 nửa đầu tháng 7, kết thúc xuống giống vào 20/8. 

Vùng ngập nông, đây là vùng tương đối thuận lợi cho sản xuất 3 vụ, không bị ảnh hưởng của ngập lũ, do vậy cần tập trung chỉ đạo đúng lịch thời vụ sản xuất, xuống giống vào đầu tháng 7 kết thúc xuống giống vào 10/8. 

Vùng ven biển, thời vụ xuống giống vụ thu đông xuống giống vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 kết thúc xuống giống vào 30/8.

Về cơ cấu giống lúa, Cục Trồng trọt khuyến nghị ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm chiếm tỷ lệ 30% trong cơ cấu giống: Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng hoa 9, VD20, Đài thơm 8... Giống lúa chủ lực xuất khẩu cần chiếm tỷ lệ 50-60%: OM5451, OM6976, OM18, OM 7347, OM4900... 

Hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống giống chất lượng trung bình IR 50404, OM 576.

Trước một số ý kiến của các chuyên gia độc lập về ĐBSCL cho rằng, ĐBSCL nên giảm diện tích lúa thu đông, chuyển sang cơ cấu cây trồng, vật nuôi khác, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, giá gạo Việt Nam đang cao hơn Thái Lan, Ấn Độ, triển vọng xuất khẩu vẫn lạc quan.

"Giai đoạn 2010 - 2020, diện tích lúa thu đông ổn định ở mức 700.000ha cho thấy vấn đề sản xuất an toàn trong mùa lũ vẫn đảm bảo. Đáng chú ý, từ 2010 đến nay năng suất lúa thu đông đã tăng thêm 1 tấn/ha. 

Lúa thu đông thu hoạch ở thời điểm thế giới không có gạo, khi các địa phương tập trung xuống giống lúa đông xuân mà vẫn có lúa thu đông bán nên giá lúa cao, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn ký các hợp đồng xuất khẩu gạo cho năm sau. 

Sản xuất lúa thu đông không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Toàn bộ sản lượng lúa thu đông có thể phục vụ xuất khẩu" - ông Tùng nói.

Đối với tình hình nguồn nước phục vụ vụ lúa thu đông, Nguyễn Đức Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, khu vực đang trong giai đoạn mùa mưa, với lượng mưa dự báo trong thời gian tới, nguồn nước cho sản xuất sẽ khá thuận lợi.

 Với mực nước lũ đầu vụ không lớn nên cơ bản hệ thống đê bao, bờ bao lửng đảm bảo cao trình an toàn cho sản xuất... 

Theo Dân Việt

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh