Kỳ 2: Lúa- "xác lập mặt bằng giá mới"

10:04, 20/04/2021

Trong khi nông dân trúng mùa, được giá vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 thì nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL cũng cho rằng "không phải may, mà lúa gạo Việt Nam bây giờ xác lập mặt bằng giá mới nên phải thích nghi".

>> Kỳ 1: Từ kinh nghiệm tránh hạn- mặn, vụ lúa “thắng lợi trọn vẹn”

Trong khi nông dân trúng mùa, được giá vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 thì nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL cũng cho rằng “không phải may, mà lúa gạo Việt Nam bây giờ xác lập mặt bằng giá mới nên phải thích nghi”.

Vụ lúa Đông Xuân 2020- 2021 nông dân trúng mùa, trúng giá.
Vụ lúa Đông Xuân 2020- 2021 nông dân trúng mùa, trúng giá.

 

Xuất khẩu thuận lợi

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hoạt động sản xuất, thương mại lương thực trên thế giới bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây cũng đang là cơ hội nếu chúng ta vượt qua được khó khăn để tổ chức sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Vụ Đông Xuân này là một tín hiệu đáng mừng trong hoàn cảnh như vậy.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo từ cuối tháng 3/2021 sôi động hơn khi nguồn cung lúa hàng hóa có mặt trên thị trường dồi dào và các doanh nghiệp đã hoàn tất chế biến gạo xuất khẩu. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3/2021 ước đạt 450.000 tấn với giá trị đạt 246 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm đạt 547,9 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với 38,3% thị phần, khi xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 225.900 tấn và 137,6 triệu USD.

Cũng theo VFA, trong 2 tháng đầu năm nay, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Trung Quốc gấp 2,3 lần và Australia tăng hơn 81%.

Tại hội nghị sơ kết vụ lúa Đông Xuân năm 2020- 2021 được tổ chức ở TP Cần Thơ mới đây, ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ)- cho rằng từ năm 2020 đến nay, mặc dù ảnh hưởng hạn mặn, dịch COVID-19, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp- PTNT thì việc tiêu thụ lúa gạo rất tốt. Dù đến nay chưa thu hoạch xong, nhưng ông khẳng định, vụ Đông Xuân này người nông dân được mùa trúng giá.

Trên các cánh đồng mà công ty đã đầu tư tại các tỉnh như: Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp,… ngoài bao tiêu ra thì bà con nông dân lấy tiền cả rồi. Lấy theo kiểu thuận mua vừa bán, êm đẹp, không ai bẻ chĩa ai. “Tôi nghĩ chúng ta phải công nhận với nhau, đi theo hướng nâng chất lượng lên và bán với giá thật của giá trị hạt gạo đồng bằng và công sức của người nông dân”.

Thực hiện liên kết cánh đồng lớn của vùng Nam Bộ, cũng như ĐBSCL nói riêng cũng đạt nhiều kết quả. Gieo sạ ước đạt khoảng 160.000ha; diện tích bao tiêu sản phẩm đạt 190.000ha. Theo tính toán, ở ĐBSCL, mỗi héc ta lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10- 15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20- 25%, thu lời thêm từ 2,2- 7,5 triệu đồng/ha.

Ông Lương Văn Anh- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi- cho biết, các công trình chống hạn, xâm nhập mặn được quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, xây dựng và vận hành phù hợp với thực tế đã góp phần tạo nên thắng lợi của vụ lúa Đông Xuân. Và đặc biệt trong thời gian tới, các công trình này tiếp tục phát huy kinh nghiệm như thời gian vừa qua, và qua quá trình vừa rồi đơn vị đã nhanh chóng chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng quy trình vận hành rất là sớm, đưa vào vận hành cho kịp thời.

Không ăn may và dần thích nghi

Tuy vậy, ông Phạm Thái Bình cũng thừa nhận, vụ mùa thắng lợi một phần bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng của toàn cầu, nên gạo Việt Nam “lên ngôi”.

Khi qua dịch COVID-19 chúng ta có bán được như thế này nữa hay không? Câu trả lời được nhiều địa phương đặt ra, trong bối cảnh hạn, mặn, dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Ông Phạm Thái Bình khẳng định rằng: “Lúa gạo Việt Nam chúng ta đã xác lập mặt bằng giá mới cho nên chúng ta phải thích nghi vấn đề này, chứ đừng có nghĩ là chúng ta may mắn nhờ COVID- 19 mà chúng ta bán được giá. Chúng ta đã kỳ công trong những năm gần đây đặc biệt là Nghị quyết 120 của Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu thì Bộ Nông nghiệp- PTNT đã chỉ đạo rất quyết liệt trong vấn đề ứng phó hạn mặn, thay đổi cơ cấu giống cây trồng, quy trình canh tác sản xuất. Lúa gạo của Việt Nam chúng ta nói chung và của ĐBSCL là đã xác lập và chúng ta phải công nhận là có tiến bộ thì chúng ta phải được hưởng giá mới”.

Lúa- “xác lập mặt bằng giá mới”.
Lúa- “xác lập mặt bằng giá mới”.

Để chủ động và không có chuyện “ăn may”, ông Phạm Thái Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT tiếp tục đi sâu về vấn đề liên kết sản suất giữa doanh nghiệp- nông dân đặc biệt là phải nâng chất lượng lúa gạo, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật,… để khi hết dịch, thị trường có thế này thế kia thì chúng ta vẫn chủ động cho xuất khẩu, mang tính bền vững, không bị động. Ông đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp có thực hiện về vấn đề này thì phía Bộ Nông nghiệp- PTNT ủng hộ, đồng hành để làm sao triển khai rộng liên kết ra ĐBSCL.

Đồng quan điểm, ông Bùi Quang Sơn- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice), đơn vị thành viên của Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed)- cho biết, trong vùng lúa giống của Vinarice, nông dân sử dụng rất ít nông dược. Ông cho biết thêm, vùng nguyên liệu sản xuất lúa giống của công ty chủ yếu ở tỉnh Đồng Tháp và Long An (chiếm 70%), diện tích còn lại ở Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang. Tuy nhiên, ngoài sản xuất lúa giống, công ty còn mua lúa lương thực khá lớn, do đó công ty mong muốn hợp tác, mở rộng thêm ở tỉnh lân cận của ĐBSCL thông qua các ban, ngành.

Từ sau Tết Nguyên đán 2021, giá nhiều loại phân bón tăng thêm từ 30.000-130.000 đ/bao, khiến nhiều nông dân rất lo lắng. Trong đó, loại DAP và Ure nhập khẩu tăng mức cao nhất. Giá phân bón chiếm khoảng 40% đầu tư chi phí sản xuất nông nghiệp, do đó, chi phí các vụ sản xuất tới sẽ tăng rất cao.

 

Ông Nguyễn Văn Sử- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT TP Cần Thơ cho hay, hiện nay nông dân gặp khó khi giá vật tư nông nghiệp tăng, đặc biệt là phân bón tăng ở mức cao. Đề xuất ngành chức năng có giải pháp để bình ổn thị trường và chất lượng vật tư nông nghiệp phân bón, để bà con nông dân yên tâm sản xuất.

 

>> Kỳ cuối: Cân nhắc tăng diện tích, liên kết là xu thế

Bài, ảnh: MINH ANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh