Bộ Nông nghiệp- PTNT, các địa phương đã xây dựng kịch bản rất chi tiết về kế hoạch sản xuất trồng trọt phù hợp, thích ứng với hạn- mặn, dựa trên kinh nghiệm ứng phó từ vụ trước. Vụ Đông Xuân 2020–2021 được coi là "thắng lợi kép" trong tình thế hạn hán, xâm nhập mặn ngày một ảnh hưởng sâu sắc đến ngành nông nghiệp.
Xem video clip. |
Bộ Nông nghiệp- PTNT, các địa phương đã xây dựng kịch bản rất chi tiết về kế hoạch sản xuất trồng trọt phù hợp, thích ứng với hạn- mặn, dựa trên kinh nghiệm ứng phó từ vụ trước. Vụ Đông Xuân 2020–2021 được coi là “thắng lợi kép” trong tình thế hạn hán, xâm nhập mặn ngày một ảnh hưởng sâu sắc đến ngành nông nghiệp.
Sáng nay (24/3/2021), tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp- PTNT tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2020- 2021, triển khai sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa năm 2021 tại Nam Bộ.
Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020- 2021 trong bối cảnh tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều triển vọng, giá lúa bán cao đang có lợi cho nông dân và xuất khẩu gạo ổn định.
Nhiều nơi thắng lợi vụ Đông Xuân. |
Có 2- 3 cơn “mưa vàng” trái mùa giúp đủ nước cung cấp trong suốt quá trình cây sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Nhiều tỉnh- thành vùng Nam Bộ triển khai sản xuất lúa Đông Xuân sớm ngay từ tháng 10 năm 2020, nên phần nào “né” được tình hình hạn mặn.
Toàn vùng ĐBSCL xuống giống gần 1,6 triệu ha, giảm khoảng 30.000 ha, do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn của năm 2020 (tại Vĩnh Long giảm 5.000 hecta do chuyển đổi cây trồng); năng suất ước đạt hơn 7 tấn/ha, tăng khoảng 2 tấn. Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ Đông Xuân ước đạt 27.000 hecta, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa làm giảm khoảng 50% nhu cầu lượng nước tưới cho sản xuất lúa và làm giảm đáng kể chi phí.
Nhóm giống lúa chuyển đổi dần theo đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo vừa phù hợp cho tiêu dùng trong nước vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận và tương đương xấp xỉ 78,57%; trong đó giống cấp xác nhận do các công ty, trung tâm giống cung cấp 58,92% (chiếm 75% lượng giống xác nhận được cung ứng), hệ thống nhân giống nông hộ, trao đổi khoảng 19,65% (chiếm 25% lượng giống xác nhận được cung ứng).
Riêng chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ các tỉnh Nam Bộ ước đạt 27.641 ha. Trong đó, ĐBSCL ước đạt 27.363 ha. Một số diện tích chuyển đổi sang cây ăn quả như cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng,…đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao.
Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2020- 2021, triển khai sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa năm 2021 tại Nam Bộ vào sáng 24/3. |
Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT)- cho biết, dựa trên dự báo tình hình xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2020- 2021 có thể cao hơn năm 2015- 2016 nhưng thấp hơn vụ Đông Xuân 201- 2020.
Bộ Nông nghiệp- PTNT, các địa phương đã xây dựng kịch bản rất chi tiết về kế hoạch sản xuất lúa sao cho phù hợp, thích ứng với hạn mặn, dựa trên kinh nghiệm ứng phó từ vụ trước. Theo đó, phương châm đẩy sớm thời gian xuống giống để né hạn mặn được các địa phương tiếp tục áp dụng, thực hiện nghiêm túc, tránh được những thiệt hại do mặn xâm nhập vào sâu trong nội đồng.
Vụ Hè thu 2021, Nam Bộ có kế hoạch gieo sạ hơn 1, 6 triệu ha. Trong đó, ĐBSCL hơn 1,5 triệu ha. Đến ngày 20/3 xuống giống ước đạt 305.000 ha, đạt 20% kế hoạch.
Theo Tổng cục Thủy lợi, trong những vụ mùa tới đây có 3 lý do có thể dự báo tình hình hạn- mặn giảm so trung bình nhiều năm và sản sản xuất an toàn, đó là thời điểm tháng 2 có trận mưa trái mùa làm gia tăng lượng nước; gió chướng nhẹ hơn nhiều năm và việc triển khai sớm thời vụ sản xuất. Theo dự báo, năm nay lũ về chậm. Từ nay đến hết tháng, mặn vẫn cao nhưng ít đột biến. Cụ thể, tại cửa sông Cửu Long từ tháng 4- 5 mặn bắt đầu giảm từ 35- 45 km trở vào nước ngọt thường xuyên, nên rất thuận lợi cho sản xuất.
Tại hội nghị, nhiều địa phương cho rằng, việc “thắng lợi toàn diện” trong vụ Đông Xuân là do sự chủ động, kinh nghiệm ứng phó hạn, mặn những năm trước đây. Các công trình được đầu tư phát huy hiệu quả tích cực.
Ngoài năng suất lúa, đáng phấn khởi hơn là giá lúa đang được thu mua ở mức cao, từ 6.000- 6.500 đ/kg, riêng lúa thơm nhiều loại có giá từ 6.800- 7.000 đ/kg, cao hơn 1.500- 2.000 đ/kg so với vụ Đông Xuân 2019- 2020. Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên chi phí sản xuất vụ này khá thấp, trừ chi phí đạt lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) lưu ý giải pháp chỉ đạo cho sản xuất lúa vụ Thu Đông: Theo dõi diến biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa Hè Thu để có kế hoạch cụ thể cho vụ Thu Đông. Ngoài ra cũng lưu ý đến chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2021- 2022 và dự kiến sản xuất lúa niên vụ 2021. Khi bố trí thời vụ cho lúa Thu Đông cần lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa Đông Xuân 2021- 2022, chú ý kết thúc xuống giống lúa Thu Đông vào ngày 20/8, tối đa là 30/8/2021. Sử dụng những giống lúa cho vụ Thu Đông cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. |
Bài, ảnh: MINH- ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin