Thời điểm sau Tết Nguyên đán, trời se lạnh, ruộng lúa dễ bị bệnh đạo ôn tấn công, nhờ Bạn Nhà nông tư vấn cách để phòng trị bệnh này cho lúa?
(VLO) Thời điểm sau Tết Nguyên đán, trời se lạnh, ruộng lúa dễ bị bệnh đạo ôn tấn công, nhờ Bạn Nhà nông tư vấn cách để phòng trị bệnh này cho lúa?
Trần Văn Dũng (Hậu Lộc- Tam Bình)
Anh Dũng mến! Bệnh đạo ôn là loại bệnh với tác nhân gây hại là nấm, gây hại ở 5 bộ phận trên cây lúa, thích hợp phát triển và lây lan khi thời tiết se lạnh về đêm, sáng sớm xuất hiện nhiều sương mù kết hợp trà lúa Hè Thu đang giai đoạn mẫn cảm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh phát triển. Giai đoạn đòng- trổ của vụ Đông Xuân là thời kỳ rất dễ nhiễm đạo ôn.
Cho nên, ở thời điểm tháng Giêng và tháng 2, bệnh đạo ôn thường được ngành chuyên môn khuyến cáo nhà nông thận trọng, vì đây là giai đoạn lúa rất nhạy cảm với bệnh hại này. Đạo ôn có 2 dạng là đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông.
Yếu tố thời tiết là vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của bà con nông dân trong quản lý đạo ôn nhưng yếu tố canh tác thì người dân hoàn toàn có thể quản lý tốt và điều này cũng góp phần rất lớn trong hạn chế sự tấn công cũng như gây hại của đạo ôn.
Khi chọn giống và cách gieo sạ, anh nên sử dụng giống sạch bệnh, đồng thời không sạ dày. Bà con cũng cần quản lý nước phù hợp, tránh để ruộng bị khô, tránh để cây lúa thiếu nước vì như vậy sẽ khiến cây còi cọc, hấp thu dinh dưỡng kém và không đủ sức để chống chọi với bệnh hại.
Anh cần thường xuyên quan sát đồng ruộng để bổ sung dinh dưỡng phù hợp, cân đối hàm lượng đạm- lân- kali (hạn chế tối đa việc thừa phân đạm).
Đồng thời, anh cần thăm đồng thường xuyên, nếu thấy chớm xuất hiện đạo ôn lá bằng vết chấm kim phun thuốc ngay để làm khô vết bệnh, song song đó theo dõi tiến trình phát triển của cây lúa, đến khi lúa trổ lẹt xẹt và trổ đều tiến hành phun ngừa đạo ôn cổ bông. Anh có thể sử dụng Tri 75WG và Triosuper 70WP để quản lý đạo ôn trên lúa.
BẠN NHÀ NÔNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin