Chăm sóc vườn cây ăn trái mùa nắng nóng

07:03, 18/03/2021

Hạn hán và xâm nhập mặn hiện không nghiêm trọng như đợt hạn mặn lịch sử của mùa khô năm 2019-2020, nhưng vẫn khá gay gắt và đang gây nhiều tác động tiêu cực cho sản xuất trồng trọt, sinh hoạt của người dân.

Hạn hán và xâm nhập mặn hiện không nghiêm trọng như đợt hạn mặn lịch sử của mùa khô năm 2019-2020, nhưng vẫn khá gay gắt và đang gây nhiều tác động tiêu cực cho sản xuất trồng trọt, sinh hoạt của người dân.

Nông dân tưới nước cho vườn cây ăn trái  ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Nông dân tưới nước cho vườn cây ăn trái ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Nguy cơ bị thiệt hại do nắng hạn

Hiện nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL nhìn chung được đảm bảo nhờ sự chủ động chuẩn bị của người dân và quan tâm hỗ trợ tích cực của ngành chức năng trong đầu tư, vận hành hiệu quả nhiều công trình ngăn mặn và tích trữ nước ngọt. Tuy nhiên, các địa phương phải đối mặt với tình hình nắng nóng xảy ra với cường độ cao trong những ngày qua, với nền nhiệt ban ngày tại TP Cần Thơ và nhiều nơi ở Nam bộ đạt mức cao lên đến 35-370C. Vào ban đêm, nền nhiệt lại giảm thấp và nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm lên đến 13-140C. Trong điều kiện thời tiết như vậy, nhiều loại sâu bệnh dễ bùng phát gây hại cho cây ăn trái và cây cũng có nguy cơ bị giảm năng suất cho trái, thậm chí bị chết nếu không được cung cấp đủ nước và có biện pháp chăm sóc, bảo vệ phù hợp.

Thời gian qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng làm cho việc xuất khẩu và tiêu thụ nhiều loại trái cây gặp khó, khiến giá bị giảm thấp, nhất là trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán 2021 nên đã xảy ra tình trạng nhiều vườn cây ăn trái tới lứa thu hoạch nhưng nông dân phải neo trái lại nhằm chờ giá tăng. Điều này đã ít nhiều làm cho cây bị suy kiệt, ảnh hưởng đến sức chống chịu của cây trong điều kiện nắng nóng bất lợi. Ngoài ra, thời điểm này có một số loại cây ăn trái cũng đang trong quá trình ra hoa và đậu trái như: sầu riêng, dâu… nên rất cần được chăm sóc kỹ và tưới đủ nước để đảm bảo năng suất và chất lượng trái.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Theo các dự báo của ngành chức năng, tình hình hạn hán trong mùa khô năm nay có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, đồng thời xâm nhập mặn cũng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ven biển tại vùng  ĐBSCL. Đáng chú ý, nắng nóng gay gắt đã diễn ra trên diện rộng và dự báo còn kéo dài. Đối với diện tích cây ăn trái còn neo trái quá lứa, nông dân nên có giải pháp thu hoạch, khôi phục sức khỏe cho cây. Để bảo vệ vườn cây ăn trái, nông dân cũng cần thường xuyên rà soát hệ thống ao, mương trữ nước để đảm bảo đủ nước tưới cho cây và quan tâm áp dụng các biện pháp tủ cỏ, rơm rạ… để bảo vệ cây. Tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ trong thời điểm nắng nóng này. Quan tâm cắt tỉa các cành cây già cỗi, tạo tán cho cây thông thoáng, hạn chế nơi trú ẩn cho sinh vật gây hại. Chú ý bón phân và cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách cân đối, nhất là chú ý bón phân kali và tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng sâu bệnh và các loại nấm, vi khuẩn gây hại cây…”.

Cũng theo ông Nghiêm, dự báo mưa trái mùa cũng có khả năng xuất hiện trong mùa nắng nóng này nên bà con nông dân cũng cần chú ý để có giải pháp phòng tránh các nguy cơ gây hại cho vườn cây. Cần tưới đủ nước cho cây thường xuyên, chủ động hạn chế hiện tượng sốc nước do mưa trái mùa, gây nứt trái, rụng trái và khiến cây đâm chồi ngoài ý muốn. Song song đó, nông dân cần quan tâm đẩy mạnh sản xuất cây trái theo hướng  an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm đảm bảo đầu ra.

Tích cực bảo vệ vườn cây

Cây ăn trái là loại cây trồng lâu năm, nông dân tốn nhiều chi phí đầu tư và công sức mới có được các vườn cây cho huê lợi. Do vậy, nếu để xảy ra tình trạng cây chết thì thiệt hại rất lớn cả về mặt chi phí và thời gian. Đặc biệt, nông dân rất khó khôi phục lại vườn cây trong thời gian ngắn như sản xuất lúa, rau màu và các loại cây trồng ngắn ngày nói chung. Nhận thức được điều đó, các nhà vườn trồng cây ăn trái ở TP Cần Thơ đã và đang tích cực quan tâm áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp được ngành Nông nghiệp khuyến cáo nhằm chăm sóc, bảo vệ tốt vườn cây.

Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, chia sẻ: “Thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào 20 công sầu riêng. Để bảo về vườn sầu riêng trong mùa nắng nóng này, ngoài việc chủ động nguồn nước và tưới cho cây thường xuyên, tôi cũng đã cắt tỉa bớt các cành lá già cỗi, bón phân cân đối, phù hợp và tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ. Đồng thời, sử dụng sình bùn, rơm rạ, cỏ cây che chắn, bảo vệ cho cây”. Ông Bùi Văn Dũng, ngụ ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, nói: “Mùa nắng nước rất dễ bốc hơi, do vậy tôi cũng đã chú ý sử dụng sình bùn, rơm rạ và cây cỏ để che đậy gốc cây nhằm giữ ẩm, nhằm bảo vệ tốt vườn mít Thái. Để tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả tưới nước cho vườn cây, tôi cũng đã đầu tư hệ thống phun tưới nước tự động cho 9 công đất trồng cây ăn trái. Tôi chỉ cần bật cầu dao điện là hệ thống tự phun tưới nước cho vườn cây đều khắp và chỉ cần mất thời gian khoảng 15-20 phút”.

Cần Thơ có hơn 21.620ha cây ăn trái các loại, với sản lượng thu hoạch trái đạt hơn 143.150 tấn/năm. Cây ăn trái được trồng khá đa dạng về chủng loại và có nhiều loại trái cây ngon, đặc sản như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn, vú sữa, xoài, mít, dâu, cam, bưởi, mận... Thời gian qua, nhiều loại cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ cho hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhiều hộ dân.

Theo Báo Cần Thơ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh