Ứng dụng cơ giới hóa vào sạ lúa theo khóm không chỉ giúp tiết kiệm lúa giống, phân bón, công chăm sóc mà năng suất từ bằng đến cao hơn so với sạ lúa truyền thống. Đây là mô hình đang được nhiều nhà nông ở khu vực xã Trung Nghĩa, Hiếu Thuận (Vũng Liêm) hướng đến để tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích lúa.
Mô hình sản xuất lúa thâm canh và ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ lúa theo khóm được nhiều nông dân quan tâm tìm đến học tập. |
Ứng dụng cơ giới hóa vào sạ lúa theo khóm không chỉ giúp tiết kiệm lúa giống, phân bón, công chăm sóc mà năng suất từ bằng đến cao hơn so với sạ lúa truyền thống. Đây là mô hình đang được nhiều nhà nông ở khu vực xã Trung Nghĩa, Hiếu Thuận (Vũng Liêm) hướng đến để tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích lúa.
Lợi ích “kép”
Vào những ngày cuối tháng 11, trên các cánh đồng từ QL54 đến xã Trung Nghĩa, bà con nông dân đang tất bật thu hoạch vụ lúa Thu Đông. Vụ lúa này, nhiều bà con nông dân ở Ấp 3 và ấp Trường Hội áp dụng mô hình sản xuất lúa thâm canh và ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ lúa theo khóm.
Dõi mắt theo những chiếc máy gặt đập liên hợp đang “nhai” lúa, chú Ngô Văn Thạch (ấp Trường Hội) không giấu sự phấn khởi, khoe với chúng tôi: “Vụ này được mùa, lại được giá. Năng suất trên 26 giạ/công nên lợi nhuận cũng trên 30% so với vụ Thu Đông năm rồi do chi phí bỏ ra thấp hơn nhờ sạ khóm”.
Đồng ruộng sạ khóm trĩu hạt của chú Thạch đang vào vụ thu hoạch. |
Chú Lương Trung Nghĩa (ấp Trường Hồi) cũng sạ khóm 10 công ruộng của mình và đem lại lợi nhuận khá cao. Chú Nghĩa làm ngay bài toán chứng minh hiệu quả của sạ khóm từ thực tế 2 vụ sạ khóm trên chính mảnh ruộng của mình: “Nếu sạ lan phải tốn 25kg lúa giống/công, trong khi đó sạ khóm chỉ tốn 5kg lúa giống/công, phân ít hơn, giảm từ 2- 4 đợt xịt thuốc, lúa không bị đổ ngã, năng suất cao hơn 2 giạ lúa so cùng vụ năm trước. Tui để ý thấy 2 miếng ruộng liền kề, bên tui thì sạ khóm còn bên kia sạ lan, khi thu hoạch năng suất cao hơn 2 bao lúa, ít hơn 2 cuộn rơm/công và cứ 10 bao lúa thì có nửa bao lép, còn bên kia 10 bao lúa thì cho ra 1-1,5 bao lép. Hiệu quả quá rõ, vụ tiếp theo tui sẽ tiếp tục sạ khóm”.
Vụ Hè Thu rồi và vụ Thu Đông này, chú Võ Văn Bình (ấp Ngãi Thạnh- Hiếu Thuận) thực hiện sạ khóm và năng suất cao hơn 6 giạ lúa/công mà chi phí bỏ ra ít hơn so với sạ lan. Chú Bình chia sẻ: “Qua 2 vụ, tui thấy sạ khóm thưa hơn sạ lan nên rễ ăn sâu hơn, đủ chất dinh dưỡng, cây to hơn, hạt lúa to hơn, cây quang hợp ánh sáng nhiều hơn nên ít bệnh. Từ đó mình giảm phân, thuốc, công chăm sóc và hơn nữa là bảo vệ sức khỏe của người dân. Chỉ có tiền công sạ khóm hơi cao (100.000 đ/công) và phải đảm bảo lúc gieo sạ không cho ốc bươu vàng và chuột phá hoại”.
Nhờ sạ khóm mảnh ruộng chú Thạch giảm được nhiều chi phí vật tư mà năng suất tương đương vụ này năm trước. |
Sạ khóm- thay đổi nhận thức của người dân
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT), năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai và tổng kết mô hình sản xuất lúa thâm canh và ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ lúa theo khóm tại ấp Ngãi Thạnh, Phú Cường (xã Hiếu Thuận) và Ấp 3 (ấp Trường Hội, xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) với quy mô 48ha, có 64 hộ tham gia.
Mô hình này nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất lúa (hạt giống, công lao động,…), tăng thu nhập cho người sản xuất lúa góp phần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa. Khi tham gia vào mô hình này, Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% lúa giống xác nhận và chi phí vật tư, người dân chỉ góp ruộng sản xuất và 50% lúa giống và chi phí vật tư đối ứng, chi phí làm đất, chăm sóc, thu hoạch và các cơ sở vật chất phục vụ sản xuất.
Người dân nắm được các biện pháp kỹ thuật chính trong canh tác lúa có áp dụng các kỹ thuật tiên tiến sử dụng tối đa 50kg hạt giống gieo sạ/ha, “3 giảm- 3 tăng”, “1 phải- 5 giảm”, thâm canh lúa cải tiến (SRI).
Các hạt lúa trên ruộng sạ khóm no tròn chắc hạt hơn sạ truyền thống. |
Bà Lê Thị Thanh Hiền- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp- PTNT)- cho biết: “Tổng kết thực tế tại 2 xã Trung Nghĩa và Hiếu Thuận cho thấy mô hình sản xuất lúa thâm canh và ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ lúa theo khóm đem lại hiệu quả cao. Máy sạ khóm sạ lúa theo kích thước hàng cách hàng 25cm, khóm cách khóm trên cùng hàng từ 10- 21cm. Sạ lúa theo khóm giúp cây lúa phát triển tốt, nhảy chồi mạnh, cây lúa phát triển thành bụi như lúa cấy, hạn chế đổ ngã và sâu bệnh hại.
So với sạ lan, sạ khóm tiết kiệm 100kg lúa giống/ha, giảm từ 20- 25kg phân đạm/ha, thuốc bảo vệ thực vật và tiền công phun giảm 1,5 triệu đồng/ha, tiền công lao động giảm 800.000 đ/ha. Tuy nhiên, tiền công gieo sạ cao hơn 1 triệu đồng/ha, công bón phân nhiều hơn 1 đợt (200.000 đ/ha). Năng suất nhiều hơn 100- 400kg/ha so với sạ lan. Trừ chi phí, lợi nhuận nhiều hơn so với sạ lan từ 33- 41,6%.”
Ông Nguyễn Văn Suôl- Chủ nhiệm CLB Khuyến nông xã Trung Nghĩa- cũng cho rằng: “Hiệu quả khi người dân tham gia mô hình này là giảm lúa giống, giảm công chăm sóc, giảm vật tư, chống đổ ngã, chất lượng hạt lúa tốt. Tuy nhiên, chi phí cho để sạ khóm còn khá cao 100.000 đ/công; đất vừa trũng, vừa gò sẽ làm hiệu quả sạ khóm không phát huy được hết”.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa thâm canh và ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ lúa theo khóm qua 2 vụ tại xã Trung Nghĩa. |
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh- Lê Thị Thanh Hiền cũng thừa nhận là hiện nay, mô hình sản xuất lúa thâm canh và ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ lúa theo khóm cũng còn gặp khó do truyền thống sạ lan đã có từ lâu đời, cần có thời gian để thay đổi.
Trong thời gian tới, ngành chức năng đẩy mạnh ứng dụng máy sạ lúa theo khóm ra cộng đồng với chi phí dịch vụ phù hợp; đồng thời tập huấn kiến thức kỹ thuật canh tác lúa không những giúp giảm lúa giống, chi phí, tăng năng suất mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức và tập quán sạ dày của nông dân.
Nông dân đồng thuận với nhau sản xuất lúa theo mô hình sạ khóm, liên kết hợp tác giữa nông dân và nông dân, giữa nông dân và doanh nghiệp trong mua vật tư và tiêu thụ sản phẩm, có như thế lợi nhuận của nông dân sẽ tăng lên rất nhiều lần.
Bài, ảnh: TẤN TÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin