Ngành nông nghiệp có một năm vượt khó và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, với giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 2,44%, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Sản phẩm cây ăn trái tăng mạnh bù đắp cho sự sụt giảm diện tích và sản lượng lúa cả năm 2020. |
Ngành nông nghiệp có một năm vượt khó và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, với giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 2,44%, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, trong năm qua, kết quả thực hiện lĩnh vực trồng trọt cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất lúa đạt mục tiêu giảm diện tích gieo trồng nhưng vẫn tăng năng suất bình quân lúa cả năm so với năm 2019 nhờ nông dân ứng dụng rộng rãi các giải pháp khoa học kỹ thuật được ngành khuyến cáo vào sản xuất, đặc biệt là giảm lượng giống gieo sạ giúp giảm được giá thành.
Nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng màu trên đất ruộng được xây dựng và nhân rộng đạt hiệu quả tốt. Ngành nông nghiệp đã chủ động trong việc hỗ trợ các địa phương thông qua các dự án, kế hoạch để phát triển vùng nguyên liệu nên tổng diện tích cây ăn trái trong tỉnh tăng khá. Khoa học kỹ thuật cũng được chuyển giao áp dụng vào sản xuất góp phần nâng cao cải thiện chất lượng nông sản. Giá nhiều loại trái cây, rau màu tương đối cao và ổn định, thị trường tiêu thụ tốt đảm bảo nông dân có lời.
Chăn nuôi bò và gia cầm vẫn phát triển, tổng đàn heo dần phục hồi, trong đó, chăn nuôi gia cầm có sự tăng trưởng khá cao do giá thịt heo cao. Việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm dễ dàng vì người dân có xu hướng chuyển qua sử dụng thịt gia cầm thay thế. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên gia cầm được kiểm soát tốt đã tạo tâm lý an tâm cho người chăn nuôi phát triển đàn gia cầm thời gian qua.
Riêng ngành chăn nuôi heo tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi nhưng ngành chăn nuôi- thú y đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống kịp thời ngăn chặn dịch bệnh. Đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi chuyển đổi phát triển đàn vật nuôi khác phù hợp với từng địa phương, đảm bảo nhu cầu thị trường. Việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ được đẩy mạnh để hình thành sản xuất theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Lĩnh vực thủy sản cũng được quan tâm hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc tăng cường ứng dụng các quy trình GAP. Nuôi cá lồng bè và nuôi thủy đặc sản tăng. Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh có gần 2.350ha, trong đó 217 cơ sở nuôi cá tra thâm canh, 1.217 chiếc lồng bè nuôi cá điêu hồng, ba sa, vồ đém… ước sản lượng thủy sản nuôi trồng 146.438 tấn. Ngoài nuôi cá thâm canh, lồng bè, trên địa bàn tỉnh cũng đa dạng hóa các đối tượng và mô hình nuôi thủy sản nhất là việc phát triển nuôi thủy đặc sản với hơn 78ha, ước sản lượng hơn 4.000 tấn, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh, cá chạch lấu, có hô, ba ba,…
Cơ cấu lại nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là giá trị trên một đơn vị diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 240 triệu đồng/ha/năm. Dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát tốt. Các công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư góp phần hoàn thiện hệ thống thủy lợi của tỉnh.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Liêm, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất nông nghiệp vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như ảnh hưởng hạn- mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020 khoảng 430 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do hạn- mặn là chủ yếu với khoảng 395 tỷ đồng. Nông nghiệp có tăng trưởng sản xuất nhưng chưa bền vững. Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa nhiều; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các hình thức liên kết sản xuất chưa bền vững, quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, chất lượng sản phẩm còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, việc huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt còn hạn chế.
Theo dự báo tình hình thiên tai, dịch bệnh sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2021, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương cần xây dựng phương án chủ động ứng phó với hạn- mặn và dịch bệnh bùng phát trên cây trồng, vật nuôi. Trong đó lưu ý tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, rà soát lại các sản phẩm nông sản chủ lực, sản xuất theo nhu cầu thị trường, xác định các nhiệm vụ trọng tâm và có giải pháp định hướng phát triển lâu dài để làm điểm đột phá trong nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, chủ động thích ứng thiên tai. Quan tâm công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, nhất là khâu chế biến nông sản và hợp tác, liên kết với doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong năm 2020, sản xuất nông nghiệp và thủy sản của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) khu vực nông- lâm- thủy sản ước tính năm 2020 tăng 2,58% so với năm 2019. Về cơ cấu kinh tế, GRDP ngành nông- lâm- thủy sản chiếm tỷ trọng 35,9% trong tổng giá trị GRDP của tỉnh, tăng 1,38 điểm phần trăm so với năm 2019. Trong năm ngành nông nghiệp đã thực hiện đạt 3 chỉ tiêu quan trọng với giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 2,44%; 92% hộ dân nông thôn sử dụng nước qua hệ thống cấp nước tập trung; cơ bản có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm 4 xã được công nhận trong năm 2020 và 2 xã dự kiến công nhận trong quý I/2021) và có thêm 6 xã nông thôn mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin