Vướng bản quyền sản phẩm đầu ra lúa giống

03:12, 15/12/2020

Do gặp phải vấn đề bản quyền một số chủng loại giống lúa nên sản phẩm đầu ra của các cơ sở sản xuất lúa giống của tỉnh đang gặp khó khăn, không thể đóng gói bao bì kinh doanh. Vấn đề đặt ra, cần có sự liên kết với đơn vị sở hữu bản quyền để đầu ra lúa giống được hanh thông, hợp pháp.

 

 

Do gặp phải vấn đề bản quyền một số chủng loại giống lúa nên sản phẩm đầu ra của các cơ sở sản xuất lúa giống của tỉnh đang gặp khó khăn, không thể đóng gói bao bì kinh doanh. Vấn đề đặt ra, cần có sự liên kết với đơn vị sở hữu bản quyền để đầu ra lúa giống được hanh thông, hợp pháp.

Vừa qua, Trung tâm Giống nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT) tổng kết dự án “Củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020”.

Sau 4 năm triển khai, dự án trên được đánh giá mang lại hiệu quả rất khả quan, đặc biệt là trong khâu sản xuất tạo ra sản phẩm lúa giống chất lượng cao. Tuy nhiên, do chính sách bản quyền về giống, cụ thể là giống OM 5451 và OM 18, nên các cơ sở sản xuất giống của tỉnh không thể đóng gói bao bì kinh doanh 2 giống lúa trên.

Tham gia hệ thống sản xuất giống lúa thuần của tỉnh, ông Phạm Văn Long (xã Long An- Long Hồ) cho biết, do vấn đề bản quyền về giống, nên các cơ sở sản xuất cũng như Trại Lúa giống không thể đóng gói bao bì để phân phối một số giống lúa đến nông dân, từ đó cũng ảnh hưởng lớn đến các cơ sở sản xuất lúa giống. Qua đó, ông Long đề xuất Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cần có bước liên kết với doanh nghiệp sở hữu bản quyền để khơi thông đầu ra lúa giống.

Ông Long lo ngại một khi giống lúa độc quyền thì giá bán sẽ cao. Nông dân ngán ngại nên không mua giống xác nhận để sản xuất mà sẽ sử dụng lúa thịt làm giống vụ sau. Điều này khiến lúa hàng hóa không đạt chất lượng, ảnh hưởng chung đến sản phẩm lúa gạo của tỉnh.

Còn theo ông Bùi Văn Diệu- chủ cơ sở sản xuất lúa giống tại xã Long An (Long Hồ), cũng vì vấn đề bản quyền nên nông dân không được hưởng lợi khi tham gia sản xuất lúa giống. Chưa kể việc khan hiếm giống nguyên liệu để sản xuất ra giống xác nhận đã ảnh hưởng đến chất lượng lúa hàng hóa.

Thực tế sản xuất vụ Đông Xuân, nhu cầu giống xác nhận thường khá lớn, các cơ sở sản xuất giống cũng không có đủ lúa giống để cung ứng cho nông dân. Trong khi giá lúa giống có bản quyền lại khá cao (từ 13.000- 14.500 đ/kg giống OM 5451), chi phí đầu tư giống là quá nặng.

Dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần của tỉnh đạt hiệu quả cao.
Dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần của tỉnh đạt hiệu quả cao.

Ông Trần Văn Bé Bảy- Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hồi Tường (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) cho biết, có một thực tế hiện nay là người dân rất ngại thử những loại giống mới. Cụ thể ở xã Xuân Hiệp, người dân chỉ sản xuất 2 loại giống là OM 4900 vụ Đông Xuân và OM 5451 vụ Hè Thu. Cho dù hợp tác xã có đặt hàng đi nữa thì người dân vẫn không sản xuất giống khác. Do đó, muốn đưa giống mới xuống ruộng bây giờ không phải dễ, chỉ lo người dân không chịu làm chứ không lo giống “kháng lái” nữa.

Qua ý kiến trao đổi, nhiều cơ sở sản xuất lúa giống thống nhất việc duy trì dự án để cung cấp giống tại chỗ, tạo đối trọng và giá cả cạnh tranh với các giống khác, nếu không có giống đối trọng thì việc độc quyền giống rất dễ xảy ra tình trạng thao túng giá. Khi các cơ sở sản xuất đã tạo được nguồn giống chất lượng, Trại Lúa giống tỉnh làm đầu mối, hình thành một hệ thống phân phối chung cung ứng lúa giống ra thị trường, đáp ứng nguồn giống tốt tại chỗ với giá thành rẻ.

Đồng tình với những đề xuất trên, ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ cho rằng bên cạnh việc củng cố hệ thống nhân giống, thì việc nghiên cứu sản xuất những giống riêng của tỉnh thích ứng với điều kiện sản xuất địa phương cũng cần được tính đến. Ông Hồ Thế Nhu cũng đề xuất Trung tâm Giống nông nghiệp nghiên cứu để tiếp tục triển khai dự án giai đoạn tiếp theo nhằm cung cấp nguồn giống xác nhận, giúp người dân sản xuất lúa hàng hóa đạt chất lượng.

Về vấn đề bản quyền kinh doanh một số giống lúa, ông Nguyễn Văn Hạnh- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp- cho rằng các cơ sở sản xuất giống của tỉnh cần tuyệt đối tuân thủ.

Để giải quyết khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Hạnh chỉ đạo Trại Lúa giống nghiên cứu giải pháp liên kết với doanh nghiệp giữ bản quyền giống lúa để hệ thống nhân giống lúa thuần của tỉnh làm đại lý cung ứng, giúp khơi thông đầu ra lúa giống trong hệ thống, cũng như cung ứng giống kịp thời đến người dân tỉnh nhà.

Hướng tới, Trung tâm Giống nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các dự án tương tự, trong đó chú trọng đa dạng chủng loại giống lúa đầu vào, tiến tới xây dựng bộ giống lúa riêng của tỉnh Vĩnh Long.

Đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, qua 4 năm triển khai dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020, đã giúp hình thành hệ thống nhân giống lúa với 162 cơ sở trong toàn tỉnh với diện tích sản xuất 290ha. Dự án đã giúp nông dân thay đổi tư duy sử dụng giống đạt chất lượng để sản xuất. Hướng tới, ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu đề xuất dự án tương tự nhằm hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới, đào tạo đội ngũ cấy tại chỗ, đào tạo thay đổi tư duy nông dân trong việc sử dụng giống lúa cũng nâng cao kỹ thuật canh tác để giảm chi phí đầu vào.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh