Do thời tiết không thuận lợi, thời điểm thu hoạch lại ảnh hưởng bão nên năng suất lúa Thu Đông không được như kỳ vọng dù giá bán khá cao. Liệu vụ lúa Đông Xuân có bù đắp năng suất cho vụ trước, khi đầu vụ còn có thể ảnh hưởng của lũ kết hợp triều cường các tháng cuối năm và cuối vụ lại đứng trước nguy cơ tác động của hạn, mặn mùa khô.
Do thời tiết không thuận lợi, thời điểm thu hoạch lại ảnh hưởng bão nên năng suất lúa Thu Đông không được như kỳ vọng dù giá bán khá cao. Liệu vụ lúa Đông Xuân có bù đắp năng suất cho vụ trước, khi đầu vụ còn có thể ảnh hưởng của lũ kết hợp triều cường các tháng cuối năm và cuối vụ lại đứng trước nguy cơ tác động của hạn, mặn mùa khô.
Thu Đông được giá nhưng năng suất không cao
Vụ lúa Thu Đông năm nay, toàn huyện Trà Ôn xuống giống 5.364ha. Hiện tại lúa Thu Đông huyện này thu hoạch cơ bản dứt điểm với năng suất lúa bình quân cả vụ là 5,3 tấn/ha, thấp hơn cùng kỳ 300 kg/ha nhưng lúa được thu mua với giá khá cao so với cùng kỳ.
Có thời điểm giá lúa OM5451 từ 6.000- 6.200 đ/kg, giá lúa ML202 từ 6.000- 6.300 đ/kg, cao hơn vụ Hè Thu từ 300- 800 đ/kg tùy thời điểm thu hoạch.
Với giá bán lúa khá cao nhưng nông dân chưa phấn khởi vì năng suất lúa thấp. Ông Trần Văn Lý (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) cho hay, vụ lúa này chịu ảnh hưởng mưa nhiều gần như suốt cả vụ, đặc biệt ở giai đoạn lúa trổ nên khả năng thụ phấn kém, lúa bị lép rất nhiều.
Cộng với mưa ở thời điểm lúa chín dẫn đến lúa bị đổ ngã, gây thiệt hại lớn về năng suất. “Làm lúa vụ này lo thời tiết dữ lắm, sâu bệnh hại thì còn phòng trị được, chứ mưa giông lúa đổ ngã thì không biết đâu mà tránh”- ông Lý cho biết vậy.
Còn tại Mang Thít, vụ thu hoạch vừa rồi, ông Nguyễn Thanh Phong (ấp Phước Thới, xã Bình Phước) cho biết, ông bán lúa tươi giống ML202 được 6.500 đ/kg, lúa thu hoạch trước thời điểm mưa bão có khi lên đến 7.000 đ/kg. Lúa được giá là vậy nhưng thời tiết vụ này không thuận lợi, mưa nhiều, năng suất lúa không cao, chỉ khoảng 30 giạ mỗi công, tính ra cũng không có lời bao nhiêu.
Tính đến tuần đầu của tháng 12, diện tích lúa vụ Thu Đông chính vụ toàn tỉnh đã bước vào thu hoạch rộ 43.537ha (chiếm hơn 90% tổng diện tích xuống giống), năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ước tính giá thành sản xuất lúa vụ Thu Đông là 4.021,8 đ/kg, trong đó nhóm giống chất lượng cao là 3.995,8 đ/kg và nhóm giống lúa chất lượng thấp là 4.162,9 đ/kg.
Tại thời điểm cuối tháng 11/2020, trên thị trường giá lúa chất lượng cao khô 7.300 đ/kg, lúa IR 50404 khô 6.800 đ/kg. Hiệu quả kinh tế của nhóm lúa chất lượng cao (19.429.000 đ/ha) đạt được cao hơn so với nhóm lúa chất lượng thấp (14.583.000 đ/ha) là 4.846.000 đ/ha. Tính bình quân, người dân canh tác lúa sẽ đạt được lợi nhuận 17.594.000 đ/ha.
Đông Xuân liệu có thuận mùa?
Lúa ML202 tại xã Bình Phước (Mang Thít) được mua với giá khá cao nhưng năng suất lúa vụ này lại thấp do ảnh hưởng mưa bão. |
Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp- PTNT, vụ Đông Xuân 2020- 2021 toàn tỉnh xuống giống 52.800ha, tập trung trong 3 đợt chính.
Cụ thể, đợt 1 từ ngày 26/10- 10/11, xuống giống 12.000ha, tập trung ở những vùng ven QL54 của Trà Ôn, Vũng Liêm, TX Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và Vũng Liêm. Đợt 2 từ 24/11- 9/12, xuống giống 35.000ha, phân bố tại hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Đợt 3 từ 15/12- 25/12, xuống giống 5.800ha ở vùng còn lại và nơi lúa Thu Đông muộn vừa thu hoạch, không xuống giống vùng có nguy có bị nhiễm mặn trong đợt này.
Ngành nông nghiệp tỉnh kỳ vọng và đề ra nguyên tắc phấn đấu thực hiện thắng lợi sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020- 2021 nhằm làm cơ sở gia tăng tốc độ tăng trưởng, và đảm bảo mức thu nhập cao cho người nông dân.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân xuống giống đúng lịch thời vụ, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, cần đảm bảo có cách ly về thời gian giữa các vụ lúa ít nhất 2 tuần nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc hữu cơ đồng thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Về cơ cấu giống lúa vụ Đông Xuân, phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương.
Đối với các giống chất lượng thấp (IR50404, ML202) sử dụng không quá 20% trong cơ cấu giống cho từng địa phương. Trong đó, nhóm giống chủ lực được khuyến cáo gồm OM5451, OM4900, OM6976, OM4218, OM7347...
Đề phòng ảnh hưởng của lũ kết hợp triều cường đến sản xuất nông nghiệp trong các tháng cuối năm 2020, đầu 2021 cũng không loại trừ những tác động tiêu cực của hạn, mặn mùa khô, Sở Nông nghiệp- PTNT chỉ đạo đôn đốc các đơn vị chuyên môn hoàn thành các công trình, đê bao thủy lợi phục vụ cho sản xuất, đồng thời đề nghị các địa phương rà soát lại hệ thống đê bao, thủy lợi nhanh chóng tu sửa những nơi xung yếu, xuống cấp để đảm bảo cho sản xuất.
Hiện đang vào cao điểm xuống giống lúa Đông Xuân đợt 2, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, thời tiết vụ Đông Xuân là điều kiện phù hợp cho bệnh đạo ôn, cháy bìa lá phát sinh, phát triển.
Do đó để phòng ngừa bệnh đạo ôn, cháy bìa lá lúa hiệu quả trong điều kiện hiện nay nông dân nên áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ như sạ thưa, giống ít nhiễm, làm đất bằng phẳng, bón phân cân đối kết hợp thăm đồng thường xuyên khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh cần ngưng bón phân đạm, phân bón lá.
Bà con cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh, đối với ruộng trồng giống nhiễm, có thể kết hợp phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt khi lúa trổ lác đác và lần 2 khi lúa trổ đều.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin