Từ một thợ may, anh Phan Thành Trung (sinh năm 1971) ở xã Thanh Đức (Long Hồ) chuyển sang chăn nuôi và gặt hái quả ngọt khi nuôi dê. Từ kinh nghiệm nuôi cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm, anh nhiệt tình hỗ trợ những hộ khác và người có ý định nuôi dê. Theo anh, muốn thành công phải hiểu tính nết loài dê và cần "vượt qua nỗi sợ".
Với đàn dê hàng trăm con, anh Trung có lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm. |
Từ một thợ may, anh Phan Thành Trung (sinh năm 1971) ở xã Thanh Đức (Long Hồ) chuyển sang chăn nuôi và gặt hái quả ngọt khi nuôi dê. Từ kinh nghiệm nuôi cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm, anh nhiệt tình hỗ trợ những hộ khác và người có ý định nuôi dê. Theo anh, muốn thành công phải hiểu tính nết loài dê và cần “vượt qua nỗi sợ”.
Từ 2 dê nái mang bầu
Vốn là thợ may nhưng thời điểm sản phẩm may sẵn trở nên phổ biến thì anh Trung quyết định nuôi heo. Anh Trung cho hay, anh đầu tư trại heo khá quy mô và “cũng có ăn” nhưng đi tham quan ở Đồng Tháp, gặp một người nuôi dê giới thiệu: “Nhờ nuôi dê mà cho con học ĐH khỏe re, dê nái cho 2 lứa/năm, đầu tư nhẹ, ít bệnh, nguồn thức ăn dễ kiếm” nên anh tìm hiểu và quyết định “nuôi thử 2 con dê bầu”.
Nói là “nuôi thử” nhưng anh “đã tìm hiểu, mổ xẻ dữ lắm và đi rất nhiều chỗ để học hỏi mỗi nơi một chút”. Cụ thể, anh đi Chợ Lách (Bến Tre) và 3 xã cù lao của huyện Long Hồ… rồi “lên- xuống một hộ nuôi trên An Khánh (Châu Thành- Đồng Tháp) tới 3 lần mới mua được cặp dê”. Cặp dê đầu tiên sinh ra dê con thì “vỗ béo bán con đực để mua thêm con khác, nuôi con cái lấy nền gầy đàn tiếp” nên đàn dê tăng dần lên đến hàng trăm con. Anh Trung mạnh dạn chuyển trại heo thành trại dê.
Về kỹ thuật nuôi, chăm sóc dê thì với am hiểu và kinh nghiệm của mình, anh Trung cho rằng “dễ ợt”. Anh nói dê ăn được các loại cỏ trồng và cả cỏ mọc tự nhiên, lá cây, hèm bia và xác đậu; phòng bệnh cũng đơn giản và ít khi bị bệnh… Nuôi với số lượng nhiều nên anh chia ra: Con đực vỗ béo anh cho ăn 80% xác đậu nành với hèm bia. Con nái bầu và nuôi con thì 1 cữ cỏ một cữ hèm bia, xác đậu chung thức ăn. Anh cho hay, anh có trồng cỏ voi, một số cỏ mọc tự nhiên, trồng mít, chuối… và có máy xay ra trộn phụ phẩm cho dê ăn.
Hiện anh Trung “có trong tay” đàn dê trên 100 con với 40 con nái, hơn 10 con hậu bị và 50 con dê con; cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm. Nói là nuôi dê đơn giản nhưng có người đến hỏi mua dê thì anh không bán ngay mà đến tận nhà để xem chuồng trại, kể cả hỏi thăm người nuôi làm công việc gì hàng ngày… mới bán. Anh Trung lý giải việc chọn lọc người mua là nhằm đảm bảo người nuôi “hễ nuôi thì sẽ đạt”.
“Không bán buông đuôi”
Trả lời câu hỏi “Người muốn nuôi dê nên bắt đầu như thế nào”, anh Trung nói: Nên bắt đầu từ 2 con nái mang bầu và phải tới những chỗ có uy tín để được hướng dẫn tận tình, không nên nuôi tự phát, theo phong trào.
Anh xởi lởi: Nuôi dê bầu chỉ vài tháng thì dê sinh sản, người nuôi mau lấy lại vốn nên hăng hái phát triển đàn. Trong khi, bắt đầu nuôi từ con dê con thì phải biết chọn dê chuẩn và mất vài ba năm. Còn phải biết con dê ở chuồng kiểu nào.
“Dê chịu chuồng sàn, chớ không chịu nền xi măng; đóng sàn chuồng khít quá thì lá cây vướng dưới đó sẽ mục ướt, trong khi con dê thích ở khô ráo; còn thưa quá thì đi lọt giò. Con dê không sừng chui lỗ nhỏ ra máng ăn thì được; dê có sừng thì vướng. Rồi cái kích cỡ nó đứng ăn thọt mỏ xuống chỗ nào nữa…”. Nói chung, ai nuôi dê thì anh bán con giống, hướng dẫn đóng chuồng, cách chăm sóc để đảm bảo cho họ nuôi đạt”.
Là Tổ trưởng Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nuôi dê sinh sản của xã Thanh Đức, anh Trung đang cùng địa phương thực hiện các bước để thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp- dịch vụ Thanh Đức trong năm nay. Hiện tổng đàn dê của tổ là hơn 1.000 con. Hầu hết các hộ nuôi hàng chục con, hộ nuôi ít nhất là 5 con.
Tổ tạo việc làm, thêm thu nhập cho khoảng 50 lao động. Các thành viên trong tổ tham gia hiến đất, vật kiến trúc, công lao động… để chung tay cùng địa phương xây nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Riêng về nuôi dê, anh Trung khẳng định: “Nuôi đúng kỹ thuật thì 5 con dê nái kiếm 100- 200 triệu/năm là bình thường”. Từ nỗ lực cải thiện kinh tế gia đình và cùng các hộ nông dân khác vươn lên, anh Trung đúc kết: Làm nông ngày nay muốn cho hiệu quả thì cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm bắt thị trường, liên kết với nhau.
Ông Nguyễn Kỳ Tánh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Đức cho hay, bên cạnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng bằng khen ghi nhận; Hội Nông dân tặng giấy khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh” nhiều năm thì anh Phan Thành Trung vinh dự là 1 trong 3 nông dân của tỉnh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V vừa diễn ra ở Hà Nội ngay trong tháng 10/2020.
Anh Phan Thành Trung Tôi mong muốn có hợp tác xã để làm đồng loạt, đúng kỹ thuật và đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định. Từ đó, làm giàu cho bản thân, gia đình rồi cùng anh em trong tổ, hội làm giàu và dần dần lan tỏa cho bà con nông dân, góp sức cho xã hội. |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin