Từ tháng 3/2020 đến nay, cây rau diếp cá liên tục tăng giá. Giá rau từ 15.000 đ/kg tăng dần lên đến kỷ lục- 50.000 đ/kg. Một công rau diếp cá thu hoạch đợt cao điểm mỗi lứa cắt bán hơn 100 triệu đồng.
Từ tháng 3/2020 đến nay, cây rau diếp cá liên tục tăng giá. Giá rau từ 15.000 đ/kg tăng dần lên đến kỷ lục- 50.000 đ/kg. Một công rau diếp cá thu hoạch đợt cao điểm mỗi lứa cắt bán hơn 100 triệu đồng. Nhiều người bảo trúng rau như… trúng số. Và cây rau diếp cá đã trở thành chuyện “thời sự” khi có dịp về Thuận An (TX Bình Minh) những ngày này…
Đi trên đường hoa, nhìn xuống ruộng thấy diếp cá. |
Xã Thuận An có diện tích tự nhiên 1.986ha, dân số 16.914 người với 4.513 hộ. Diện tích đất nông nghiệp có trên 1.524ha, trong đó diện tích trồng rau có hơn 300ha với xà lách xoong và diếp cá chiếm đa số.
Đi trên đường liên xã Thuận An- Nguyễn Văn Thảnh (ấp Thuận Thành, Thuận Phú A) sẽ bị hút mắt bởi màu xanh rờn của xà lách xoong.
Ở phía Đông, đi trên đường hoa liên ấp Thuận Tiến- Thuận Phú B cũng bị hút mắt bởi màu xanh của diếp cá. Rồi đi đến đâu trong xã Thuận An cũng đều nghe chuyện “thời sự” về rau diếp cá.
Đến UBND xã Thuận An, chúng tôi gặp anh Trương Thành Đến- Phó Chủ tịch UBND xã. Anh hồ hởi khoe: Theo thống kê công nhận xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khoảng 64,4 triệu đồng/năm.
Nhưng năm 2020 này, chắc cao hơn, do nông dân trồng rau năm nay trúng giá, giá rau từ 3 tháng trở lại đây tăng gấp đôi, gấp ba năm trước, đặc biệt, rau diếp cá giá cao kỷ lục từ trước tới nay, cao điểm tới 50.000 đ/kg. Nhiều người thu nhập bạc tỷ trong vòng 3 tháng qua từ rau diếp cá.
Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu tôi gặp được 2 người có thâm niên trồng rau diếp cá, có diện tích lớn và năng suất cao, đó là anh Nguyễn Văn Phương và anh Nguyễn Văn Hà, cùng ở ấp Thuận Phú B.
Anh Nguyễn Văn Phương trồng rau diếp cá cũng hơn chục năm. Với 6 công rau diếp cá, trong 2 vụ vừa qua anh thu lời hơn 1 tỷ đồng.
Anh Phương cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, giá rau khoảng 15.000 đ/kg, từ sau tết, đợt nắng nóng kéo dài, hạn mặn, thương lái ở các nơi đến tìm mua giá rau tăng vọt từ 20.000- 40.000 đ/kg, đỉnh điểm lên 50.000 đ/kg. Đây là đợt rau có giá cao nhất từ trước tới nay.
Năm 2016, cũng năm nhuần tháng hạn, giá rau đạt kỷ lục 29.000 đ/kg, rồi lại hạ nhanh. Năm nay, giá rau tăng từ đầu tháng 3, đến tháng 4 do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá có chùng xuống, qua đợt giãn cách xã hội, giá rau tăng trở lại và tăng mạnh nhất vào tháng 6. Hiện nay cũng nằm giá 35.000- 37.000 đ/kg”.
Anh nói trước kia anh trồng xà lách xoong, nhưng do giá thị trường không ổn định và chi phí cao nên không lời nhiều, chuyển qua trồng rau diếp cá, từ đó ổn định cuộc sống và gắn với loại rau này.
Do có “mối” mỗi ngày cắt 200kg, anh thu hoạch đều đặn hàng ngày, ngày nào cũng có rau bán, cắt giáp ruộng lại xoay tiếp vòng. Tính chung, mỗi công rau có năng suất khoảng 2,5 tấn, đợt vừa qua tôi lời tổng cộng khoảng 1 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Hà (Ba Dội) có thâm niên trồng rau diếp cá trên 30 năm. Với 12 công rau diếp cá, trong vài tháng qua anh Ba Dội lời trên 2 tỷ đồng.
Anh Ba Dội hồ hởi kể: “Trong khu vực này, tôi là người đầu tiên đưa rau diếp cá xuống ruộng thay lúa, với khoảng 30 năm. Lúc đầu, mọi người nói tôi khùng, nhưng từ từ thu nhập ổn định từ loại rau này cao hơn lúa gấp nhiều lần, nên mọi người dần làm theo. Loại rau này dễ trồng, chi phí thấp nên lời nhiều.
Tôi tính cặn kẽ rồi, thí dụ giá rau có rớt xuống thấp khoảng 5.000 đ/kg, người trồng vẫn có lời 2.000 đ/kg, chứ nói chi giá rau “cầm” ở mức 15.000- 20.000 đ/kg, rồi 30.000- 40.000 đ/kg như hiện nay”.
Anh Ba cho biết thêm, do có đầu mối bao tiêu, anh Ba thuê thêm 17 công đất ruộng trồng rau lá các loại cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch UBND xã- Trương Thành Đến nhận định, giá rau tăng đột biến và đạt kỷ lục, do năm nay nước mặn xâm nhập sâu và nồng độ cao, nên một số vùng chuyên canh rau ở các tỉnh lân cận bị ảnh hưởng, bị thiệt hại nặng.
Riêng vùng chuyên canh rau xã Thuận An không bị ảnh hưởng nên năng suất khá, giá cũng cao nên bà con xã đều phấn khởi.
Rời Thuận An, tôi chạy thẳng về chợ Vĩnh Long, mua 5.000đ rau diếp cá, chị bán rau “quơ” cho tôi nhúm nhỏ. Về nhà đếm được 18 cọng, mỗi cọng có 3 lá ăn được, nhẩm tính, mỗi lá gần 100đ!
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin