Nhiều diện tích vườn cây ăn trái, nhất là sầu riêng ở các xã cù lao chịu ảnh hưởng hạn, mặn và tiếp tục thiệt hại khi mưa xuống. Hiện ngành chuyên môn đang khẩn trương thẩm định thiệt hại để hỗ trợ nhà vườn khôi phục sản xuất.
Nhà vườn xã Thanh Bình chăm sóc lại vườn sầu riêng. |
Nhiều diện tích vườn cây ăn trái, nhất là sầu riêng ở các xã cù lao chịu ảnh hưởng hạn, mặn và tiếp tục thiệt hại khi mưa xuống. Hiện ngành chuyên môn đang khẩn trương thẩm định thiệt hại để hỗ trợ nhà vườn khôi phục sản xuất.
Sau hạn- mặn, vườn cây lại thiệt hại sau mưa
Sau những trận mưa đầu mùa, nhiều diện tích sầu riêng ở cù lao Dài (Vũng Liêm) vốn đã suy kiệt trong mùa hạn, mặn lại héo lá, chết cây.
Ông Dương Văn Sinh (ấp Thanh Lương, xã Thanh Bình) cho biết, vào cao điểm hạn, mặn thì vườn sầu riêng gần 8 công của ông đã có dấu hiệu héo lá, chết nhánh nhưng chưa nhiều. Tưởng có mưa thì sầu riêng sẽ sớm phục hồi, nào ngờ khi mưa xuống thì sầu riêng lại chết nhiều hơn.
Mặc dù ông Sinh đã tích cực giải độc mặn và chăm sóc phân, thuốc nhưng sầu riêng của ông khó có khả năng phục hồi. Đến nay vườn sầu riêng của ông đã có 50 cây bị chết khô, phải đốn bỏ, thiệt hại trên 30% diện tích.
Gần đó, ông Lê Văn Se cũng có 5 công sầu riêng với khoảng 100 gốc. Hạn, mặn vừa qua cũng khiến cho 20 gốc sầu riêng của ông chết khô.
Sau khi mưa xuống thì sầu riêng của ông tiếp tục chết. Mặc dù ông đã tích cực chăm sóc, cắt đọt, tỉa nhánh nhưng cây vẫn suy kiệt nặng, chết từ trong thân chết ra. Đến nay, ông đã đốn bỏ khoảng 40 cây.
10 công sầu riêng của ông Dương Văn Sáu (ấp Thanh Lương, xã Thanh Bình) thì có khoảng 300 gốc đang trong tình trạng chết khô từ ngọn đến gốc. Ông Sáu than “coi như mất trắng 600- 700 triệu, chưa kể mất khoảng 5 năm để trồng lại từ đầu, giờ thì ra vườn không còn bóng mát sầu riêng nữa rồi”.
Thống kê diện tích sầu riêng bị thiệt hại tại 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện trên 723ha, trong đó diện tích mất trắng (thiệt hại trên 70%) gần 423ha. Số còn lại thiệt hại từ 30- 70% diện tích.
Còn tại Mang Thít, theo ông Cao Thành Phước- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, thời gian hạn, mặn, khảo sát bước đầu thiệt hại không nhiều, chỉ 0,3ha sầu riêng. Thời gian gần đây, qua xác minh tại xã Chánh An và thị trấn Cái Nhum ghi nhận hơn 10ha sầu riêng từ 3- 5 năm tuổi bị chết.
Tương tự tại huyện Long Hồ, sau khi đã thống kê thiệt hại do hạn, mặn thì nhà vườn báo là vườn cây lại chết thêm sau khi có mưa.
Năm nay, huyện Tam Bình có 9 xã chịu ảnh hưởng mặn làm thiệt hại trên 80ha cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng. Trong số này có 1.500 cây đang cho trái và khoảng 6.000 cây từ mới trồng đến 1 năm tuổi, thiệt hại khoảng 3,2 tỷ đồng.
Sớm hỗ trợ nhà vườn khôi phục sản xuất
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, thiệt hại do hạn, mặn năm 2019- 2020 khá lớn, do chưa có kinh nghiệm trong dự báo, vẫn còn yếu tố bất ngờ lại các xã cù lao, do đó thiệt hại tại các địa phương này chiếm tới 3/4 thiệt hại trong cả đợt hạn, mặn toàn tỉnh.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã ghi nhận việc mặn xâm nhập bất ngờ và người dân không nắm bắt thông tin kịp thời.
Có thời điểm phát hiện cây chết thì trạm bảo vệ thực vật đo mặn và ghi nhận được độ mặn trong mương vườn là 1,5‰, với độ mặn này thì có thể gây chết cây sầu riêng. Do đó, các địa phương cần lưu ý việc đo độ mặn để thông báo kịp thời cho người dân.
Qua thẩm định thực tế tại một số nhà vườn, ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, cho rằng thời điểm mặn xâm nhập và diễn biến phức tạp, việc nhà vườn xử lý sầu riêng ra hoa, cho trái rất nhiều rủi ro.
Cây suy kiệt cộng với tác động của nước mặn thì rất khó để chăm sóc, phục hồi. Cùng với việc sầu riêng nhiễm mặn chết ở nhiều nơi thì khả năng khan hiếm cây giống trong thời gian tới.
Chưa kể cây giống sầu riêng cũng có thể nhiễm mặn do nước tưới nên ảnh hưởng đến chất lượng giống. Bên cạnh nỗ lực khôi phục lại vườn sầu riêng, ông Dương Ái Đạo cũng khuyến cáo các nhà vườn nên trồng xen vào vườn một số loại cây như mít, tắc, bưởi để lấy ngắn nuôi dài.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, việc xác định nguyên nhân sầu riêng chết là rất quan trọng. Trên cùng một liếp mà ảnh hưởng mặn thì thiệt hại hàng loạt chứ chỉ chết xen kẽ một vài cây thì có khả năng do bệnh.
Đây cũng là vấn đề cần quan tâm do nhiều nhà vườn khai thác quá mức, ép cây cho trái liên tục cũng khiến cây bị suy kiệt.
Bên cạnh đó là việc kiểm soát độ mặn cho thật tốt, trong đó chú ý khắc phục bằng các giải pháp canh tác, cũng như sử dụng các chế phẩm rửa mặn để giúp cho cây phục hồi tốt hơn.
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn mới đây, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- chỉ đạo nhanh chóng thống kê thiệt hại để có chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định giúp nhà vườn sớm khôi phục sản xuất. Thực tế cho thấy sau hạn, mặn, vườn cây ăn trái giảm sút rất lớn.
Hạn, mặn thiệt hại ít mà khi có mưa thì cây chết nhiều, nhất là sau đợt mưa lớn đầu mùa. Do đó, ngành chuyên môn cần có nghiên cứu, hướng dẫn nhà vườn phục hồi diện tích vườn cây bị thiệt hại, cái nào chăm sóc phục hồi, cái nào đốn bỏ trồng mới.
Ông Lê Quang Trung cũng cho rằng cần vận động người dân chuyển đổi sản xuất để thích nghi hạn, mặn. Đồng thời cần xây dựng kế hoạch mùa khô 2020- 2021 ngay từ bây giờ để sớm chủ động các giải pháp.
Thống kê toàn tỉnh có 2.120ha cây trồng bị nhiễm mặn ở 3 huyện Vũng Liêm, Mang Thít và Long Hồ, trong đó chủ yếu là cây ăn trái với hơn 1.700ha, kế đến là 416,3ha lúa, 0,3ha cây màu và 1,7ha cây giống bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại do hạn, mặn trên 146 tỷ đồng. Trong số này, huyện Long Hồ bị thiệt hại nặng nhất với trên 108 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin