Vùng hạn mặn ĐBSCL tránh trồng cây kinh tế theo phong trào

10:06, 11/06/2020

Những vườn cây bị chết, nhà vườn cải tạo trồng lại các giống cây có khả năng thích ứng với khô hạn như sapô, ổi, mít, bưởi, cam, chanh,...

Những vườn cây bị chết, nhà vườn cải tạo trồng lại các giống cây có khả năng thích ứng với khô hạn như sapô, ổi, mít, bưởi, cam, chanh,...

Vườn cây sầu riêng tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) phá bỏ để trồng lại cây sapô.
Vườn cây sầu riêng tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) phá bỏ để trồng lại cây sapô.

Hiện nay, vùng ĐBSCL đã bước vào mùa mưa, đây cũng là thời điểm mà chính quyền và người dân khu vực này khẩn trương khắc phục sản xuất sau đợt khô hạn lịch sử. Đặc biệt, đối với cây ăn trái thiệt hại do hạn mặn rất nặng nề và việc khắc phục lại khu vườn rất khó khăn và tốn nguồn kinh phí lớn.

Đến vùng chuyên canh cây sầu riêng ở các huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy và Cái Bè của tỉnh Tiền Giang, chúng tôi chứng kiến nhà vườn khắc phục vườn cây sau hạn mặn rất khẩn trương. Những vườn cây bị suy kiệt, nhà vườn đang bón phân, phun thuốc; còn vườn nào bị chết trắng thì nhà vườn thuê cơ giới phá bỏ, đào mương lên liếp để trồng lại cây mới.

Ông Huỳnh Văn Khanh, nhà ở ấp Đông Hòa, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy rất xót xa khi phải phá bỏ 4 công vườn sầu riêng 12 năm tuổi do khô hạn chết trắng, để trồng lại cây sapô (tức Hồng xiêm). Ông Khanh cho biết, cây sầu riêng sẽ không còn phù hợp khi hạn mặn tái diễn; trong khi đó cây sapô có khả năng chịu độ mặn cao hơn.

“Mình thấy cây sầu riêng này không thể chịu đựng được nước mặn nên buộc phải trồng sapô. Cây sapô có thể chịu được nước mặn lên đến 5-6 phần nghìn. Bỏ cây sầu riêng cũng rất tiếc vì cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng hàng năm đất trồng bị xâm mặn nên không thể đầu tư được, phải bỏ”, ông Khanh chia sẻ.

Qua đợt mặn lịch sử năm nay, đa số nhà vườn tỉnh Tiền Giang không còn tha thiết với cây sầu riêng. Bởi nhiều khu vực, hơn 60% vườn cây này bị ảnh hưởng do hạn mặn gây thiệt hại về kinh tế rất lớn. Khi nước mặn hơn 1 phần nghìn xâm nhập khiến cây sầu riêng chết trắng. Đối với những vườn cây bị chết, nhà vườn cải tạo trồng lại các giống cây có khả năng thích ứng với khô hạn như sapô, ổi, mít, bưởi, cam, chanh…

Sau những cơn mưa đầu mùa, nhiều nhà vườn tỉnh Bến Tre cũng ngậm ngùi phá bỏ vườn cây chôm chôm và sầu riêng. Đây là 2 loại cây ăn trái rất nhạy cảm với nước mặn nên bị thiệt hại rất lớn sau đợt khô hạn vừa qua. Nghiêm trọng nhất là tại các xã ven sông Tiền, sông Hàm Luông thuộc huyện Châu Thành và Chợ Lách,  nhiều vườn cây này bị xơ xác. Dù phải tốn kém nguồn kinh phí hơn 20 triệu đồng/công đất để cải tạo vườn, mua giống trồng lại vườn cây nhưng nhà vườn phải khẩn trương khắc phục để mong tái tạo lại khu vườn.

Ông Lê Phạm Đình Vĩnh Nghi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chia sẻ, xã Hòa Nghĩa có 8 ấp nhưng mà hiện nay hạn mặn gây thiệt hại 100% ở 4 ấp, còn lại 4 ấp bị thiệt hại từ 30-40%, đặc biệt cây sầu riêng và chôm chôm thì không khắc phục được.

“Những vườn bị thiệt hại nặng, bà con cải tạo lại và thuê máy xúc đốn phá, đắp đất lại để chuyển trồng cây có múi. Hiện nay, cây chanh, mít chịu được nước mặn nhẹ nên nhiều người đầu tư trồng, nhưng khó là giá cây giống hiện nay lên rất cao, trung bình 1.000 m2 đầu tư mới hết khoảng 20 triệu đồng”, ông Nghi cho hay.

Chủ trương của tỉnh Bến Tre là tuyên truyền, hướng dẫn nhà vườn khôi phục, cải tạo lại các vườn cây bị suy kiệt, giảm năng suất do hạn mặn. Đối với những vườn cây bị chết hơn 60%, bà con nên phá bỏ và chọn trồng lại các giống cây có năng suất, hiệu quả kinh tế cao  và  thích ứng với hạn mặn.

Tuy nhiên việc khôi phục vườn cây ăn trái sau hạn mặn ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang gặp khó, nhất là con giống khan hiếm và mức giá cao; đồng thời nhiều địa phương thiếu phương tiện cơ giới như: máy đào, máy cưa…

Về việc khắc phục vườn cây sau hạn mặn, ông  Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết thêm, đối với những vườn cây không thể khắc phục được bắt buộc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, cần phải tổ chức hội thảo để xác định loại cây trồng gì đảm bảo yếu tố thị trường, gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, chịu được mức độ mặn tương đối.

“Ngay từ bây giờ, chúng tôi đã triển khai công tác phòng, chống hạn mặn cho năm sau, tức là những giải pháp công trình, phi công trình, nạo vét kênh mương, đào ao. Trên tinh thần  tuyên truyền, vận động người dân bằng mọi giá, sản xuất là phải đào ao, hồ trữ nước ít nhất từ 2-3 tháng”, ông Linh cho biết.

Ở thời điểm này, chính quyền các địa phương vùng bị ảnh hưởng của hạn mặn tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đang thống kê, khảo sát lại diện tích vườn cây ăn trái bị thiệt hại do hạn mặn để có chính sách, biện pháp hỗ trợ nhà vườn khôi phục vườn cây.  

Các ngành, đoàn thể địa phương đang kết hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp nhà vườn khôi phục lại vườn cây đặc sản sau hạn mặn đạt hiệu quả; trong đó tránh trồng cây  “chạy" theo phong trào sẽ gây ra hệ lụy khó giải quyết về sau./.

Theo Nhật Trường/VOV

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh