Hướng đi mới cho vùng chuyên canh màu

06:04, 22/04/2020

Xã Thuận An (TX Bình Minh) vốn là địa phương có lợi thế của vùng chuyên canh trồng xà lách xoong, rau diếp cá và đã đem lại cuộc sống no ấm cho người dân. Giờ đây, một số nông hộ đang phát triển các mô hình trồng màu mới đó là rau cải trời và tía tô để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Xã Thuận An (TX Bình Minh) vốn là địa phương có lợi thế của vùng chuyên canh trồng xà lách xoong, rau diếp cá và đã đem lại cuộc sống no ấm cho người dân. Giờ đây, một số nông hộ đang phát triển các mô hình trồng màu mới đó là rau cải trời và tía tô để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

2 công cải trời cho thu nhập hơn 7- 8 công ruộng

Chúng tôi đến ấp Thuận Phú A (xã Thuận An) nhân lúc anh Bùi Đại Ngọc cùng em trai là Bùi Khắc Định đang thoăn thoắt tay thu hoạch rau cải trời và cắt tề gốc để “sơ chế trước 1 bước”. Anh Định kể: “Hồi trước, bên đây toàn là vườn, còn bên kia lộ thì toàn là ruộng.

Qua vận động của địa phương, gia đình tui đã phá bỏ vườn tạp, chuyển sang trồng xà lách xoong nhưng “trồng cả chục năm trời không bằng người ta”. Vì vậy, anh em tui lần lượt chuyển sang trồng rau cải trời”.

“Lúc đầu tui trồng cũng bị “ế”, có khi phải tự bưng ra chợ bán”- anh Ngọc nhớ lại. Sau này, thị trường dần mở rộng, nhất là “có nhiều người chuộng ăn lẩu gà, lẩu dê… với cải trời lắm” nên có nhiều thương lái đến thu mua, mỗi lái mua 5- 10kg/lần và chỉ cần a lô đặt hàng, hẹn giờ, thu hoạch xong là có người tới lấy rau.

 Trồng rau cải trời giúp anh Ngọc có nguồn thu khá.
Trồng rau cải trời giúp anh Ngọc có nguồn thu khá.

“Nhìn vậy chứ 7- 8 công ruộng không bằng 2 công cải trời này, công chăm sóc cũng nhẹ hơn xà lách xoong”- anh Ngọc khẳng định. Hiện rau cải trời có giá khoảng 9.000 đ/kg, thời điểm thấp nhất cũng bán được 4.000 đ/kg nhưng “vẫn đảm bảo có lời”.

Trồng năm thứ nhất năng suất khoảng 1,2 tấn/công, qua năm thứ 2 trở đi thì thu hoạch 700- 800 kg/công, được cái mình chỉ bỏ công trồng lúc đầu, cắt xong rồi cây con tự lên, chỉ cần ổn định nguồn nước là cây phát triển tốt.

Anh Định thì cho biết, anh Ngọc trồng thành công cả năm sau tui mới bắt đầu trồng. Làm rẫy vậy chứ cũng có việc “lắt xắt” làm hoài. Anh em tui mỗi người trồng 2 công và cứ vần công phụ nhau suốt, mỗi công phải cắt 5 ngày mới xong, thu hoạch xong thì tranh thủ làm cỏ, quay đi quay lại thì lại tới thu hoạch nữa rồi.

Thông thường, trồng khoảng 1,5 tháng là có thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt thì sau 1 tháng hoặc hơn 20 ngày là có thể cắt bán tiếp.

Theo anh Ngọc, đời sống người dân mình những năm nay khỏe hơn trước rất nhiều. Hồi xưa, mỗi lần tưới tay mất cả tiếng mới xong 1 công rau (mỗi ngày tưới 7- 8 lần), và phải trồng 2- 3 tháng mới có thu hoạch, nhưng giờ chỉ cần vặn van điều khiển tưới 10 phút/lần cho cả chục công rau vẫn được, và chỉ trồng hơn 20 ngày là có thu hoạch.

Quan trọng là rau cũng sạch hơn vì “con sâu chưa kịp phát triển là mình đã thu hoạch rau cho vô nồi lẩu rồi”- anh Ngọc cười giòn.

Từ cây thuốc thành cây rau

Ông Danh (trái) cho rằng rau tía tô đang được thị trường ưa chuộng, nên đời sống ông khá ổn định.
Ông Danh (trái) cho rằng rau tía tô đang được thị trường ưa chuộng, nên đời sống ông khá ổn định.

Từ hơn 2 công lúa, ông Nguyễn Thành Danh (ấp Thuận Tiến C) chuyển sang trồng xà lách xoong, rau diếp cá. Sau đó, ông thấy con gái (hiện ở xã Đông Bình- TX Bình Minh) trồng rau tía tô khá hiệu quả nên ông chuyển sang trồng 1,5 công rau tía tô, còn lại là cải xanh.

Theo ông Danh, 1,5 công tía tô cho thu hoạch khoảng 2 tấn rau/năm. Sau khi gieo trồng 1 tháng là có thể nhổ bán.

Bên cạnh những luống rau đang thì thu hoạch, ông Danh dành riêng khoảnh đất để gieo hạt trồng cây con, khi cây mọc được 5- 6 lá thì có thể nhổ đem trồng vào luống đã thu hoạch, “tranh thủ như vậy để sau khi nhổ cây bán xong thì có cây con trồng lại liền, nhờ vậy mà mau có thu hoạch”- ông Danh nói và cho biết thêm: “Thương lái kêu lúc nào thì mình thu hoạch lúc đó, mình cắt xong thì người ta tự lại lấy”.

Hiện, rau tía tô có giá khoảng 13.000 đ/kg, thời điểm rẻ nhất là 7.000 đ/kg nhưng gia đình ông vẫn sống ổn và tốt hơn trồng lúa.

Song, trồng tía tô cực hơn xà lách xoong vì phải xử lý đất còn xà lách xoong thì lưu vụ. Do vậy, ông Danh sắm hẳn cái máy xới đất (hơn 7 triệu đồng) về làm và lãnh công “bươi đất” cho mấy hộ xung quanh (giá 500.000 đ/công), đến nay ông đã thu đủ vốn và lời thêm 1 máy.

Theo ông Danh, ngày xưa ở miền Nam rau tía tô chủ yếu được dùng để làm thuốc thì giờ là cây rau gia vị. Ngoài tác dụng chữa bệnh, rau tía tô còn được dùng để làm đẹp nên rất được thị trường ưa chuộng. “Gần đây, các nhà khoa học tới địa phương lấy 10 loại rau đem về nghiên cứu thì rau tía tô có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất ít”- ông Danh cho biết thêm.

Theo ông Trương Thành Đến- Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An, thời gian qua, xã đã vận động nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, đồng thời vừa vận động vừa tổ chức làm mô hình điểm, sau đó sẽ mời rộng rãi người dân đến tham quan, và khi thấy việc chuyển đổi có hiệu quả thì người dân sẽ làm theo.

“Thu nhập là tiêu chí gắn liền với các tiêu chí khác trong xây dựng NTM cũng như NTM nâng cao. Do đó, xã đã tập trung cả hệ thống chính trị để vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất phù hợp và tạo điều kiện để người dân có việc làm, nâng cao thu nhập”- ông Trương Thành Đến nói.

Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người xã Thuận An đạt 64,14 triệu đồng/năm, cao gấp 1,33 lần so thời điểm công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017 là 47,87 triệu đồng/năm, cao hơn 19,14 triệu đồng theo quy định đối với các xã xây NTM và NTM nâng cao năm 2019. Hiện, xã Thuận An đang giữ “danh hiệu quán quân” với thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh.

 Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh