Hạn, mặn mùa khô 2019- 2020 xâm nhập sâu và kéo dài hơn so với năm 2016, nhưng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, thiệt hại do hạn, mặn đã giảm hơn trước.
Hạn, mặn mùa khô 2019- 2020 xâm nhập sâu và kéo dài hơn so với năm 2016, nhưng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, thiệt hại do hạn, mặn đã giảm hơn trước. Được vậy, bên cạnh các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt phát huy hiệu quả, cần phải nói đến thông tin dự báo nhanh chóng, kịp thời và mối liên kết trong công tác tuyên truyền của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đến người dân luôn thông suốt trong việc chủ động các biện pháp ứng phó.
Nhà khoa học hướng dẫn nhà vườn ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) kỹ thuật chăm sóc vườn cây bị nhiễm mặn. |
Thông tin dự báo: nhanh chóng, kịp thời
Tại Vũng Liêm, theo ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện, mùa khô năm 2019- 2020 mặn xâm nhập khá sớm và sâu vào nội đồng.
Do đó, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cũng đã thường xuyên theo dõi diễn biến độ mặn ở cống Rạch Bàng và Láng Thé (Trà Vinh), giáp ranh huyện Vũng Liêm, độ mặn trên mức 1‰ thì đo mặn hàng ngày và thông báo số liệu qua tin nhắn SMS đến ban, ngành huyện, UBND các xã, ấp để chủ động đóng tất cả các cống, bộng ven sông lớn, khu vực mặn xâm nhập để địa phương chủ động đề phòng.
Tại Mang Thít, công tác phòng chống hạn mặn cũng được ngành chức năng, địa phương và người dân chủ động thực hiện.
Ông Ngô Hùng Nhân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít- cho biết, ngay khi phát hiện xâm nhập mặn tại địa bàn, địa phương đã chủ động tuyên truyền đến người dân kiểm tra lại các nắp quạt phục vụ công cộng, đề xuất và vận động hộ dân tự mua cao su bịt đầu ngoài ống bộng nhằm đảm bảo ngăn mặn bảo vệ diện tích sản xuất. Mang Thít dự báo khả năng có 8 xã bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Tuy nhiên, nhờ chủ động thông tin và có biện pháp ứng phó kịp thời, ý thức của người dân cũng được nâng lên nên không ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
Nhờ cập nhật thông tin hạn mặn thường xuyên nên vườn sầu riêng của ông Phan Văn Liêm (xã Chánh An- Mang Thít) không bị thiệt hại.
Ông Liêm cho hay: “Từ đầu năm, nghe thông tin cảnh báo mặn đến sớm nên tôi chủ động trữ nước trong ao, hỏi cán bộ địa phương về độ mặn mỗi ngày để có biện pháp bảo vệ vườn cây thích hợp. Hôm nào mặn giảm xuống thấp thì tôi tưới cây, còn mặn cao thì tưới nước trong ao hoặc ráng neo để chờ mặn xuống.
Như năm 2016, không hay mặn lên cao nên vườn bị thiệt hại nhiều. Giờ có kinh nghiệm hơn trước nhiều rồi”.
Trong khi đó, tại xã Tích Thiện (Trà Ôn)- một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do hạn mặn năm 2016 thì mùa khô năm nay tương đối an toàn.
Ông Đoàn Hùng Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Tích Thiện- cho biết, năm nay tuy có bị ảnh hưởng từ hạn, mặn nhưng thiệt hại không nhiều do địa phương cũng đã sớm chuẩn bị công tác phòng chống. Bên cạnh đó, đáng mừng là người dân cũng nâng cao ý thức hơn, cập nhật thông tin kịp thời, không còn chủ quan như những năm trước.
Chủ động ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại
Năm nay, các xã cù lao của huyện Long Hồ bị mặn tấn công, điều chưa từng có từ trước tới nay nên thiệt hại là khó tránh.
Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, qua kiểm tra, địa phương vẫn còn lúng túng trong việc vận hành hệ thống cống, bộng vì trước nay nơi đây chưa từng có mặn, cống bộng chỉ có 1 nắp quạt để ngăn lũ nên mặn đã xâm nhập vào mương vườn.
Sau thời gian bỡ ngỡ bước đầu, chính quyền địa phương và người dân cù lao Minh đã chung tay ứng phó mặn xâm nhập bằng việc làm vụ thể như trang bị thêm các nắp quạt ngăn mặn, đắp đập dã chiến, nạo vét khơi thông kinh mương để dẫn ngọt từ sông Cổ Chiên nhằm đẩy mặn ra sông Tiền cứu vườn cây ăn trái.
Đến nay, thông qua sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn, các đơn vị, doanh nghiệp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và người dân đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại do xâm nhập mặn tại địa phương này.
Đánh giá về diễn biến tình hình hạn, mặn năm nay, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: So với năm 2016, thì xâm nhập mặn mùa khô năm nay đến sớm, độ mặn cao hơn và thời gian kéo dài nhưng thiệt hại lại giảm rất nhiều, đây là điều đáng mừng.
Một phần là do ý thức người dân đã được nâng cao, chủ động nắm thông tin mặn để kiểm soát trước khi tưới nước phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, một số hệ thống thủy lợi đã dần hoàn chỉnh, phát huy tác dụng ngăn mặn, trữ ngọt, ngành chuyên môn có chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp cho người dân khắc phục thiệt hại.
Trước những diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường của hạn và xâm nhập mặn, để giảm nhẹ thiệt hại đến sản xuất, dân sinh thì phương án chủ động vẫn là yếu tố quan trọng.
Qua kiểm tra công tác ứng phó hạn, mặn tại Vĩnh Long thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Một trong những thành công cần duy trì đó là tuyên truyền sâu rộng đến người dân, nhằm nâng cao nhận thức chủ động phòng chống, ứng phó đi vào chiều sâu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo sau đợt hạn, mặn tháng 4 này, tỉnh cần tổng kết thật sâu sắc, làm cơ sở điều chỉnh cơ cấu lại nông nghiệp một cách tổng thể, xây dựng cục diện sản xuất phù hợp, thích ứng chủ động, hiệu quả.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, tổng thiệt hại do mặn trong các tháng đầu năm 2020 ước trên 34 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại, ảnh hưởng về sản xuất nông nghiệp, cây trồng bị nhiễm mặn là 914,2ha (ở huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Mang Thít). Cụ thể, có 172,7ha lúa bị nhiễm mặn (thiệt hại dưới 30% là 53,7ha, thiệt hại nặng từ 30- 50% là 116ha, thiệt hại rất nặng từ 50- 70% là 3ha. Bên cạnh đó, một số diện tích rau màu, cây lâu năm, cây giống bị nhiễm mặn thiệt hại dưới 30%. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- THÀNH LONG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin