Dù bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, song vụ Đông Xuân này nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn trúng mùa nhờ chủ động các giải pháp ứng phó, né hạn, mặn. Vụ lúa Hè Thu cũng cần tiếp tục các giải pháp này nhằm linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế bởi theo dự báo vẫn còn nhiều khó khăn ở vụ lúa này.
Dù bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, song vụ Đông Xuân này nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn trúng mùa nhờ chủ động các giải pháp ứng phó, né hạn, mặn. Vụ lúa Hè Thu cũng cần tiếp tục các giải pháp này nhằm linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế bởi theo dự báo vẫn còn nhiều khó khăn ở vụ lúa này.
Vụ lúa Hè Thu cần linh hoạt thích ứng với điều kiện hạn, mặn. Trong ảnh: Trong điều kiện sản xuất khó khăn lúa Đông Xuân vẫn trúng mùa. |
Linh hoạt chuyển đổi
Còn 3,5 công lúa Đông Xuân muộn trên đồng, ông Nguyễn Văn Lắng (ấp Tân Trung, xã Trung Thành Tây- Vũng Liêm) cho biết đây là vụ đầu tiên lúa đồng này bị nhiễm mặn.
Thời điểm chuẩn bị sạ vụ lúa này thì mặn ngoài sông đã lên, không cho nước vô đồng được, ông định bỏ vụ, thời may sau đó có nước ngọt trở lại nên ông mới xuống giống. Nhưng khổ nỗi những đợt mặn vừa rồi, đồng này bị nước mặn tấn công nên vụ này sẽ giảm năng suất.
Ông Lắng cho biết thêm, do khó khăn nguồn nước canh tác, địa phương khuyến cáo sạ 2 vụ Đông Xuân và Thu Đông, bỏ vụ Hè Thu vì nhiều khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn nên ông cũng đang tính toán bỏ vụ Hè Thu để tập trung cho vụ lúa Thu Đông.
Sau nhiều năm sản xuất lúa khó khăn, bà Tạ Thị Sáu (ở ấp An Thành Tây, xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) cho hay sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, bà quyết định cho thuê 2,5 công đất với giá 5 triệu đồng/công/năm, vì theo bà làm lúa trong điều kiện khó khăn về nguồn nước nên rất bếp bênh, không có lời nhiều.
Thời gian gần đây, tại khu vực bà Tạ Thị Sáu canh tác cũng có khá nhiều hộ không làm lúa mà lấy đất cho thuê. Ông Nguyễn Văn Khiêm (ở ấp An Thành Tây, xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) đã thuê gần chục héc ta đất lúa tại đây để lên vườn trồng bưởi, cam, mít, sầu riêng.
Theo ông Khiêm, mới đầu ông thuê vài chục công để lên vườn, nhiều hộ lân cận thấy vậy cũng có ý cho thuê nên ông đã thuê đất gần chục hộ nơi đây. Cho thuê đất lấy tiền tính ra cũng lời hơn làm lúa, mà mình đầu tư vườn cây ăn trái thì cần diện tích kha khá để đưa máy móc vô làm, tính ra hai bên đều có lợi.
Ông Lê Văn Lập- Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm- cho biết về giải pháp công trình ứng phó hạn, mặn thì huyện cũng tranh thủ các nguồn vốn để nạo vét kinh, mương nội đồng để trữ nước ngọt.
Hiện trên địa bàn huyện cũng được đầu tư các công trình như cống Vũng Liêm, cống Cái Tôm và 2 công trình cống hở trên sông Măng Thít, dự kiến nếu 4 công trình này đưa vào vận hành thì có thể ngăn được mặn khoảng 80% diện tích của địa bàn huyện Vũng Liêm, qua đó góp phần bảo vệ sản xuất hiệu quả hơn.
Trên 126ha lúa tại xã Trung Thành Tây (Vũng Liêm) bị nhiễm mặn. |
Chủ động né mặn
Vụ lúa Hè Thu năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 52.000ha. Hiện lúa Hè Thu đã xuống giống với diện tích 14.738ha, đạt khoảng 28% so với kế hoạch.
Để chủ động né mặn, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh đã điều chỉnh ngưng xuống giống gần 1.000ha lúa Hè Thu xuống giống đợt 1 (từ 16/2- 18/3) để chuyển qua đợt 2 với thời gian xuống giống lùi lại gần nửa tháng (từ 17/4- 2/5).
Riêng đợt 3 vẫn giữ nguyên theo kế hoạch là xuống giống 10.000ha, tập trung từ 17/5- 1/6. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp còn khuyến cáo sử dụng các giống chịu mặn từ 2- 3‰ như OM6976, OM251, OM5629,... để thích ứng tốt với điều kiện hạn, mặn.
Theo ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, để bảo vệ sản xuất trong đợt hạn, mặn sắp tới thì nhất định không chủ quan, tiếp tục tuyên truyền rộng rãi cho người dân nắm rõ để cùng với chính quyền địa phương, ngành chuyên môn ứng phó hiệu quả.
Đặc biệt là vụ Hè Thu, khuyến cáo tăng cường sử dụng giống lúa chịu hạn, mặn, điều chỉnh lịch thời vụ, chuyển đổi linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, từ sau ngày 15/3- 6/4/2020, mặn sẽ giảm dần nên người dân tranh thủ lấy nước trong khoảng thời gian độ mặn dưới 1‰, vì dự báo trong tháng 4 xâm nhập mặn vẫn còn ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là từ ngày 8- 15/4/2020.
Do đó, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam lưu ý các địa phương không được chủ quan, cần thường xuyên theo dõi cập nhật các bản tin về xâm nhập mặn để có phương án chủ động ứng phó, cụ thể như chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp khi cần thiết, bố trí mùa vụ hợp lý với các diễn biến nguồn nước, vận hành hệ thống công trình ứng phó, tăng cường lấy nước ngay khi có thể và kết hợp tưới tiêu tiết kiệm, đồng thời kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi, đảm bảo tích trữ nước phục vụ sản xuất.
Hiện lúa vụ Đông Xuân toàn tỉnh đã thu hoạch cơ bản dứt điểm, năng suất trung bình 7,1 tấn/ha với sản lượng đạt 369.833 tấn. Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), giá thành sản xuất lúa vụ Đông Xuân của tỉnh là 3.401 đ/kg. Trong đó, giá thành sản xuất lúa nhóm giống chất lượng cao là 3.362,5 đ/kg và nhóm giống lúa chất lượng thấp là 3.652,6 đ/kg. Tính tại thời điểm giữa tháng 3/2020, giá lúa chất lượng cao khô 5.100 đ/kg, lúa IR 50404 khô 4.800 đ/kg. Hiệu quả kinh tế của nhóm lúa chất lượng cao (12,4 triệu đồng/ha) đạt được cao hơn so với nhóm lúa chất lượng thấp (7,9 triệu đồng/ha) là 4,5 triệu đồng/ha. Tính bình quân, nông dân có lời trên 11 triệu đồng/ha. |
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin