Vùng nguyên liệu khoai lang- thay đổi để thích nghi

09:12, 10/12/2019

Trước nay, khoai lang Bình Tân chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhưng giờ thị trường này đang siết chặt thương mại tiểu ngạch, hướng sang chính ngạch. 

 

Trước nay, khoai lang Bình Tân chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhưng giờ thị trường này đang siết chặt thương mại tiểu ngạch, hướng sang chính ngạch. 

Đặc biệt, từ ngày 1/5/2019, nông sản Việt Nam hay khoai lang Bình Tân nói riêng, muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó, có 2 yêu cầu quan trọng là có mã số vùng trồng (chứng nhận vùng sản xuất) và mã số cơ sở đóng gói.

Tập đoàn Việt Phúc và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bình Tân ký biên bản ghi nhớ xây dựng hệ thống liên kết thu mua, phân phối, xuất khẩu khoai lang Bình Tân.
Tập đoàn Việt Phúc và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bình Tân ký biên bản ghi nhớ xây dựng hệ thống liên kết thu mua, phân phối, xuất khẩu khoai lang Bình Tân.

Tại hội thảo xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, phân phối, xuất khẩu khoai lang Bình Tân mới đây, nhiều nông dân quan tâm đến quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn để khoai lang Bình Tân đi chính ngạch. Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, giải đáp đó là quy trình VietGAP.

Theo đó, việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong danh mục được phép sử dụng trên cây khoai lang, đảm bảo thời gian cách ly. Hiện Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 6 phối hợp với Sở Nông nghiệp- PTNT để chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho vùng khoai lang ở Bình Tân.

Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm, ngành nông nghiệp sẽ cùng đồng hành với người trồng khoai bằng cách tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như xây dựng các dự án để có chính sách hỗ trợ chứng nhận VietGAP, trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, bà con nông dân cần phải đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp như sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận, đảm bảo thời gian cách ly phân, thuốc theo quy trình. Việc sản xuất khoai lang theo tập quán cũ thì khó bán với giá cao.

Có một thực tế là gần đây, nhiều chủ vựa khoai phản ánh khoai lang khó bảo quản. Trước đây, khoai thu hoạch về trữ 1,5- 2 tháng chưa nảy mầm thì nay chỉ sau 1 tuần, khoai đã nảy mầm, thậm chí hư hỏng. Đây là nguyên nhân của việc lạm dụng phân, thuốc, chất kích thích.

Sản xuất theo GAP là tất yếu nhưng ông Sơn Văn Luận- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp- Dịch vụ Thanh Ngọc (xã Thành Trung- Bình Tân), nêu lên thực trạng đáng lo ngại mà là đơn vị thu mua nên ông rất khó “ăn nói” với nông dân.

Theo đó, thời gian qua, nhiều hộ sản xuất khoai theo tiêu chuẩn VietGAP ở địa phương nhưng năng suất và giá bán lại thua xa hộ không làm theo tiêu chuẩn này. Cụ thể, vụ khoai năm rồi, trong khi khoai VietGAP bán chỉ 500.000 đ/tạ, thì khoai thường bán được 700.000đ.

Năng suất khoai VietGAP cũng thấp hơn, chỉ khoảng 1,2 tấn/công, còn khoai thường tới 4 tấn/công. Vấn đề lạm dụng phân, thuốc kích thích cũng đáng báo động khi mà trước đây khoai đem về 10 ngày chưa nảy mầm, thì nay chỉ sau 3 ngày đã nảy mầm. Năm nay, hợp tác xã lỗ khoảng 7 tỷ đồng cũng vì lý do này.

Lý giải thêm về điều này, ông Nguyễn Văn Liêm cho biết, do xuất tiểu ngạch nên rủi ro thị trường là rất cao, nhưng sắp tới đây nếu không có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng thì sẽ không bán khoai lang được. Do đó, sản xuất theo hướng GAP nói chung sẽ giúp cho vùng khoai phát triển ổn định, đồng thời góp phần kiểm soát việc sử dụng phân, thuốc một cách an toàn, hiệu quả.

Có thể nói, sản xuất khoai lang không còn dễ dàng như trước do những rào cản về môi trường, đất, thời tiết, giá cả, chi phí sản xuất. Nếu năng suất khoai đạt 2,5 tấn/công, giá bán 10.000 đ/kg thì nông dân có lời 5- 7 triệu mỗi công khoai. Nhưng nếu giá khoai rẻ hơn hoặc năng suất thấp hơn, người trồng khoai sẽ lỗ. Trong khi giá bán thì phải cạnh tranh, không thể căn cứ vào giá thành sản xuất để định giá bán nên hạ giá thành sản xuất mới là giải pháp căn cơ.

Theo nhiều hộ trồng khoai, nếu giá khoai bán 6.000 đ/kg (360.000 đ/tạ) như hiện nay thì nông dân đang lỗ. Một trong những nguyên nhân khiến người trồng khoai không có lời khi bán ở mức giá này là do công lao động quá cao và chủ yếu là lao động thủ công, chưa kể chi phí phân, thuốc do nhu cầu thâm canh.

Theo tính toán, giá thuê cuốc giồng 1 công khoai từ 1- 1,5 triệu. Một nhân công làm 1 ngày khoảng 0,5 công đất. Khâu thu hoạch thì cần vài chục lao động cho việc giật giồng, thu gom, vận chuyển,… Trong khi máy móc có thể thay thế cho khoảng 45- 48 lao động cùng thời gian.

Ông Nguyễn Văn Liêm thông tin, đề tài cấp tỉnh về cơ giới hóa khoai lang (máy cuốc giồng, thu hoạch) đã nghiệm thu, được đánh giá khá. Tuy nhiên, máy cuốc giồng xuôi nhưng người dân có tập quán làm theo giồng ngang nên chưa thể thuyết phục người dân ứng dụng sản xuất.

Trong nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết, mới đây, Tập đoàn Việt Phúc và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bình Tân đã ký biên bản ghi nhớ xây dựng hệ thống liên kết thu mua, phân phối, xuất khẩu khoai lang Bình Tân.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Phúc- cho biết: Những yêu cầu về chất lượng nông sản của thị trường trong và ngoài nước là chính đáng, đây cũng là cơ hội để thay đổi phương thức sản xuất. Hiện nay, tiêu chuẩn VietGAP được nhiều khách hàng chấp nhận.

Doanh nghiệp cam kết sát cánh người trồng khoai Bình Tân trong việc đáp ứng nhu cầu về chất lượng cũng như đưa nông sản này xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh