Nông nghiệp đô thị hiện đã trở thành xu thế tất yếu trong quá trình phát triển đô thị và đầu tư cho nông nghiệp đô thị ở TP Vĩnh Long vẫn nằm trong xu thế đó.
Nông nghiệp đô thị hiện đã trở thành xu thế tất yếu trong quá trình phát triển đô thị và đầu tư cho nông nghiệp đô thị ở TP Vĩnh Long vẫn nằm trong xu thế đó.
Mô hình lan cắt cành cuả anh Lâm Quốc Hưng ngày càng mở rộng theo hướng hiệu quả và bền vững. |
Phù hợp nông nghiệp công nghệ cao
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn và tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh nên đất sản xuất ngày càng thu hẹp.
Thực tế này đòi hỏi chính quyền địa phương, cũng như các hộ dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, bằng cách thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển cho nông nghiệp đô thị, giúp bà con nông dân chuyển nghề cho phù hợp với quá trình đô thị hóa nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ nông sản cho nhu cầu tiêu dùng.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, hiện nay ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đô thị và ven đô thị. Nhiều hộ nông dân không chỉ tạo ra sản phẩm có giá trị mà còn có cơ hội làm giàu bằng cách tận dụng không gian hẹp cho phù hợp.
Hiện tại, trên địa bàn TP Vĩnh Long đã và đang phát triển nhiều mô hình nông nghiệp đô thị được đầu tư bài bản và hiệu quả như: mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại xã Tân Hòa, mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng bè ở xã Trường An, mô hình nuôi rắn ri voi sinh sản trong ao hồ tại xã Tân Ngãi, mô hình trồng cam sành tại Tân Hòa, mô hình trồng hoa huệ trâu ở xã Trường An…
Theo đánh giá từ Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp được triển khai hiệu quả, đi vào chiều sâu. Trong đó có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một lãnh đạo của Phòng Kinh tế cho rằng, các mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm công lao động và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây được xem là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển đô thị như hiện nay.
Nông dân làm cho thu nhập cao
Hiện nay, các mô hình nông nghiệp đô thị sử dụng công nghệ cao đang phát triển khá mạnh ở các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng. Trên địa bàn TP Vĩnh Long cũng đã triển khai nhiều mô hình và đã cho kết quả khả quan, tạo nguồn thu nhập cao cho người nông dân.
Theo Trưởng Phòng Kinh tế- Võ Hữu Xuân, hiện nhiều mô hình nông nghiệp sử dụng công nghệ cao so với trồng lúa cho hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần. Và hiện nay các mô hình này cũng đang phát triển mạnh trên địa bàn xã ở TP Vĩnh Long.
Bà Trần Lệ Xuân- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường An- chia sẻ, mấy năm gần đây, các mô hình nông nghiệp đô thị, đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao được bà con nông dân quan tâm và định hướng phát triển bền vững, lâu dài.
“Trên địa bàn có nhiều mô hình hay, giúp ổn định kinh tế gia đình. Trong đó, phải kể đến các mô hình trồng cam sành, hoa lan, kiểng cổ, chăn bò sinh sản, trồng nấm bào ngư…
Người dân càng quan tâm đến các mô hình nông nghiệp này chứng tỏ nó phù hợp với diện tích cũng như trình độ của người dân đô thị”- bà chia sẻ.
Điển hình như mô hình trồng hoa lan cho nguồn thu nhập khá và ổn định cho người dân. Hộ ông Nguyễn Tấn Nhã (Phường 3) là một trong những hộ nông dân được hỗ trợ cây lan giống.
Thời gian qua, mô hình này cho nguồn thu nhập ổn định so với diện tích đất ở đô thị vừa hẹp, vừa khó canh tác.
“Hiện tại, người trồng hoa lan không phải cắt cành mang ra chợ nữa mà thương lái tìm đến tận vườn. Qua đó có thể thấy thị trường hoa lan ổn định và có thể nhân rộng để phát triển kinh tế cho người dân ở vùng đô thị”- ông Nhã chia sẻ.
Cũng theo ông, ngoài số lượng cây lan giống được cấp, trong quá trình trồng và chăm sóc, bản thân tự rút ra được kinh nghiệm nên mạnh dạn đầu tư thêm nhiều giống lan mới cả trong và ngoài nước.
Trong đó có khá nhiều giống lan có giá trị kinh tế rất cao, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người chơi lan.
“Nếu chịu khó học tập kinh nghiệm, mày mò nghiên cứu thì nghề trồng lan có thể nói là thú vui, cũng là nguồn thu nhập không nhỏ, nhất là cho người dân ở đô thị thường có diện tích đất nhỏ…”- ông Nhã cho biết.
Trong khi đó, từ 200m2 được hỗ trợ ban đầu, hiện nay anh Lâm Quốc Hưng (xã Trường An) đang đầu tư thêm khoảng 300m2 nữa để mở rộng diện tích trồng hoa lan. “Mô hình trồng hoa lan cắt cành cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa, lại phù hợp với điều kiện hộ gia đình đô thị”- anh Hưng chia sẻ.
Mô hình của anh Lâm Quốc Hưng cũng là điểm đến tham quan không thể thiếu khi đến với nông nghiệp công nghệ cao ở xã Trường An. Bản thân anh cũng là một nông dân sản xuất giỏi điển hình ở địa phương.
Bài, ảnh: NGUYỄN DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin