Thời gian gần đây, ở xã Mỹ An (Mang Thít) xuất hiện một số mô hình trồng đu đủ ruột vàng. Theo các hộ dân, mô hình này cho thu nhập khá nhưng công chăm sóc và vốn đầu tư thấp…
Thời gian gần đây, ở xã Mỹ An (Mang Thít) xuất hiện một số mô hình trồng đu đủ ruột vàng. Theo các hộ dân, mô hình này cho thu nhập khá nhưng công chăm sóc và vốn đầu tư thấp…
Ông Lê Văn Nhâm bên vườn đu đủ đang cho trái của mình. |
Đến xã Mỹ An, chúng tôi được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn tận tình tới các hộ trồng đu đủ để tìm hiểu. Theo cán bộ nông nghiệp xã, mô hình này xuất hiện cách đây vài năm, hiện đã được nhân rộng và cho thu nhập ổn định hơn so với các loại cây trồng khác.
Đến nhà ông Lê Văn Nhâm ở ấp An Hòa, có thể nói đây là hộ “đi đầu” trong việc trồng đu đủ tại địa phương. Ông Nhâm cho biết, đây là mùa thứ 3 ông trồng đu đủ ruột vàng F1 Thái Lan. Giống đu đủ này cho trái sai, thời gian thu hoạch dài.
Ông Nhâm chia sẻ: Lúc đó vô tình tìm hiểu về giống đu đủ mới rồi có gần 4.000m2 đất ở nhà nên tôi quyết định đầu tư. Chi phí đầu tư giống ban đầu chỉ khoảng 800.000đ, cùng công đào mương, đắp mô. Trung bình mỗi cây cho thu hoạch từ 400- 500kg trái. Giá đu đủ khoảng 5.000- 7.000 đ/kg, có thời điểm thu hoạch ngay Tết Nguyên đán, giá tới 9.000- 10.000 đ/kg. So với trồng lúa, vườn đu đủ cho thu nhập gấp nhiều lần”.
Chia sẻ bí quyết, ông Nhâm cho biết, giống đu đủ này dễ trồng, dễ chăm sóc cũng như dễ phòng các loại dịch bệnh so với cây trồng khác.
“Nói cách khác, trồng đu đủ như làm chơi mà… ăn thiệt. Vào mùa thu hoạch, 4 công đu đủ cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/đợt, chỉ cách hơn 10 ngày là thu hoạch đợt tiếp theo. Trồng đu đủ công chăm sóc cũng rất nhàn, chỉ chú ý mỗi khi cây bị bệnh, còn lại thì rất dễ”- ông Nhâm cho biết.
Hiện tại, diện tích trồng đu đủ của địa phương đang tăng dần. Nhiều hộ dân tranh thủ đất trống cũng trồng vài chục gốc hoặc cải tạo vườn tạp để xuống giống. Là người mới trồng đợt đầu tiên, anh Trần Văn Bảy (ấp Thanh Hương) chỉ tay về phía mấy cây đu đủ đang chuẩn bị cho thu hoạch, “chắc ăn” là mỗi đợt hái, mỗi cây sẽ cho từ 50- 70kg trái.“Gia đình cải tạo lại miếng ruộng gần 2.500m2 để xuống giống đu đủ.
Tuy chưa bán đợt nào nhưng nghe thị trường cũng đang chịu ăn, giá cả cũng tương đối nên có thể cho thu nhập cao hơn lúa và một số loại cây trồng khác. Hơn nữa, trồng đu đủ rất nhàn nên nông dân có thể tranh thủ làm chuyện khác, tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế”- anh Bảy cho biết.
Hiện nay, mô hình trồng đu đủ của ông Nhâm cũng được nhiều thanh niên ở địa phương cũng như người dân địa phương khác đến tham quan, học hỏi.
“Không phải mô hình hay, cho thu nhập cao mà tôi không chia sẻ hay… giấu bài. Tất cả mọi người đến tôi đều hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chế độ dinh dưỡng,… để mọi người có thể tham gia sản xuất, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Hơn nữa, hiện nay, theo tìm hiểu, diện tích trồng đu đủ ở các địa phương khác (tỉnh khác) đang giảm nên có thể nói, việc phát triển mô hình trồng đu đủ ở Mỹ An sẽ có hướng phát triển lâu dài”- ông Nhâm cho biết.
Bài, ảnh: KHÁNH DU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin