Tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái của tỉnh là rất lớn nhưng để khai thác hiệu quả tiềm năng này đòi hỏi sự vào cuộc xây dựng, phát triển với nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để kết nối.
Tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái của tỉnh là rất lớn nhưng để khai thác hiệu quả tiềm năng này đòi hỏi sự vào cuộc xây dựng, phát triển với nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để kết nối.
Nông nghiệp đô thị- tiềm năng lớn để kết nối với du lịch sinh thái. |
Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên những vùng sản xuất chuyên canh gắn với du lịch như: Vùng sản xuất cải xà lách xoong ở TX Bình Minh, khoai lang Bình Tân, các vườn chuyên canh cây ăn trái phục vụ du khách như vườn bưởi Mỹ Hòa (TX Bình Minh), vườn cây trái bốn mùa ở cù lao An Bình (Long Hồ), các điểm du lịch homestay,… Nhìn chung, du lịch gắn với nông nghiệp đã từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến Vĩnh Long.
Toàn tỉnh có trên 20 điểm vườn cây ăn trái tham gia phục vụ khách du lịch, thuộc cù lao An Bình (Long Hồ), cù lao Lục Sĩ Thành (Trà Ôn), cù lao Quới Thiện (Vũng Liêm).
Hiệu quả mang lại từ việc tham gia phục vụ khách du lịch khá lớn, làm gia tăng lợi nhuận cho các nhà vườn và tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Vào lúc cao điểm mùa trái cây, hàng ngày một số điểm vườn đón trên 100 du khách đến tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn.
Đặc biệt, khách du lịch quốc tế rất quan tâm và thích trải nghiệm loại hình du lịch homestay tập trung nhiều ở 4 xã cù lao An Bình (Long Hồ), với 25 homestay với đủ loại hình từ dân dã đến hiện đại, mỗi năm thu hút 200.000 lượt khách nước ngoài, với nhiều hoạt động trải nghiệm tham gia sản xuất nông nghiệp cùng người dân, như nuôi thủy sản, thu hoạch trái cây, câu cá, chế biến món ăn, thức uống, thưởng thức hát bội, đàn ca tài tử và các loại hình giải trí dân gian khác.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là nông dân sản xuất với quy mô hộ gia đình, mang tính đơn lẻ, chưa liên kết chặt chẽ với nhau và chưa có khả năng tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm du lịch. Các nông hộ chỉ thực hiện theo yêu cầu của các doanh nghiệp lữ hành, chưa có khả năng tạo sản phẩm mới chất lượng phục vụ du khách.
Hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp ở Vĩnh Long còn có một số khó khăn. Toàn tỉnh có trên 25 làng nghề và nghề truyền thống đã được công nhận như làng nghề gốm (ở Mang Thít), làng nghề trồng lác (ở Vũng Liêm), làng nghề đan thảm lục bình (ở Tam Bình),... với nhiều sản phẩm gia dụng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Song, chủ yếu là gia công sản xuất sản phẩm thô, chưa được chế tác hoàn chỉnh để có tính thẩm mỹ cao, chưa thể tạo ra sản phẩm lưu niệm phục vụ đại trà cho khách du lịch nên chưa gắn kết được nhiều với hoạt động du lịch, chủ yếu phục vụ tham quan trải nghiệm.
Ông Đoàn Hiếu Hậu- Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Hoa Ngọc Mai (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) cho biết, thời gian qua, ông đang đầu tư kinh doanh nhà hàng với mô hình công viên ẩm thực nhằm giới thiệu các loại đặc sản cây ăn trái, các loại hoa đặc biệt là hoa lan của các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tại địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ và tiến tới liên kết, xúc tiến các sản phẩm đặc trưng của các vùng lân cận.
Theo ông Hậu, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chưa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cây con giống chất lượng cao, hướng dẫn kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Còn ông Võ Văn Trang (xã Trường An- TP Vĩnh Long) thì đã ấp ủ mô hình phát triển vườn cây ăn trái gắn du lịch nông nghiệp từ rất lâu nhưng đến năm 2016, ông mới mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình đa canh khép kín trên toàn bộ diện tích 4.000m2 trồng nhãn Edor (Ido), ổi nữ hoàng và mận.
Điểm đặc biệt là ông không sử dụng phân thuốc hóa học trong quá trình canh tác. Nhờ đó, sản phẩm sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được nhiều người biết đến.
Cũng theo ông Trang, hiện nay các vườn cây ăn trái vẫn còn phát triển riêng lẻ, tự phát, chưa hình thành được vùng du lịch sinh thái, do đó rất cần quy hoạch cụ thể, đa dạng hóa mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp đô thị, có ký kết hợp tác với các công ty du lịch, hình thành các tour đến với các nhà vườn, hợp tác xã.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, để góp phần giúp các địa phương và nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nông nghiệp đô thị sẵn có, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân thực hiện chuyển dịch sản xuất theo hướng đa dạng trên cơ sở phù hợp điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, trình độ canh tác và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã bước đầu được áp dụng có hiệu quả và nhân rộng.
Phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị được dựa trên cơ sở tận dụng hiệu quả đất nông nghiệp còn lại ở TP Vĩnh Long và TX Bình Minh như: trồng rau thủy canh, rau mầm, nấm ăn, trồng hoa trong nhà lưới, nuôi rắn, cá cảnh, lươn không bùn, nuôi gà đặc sản bản địa theo hướng an toàn sinh học.
Sở Nông nghiệp- PTNT xác định, sản xuất nông nghiệp đô thị, đặc biệt là TP Vĩnh Long cần phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ.
Trong đó, rau an toàn, hoa lan, cây kiểng sẽ là một trong những sản phẩm chủ lực để vừa cung cấp cho người tiêu dùng, vừa tạo cảnh quan thu hút du lịch sinh thái.
Đồng thời, các nhà vườn khu vực ngoại ô có thể nắm bắt cơ hội để khai thác, phát triển các vườn rau an toàn, hoa lan, cây kiểng, nuôi lươn, nuôi cá, gà đặc sản kết hợp điểm tham quan, nghỉ dưỡng cho khách du lịch.
Vấn đề hiện nay là cần khảo sát, hoàn thiện điểm đến, hình thành sản phẩm và dịch vụ du lịch, kết nối các điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành, tổ chức cho các hộ dân có tiềm năng và có nhu cầu phát triển du lịch homestay học tập mô hình tại các địa phương.
Ngành nông nghiệp đề xuất giải pháp quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp đô thị và ứng dụng công nghệ cao theo hình thức khu, vùng thích nghi cho từng loại cây trồng, vật nuôi và các nguồn lực sẵn có tại địa phương.
Bên cạnh đó là khoa học công nghệ, thị trường, cơ chế chính sách, mời gọi đầu tư vào nông nghiệp để du lịch nông nghiệp có không gian hoạt động và phát triển bền vững.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin