Sở Thông tin- Truyền thông vừa có văn bản gửi các cơ quan báo chí trong tỉnh và các đơn vị chức năng, nhằm cung cấp tài liệu tuyên truyền về tôm càng đỏ; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát loài tôm hùm nước ngọt (hay tôm hùm đất).
Sở Thông tin- Truyền thông vừa có văn bản gửi các cơ quan báo chí trong tỉnh và các đơn vị chức năng, nhằm cung cấp tài liệu tuyên truyền về tôm càng đỏ; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát loài tôm hùm nước ngọt (hay tôm hùm đất).
Theo đó, đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tác hại của loài tôm càng đỏ nhập lậu đối với môi trường, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, để ngăn ngừa phát tán ra môi trường.
Tôm càng đỏ là loài tôm không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Internet |
Tôm càng đỏ ăn tạp, đào hang sâu tới 2m
Theo tài liệu tuyên truyền về tôm càng đỏ của Sở Thông tin- Truyền thông cung cấp, tôm càng đỏ có nguồn gốc từ nước Úc và sau đó phát triển tại nhiều quốc gia.
Có khả năng sinh sống ở nhiều loại môi trường khác nhau từ vùng ven biển nước lợ tới môi trường nước ngọt, môi trường sống ưa thích là những nơi có dòng chảy chậm ở vùng thượng lưu sông và tại các hồ, đầm phá, thích nghi ở vùng khí hậu nhiệt đới, khu vực có nhiệt độ cao hơn 100C.
Về tác hại nguy hiểm nhất của tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt. Cả 2 loài này đều có sức “phá vỡ hệ sinh thái ở mức khủng khiếp”, có khả năng sinh sống trong nhiều môi trường khác nhau, ăn tạp và tốc độ phát triển nhanh.
Chúng đi đến đâu sẽ tiêu diệt toàn bộ các loài thủy sinh khác khiến hệ sinh thái bị phá hủy, tiêu diệt. Đây là loài ăn tạp, đôi khi còn có thể ăn thịt lẫn nhau và chúng được xếp vào loại 100 loài thủy sinh nguy hiểm nhất thế giới.
Cả tôm càng đỏ và tôm hùm đất có chung tập tính sống ẩn nấp trong các hốc, rễ cây ven bờ ao, hồ, ruộng và đào hang sâu tới 2m, có khả năng phá hủy các công trình đê điều, thủy lợi.
Tôm càng đỏ và tôm hùm đất đều là những vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường nơi chúng trú ngụ, sinh sống.
Tháng 5/2002, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã nhập và nuôi thử nghiệm tại Việt Nam, cho thấy những tác hại của chúng với đa dạng sinh học ở Việt Nam. Năm 2004, ngành nông nghiệp đã cấm nuôi tôm càng đỏ.
Theo Nghị định số 26 của Chính phủ, loài tôm càng đỏ không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Tại Thông tư 35 của Bộ Tài nguyên- Môi trường, loài tôm càng đỏ đã xác định là loài sinh vật ngoại lai xâm hại.
Bộ Nông nghiệp- PTNT đề nghị UBND các tỉnh- thành ngăn chặn, xử lý các hành vi phát tán, buôn bán tôm càng đỏ.
Ngăn chặn sự phát tán
Trước đó, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương và các ban ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến tôm càng đỏ.
Theo đó, thời gian gần đây, tôm càng đỏ (còn gọi là tôm hùm đất) đã được đưa vào sử dụng ở Việt Nam dưới dạng thực phẩm ở khá nhiều địa phương.
Bộ Nông nghiệp- PTNT khẳng định đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.
Đây là loài tôm không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.
Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp- PTNT yêu cầu khi phát hiện có tôm càng đỏ phát tán ra môi trường, phải tiến hành khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài sinh vật ngoại lai xâm hại này.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ này đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp; ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên.
Tổng cục Quản lý thị trường (thuộc Bộ Công thương) cũng đã có công văn hỏa tốc về tăng cường, kiểm soát thị trường với tôm càng đỏ (tôm hùm đất, tôm hùm nước ngọt), đặc biệt là ngăn chặn việc vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Theo đó, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các tỉnh- thành tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát, chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra hệ thống siêu thị, cửa hàng, hộ kinh doanh thủy sản, nhà hàng, khách sạn kinh doanh dịch vụ ăn uống… và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan tới tôm càng đỏ.
Tôm càng đỏ ra môi trường sẽ phá hại đê điều, vô ruộng lúa phá nát ruộng lúa Theo ông Mai Bá Đẳng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long), tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt đều là đối tượng cấm nuôi, vận chuyển, phát tán, kinh doanh. “Nói chung, loài tôm càng đỏ có tính ăn tạp, chịu đựng được môi trường sống khắc nghiệt và gây nguy hại đến môi trường rất lớn. Vì thế, đây là loài ngoại lai bị cấm phát tán, nuôi”- ông Mai Bá Đẳng cho biết. Tại Vĩnh Long, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan cũng đã triển khai nhanh, tăng cường các giải pháp kiểm soát, kiểm tra, quản lý thị trường theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp- PTNT. |
LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin