Cho đến thời điểm hiện tại, các loại rau màu giữ giá ổn định, nông dân có lời. Những vùng rẫy truyền thống ở Long Hồ, như vùng hẹ, rau cải ở khu vực các xã Phước Hậu, Long Phước đang đón đợt tăng giá nhẹ, cùng với thời tiết tương đối thuận lợi nên có thể xịt thuốc cách ly đúng quy định, giảm tối đa lượng thuốc hóa học, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Đất làm rẫy nằm bên những công trình mới đã tăng giá, thu hẹp diện tích màu ở Phước Hậu. |
Cho đến thời điểm hiện tại, các loại rau màu giữ giá ổn định, nông dân có lời. Những vùng rẫy truyền thống ở Long Hồ, như vùng hẹ, rau cải ở khu vực các xã Phước Hậu, Long Phước đang đón đợt tăng giá nhẹ, cùng với thời tiết tương đối thuận lợi nên có thể xịt thuốc cách ly đúng quy định, giảm tối đa lượng thuốc hóa học, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Một số bà con tận dụng nguồn đất nhỏ hẹp quanh nhà tự tạo nên nguồn rau và thu nhập thêm gia đình.
Nông dân trồng rau có lời
Riêng khu vực ấp Phước Lợi A và Phước Hanh A trong nhiều tháng nay có chút biến động về đất đai, ít nhiều ảnh hưởng đến nông dân sản xuất. Những nông dân canh tác nhiều khoảng quanh đây như các hộ: anh Chín Hải hơn 10 công, ông Chí khoảng 10 công, anh Hà hơn 6 công; chị Kim Cương hơn 1,5ha tính chung vừa rẫy vừa lúa, đa phần là phải thuê thêm.
Giá đất ruộng tăng lên chóng mặt, đặc biệt những thửa ruộng gần khu vực mở đường mới, nên chủ đất thu hồi lại để chuyển mục đích sử dụng. Giá đất ruộng trước đây chỉ khoảng vài ba trăm triệu đồng/công là hết mức; giờ đây đã tăng vọt 400- 500 triệu đồng/công đổ lên.
Theo ông Đặng Ngọc Thanh- cán bộ Nông nghiệp- Môi trường xã Phước Hậu, diện tích biến động này không lớn chỉ khoảng 4- 5ha, tuy nhiên, làm cho diện tích vùng hẹ truyền thống ở Phước Hậu có sụt giảm.
Điều này gây khó khăn cho nông dân vì thu hẹp diện tích canh tác, còn các thương lái thì trở nên… o bế các chủ rẫy hẹ hơn, vì sản lượng chung không đủ đáp ứng nhu cầu thông thường.
Theo anh Hải ở ấp Phước Lợi A thì: “Cây hẹ được xem là khá đơn giản, nhẹ công, nhẹ vốn, không nặng kỹ thuật nhiều như cây hành. Tuy nhiên, nếu không biết cải tiến theo lối canh tác mới, thì hẹ không nở bụi, năng suất rất thấp”.
Theo đó, ngoài việc bón lót tro trước khi xuống giống, sau mỗi vụ hẹ- thụ hoạch 3 đợt, thì bà con ngâm đất thời gian dài hoặc chuyển sang trồng lúa, để làm sạch mầm sâu bệnh trong đất.
Anh Chín Hải đang trồng hơn 10 công hẹ, cắt đợt 1 được khoảng 1,8 tấn/công, lúc đó giá 8.000 đ/kg. Đợt 2 vừa cắt mới đây được trên 2,3 tấn/công, giá đã lên 12.000 đ/kg. Theo anh Thanh, trồng hẹ không khó nhưng nếu canh tác đúng kỹ thuật thì năng suất có thể tăng thêm 300- 400 kg/công.
Anh Thanh khẳng định rằng, nếu trồng hẹ phải phân gốc mỏng và trồng thưa, nếu dày quá thì bụi hẹ không nở gốc. Từ đầu năm đến nay, giá rau màu ổn định, dù không tăng đột biến như cây hành, nhưng chỉ cần giá 8.000 đ/kg hẹ là có lời rồi.
Cho đến thời điểm này, lái hối bà con cắt xô- không cần làm sạch- xuyên đêm, tầm 1- 2 giờ khuya là cho xe đến cân. Vì cắt xô nên 100kg, bù thêm 15kg. Các loại rau thơm giá giữ khoảng 30.000 đ/kg, ngò gai khoảng 20.000 đ/kg. Đặc biệt, các loại rau màu đồng loạt nhóng lên từ sau Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âl).
Tận dụng hiệu quả đất quanh nhà
Người dân Long Hồ rất chịu khó, mở ra nhiều cách làm ăn dù nhỏ, dù lớn, nhưng cũng đáng quan tâm. Đây là câu chuyện tận dụng nguồn đất nhỏ hẹp vẫn có thể tự cung nguồn rau sạch cho gia đình, người thân, lại còn có thêm thu nhập:
Nhà ông Phạm Văn Lễ (ấp Long Bình, xã Lộc Hòa) có vườn rau xanh tốt, hứa hẹn bội thu. Đã nhiều năm, gia đình ông tận dụng chỉ 400m2 đất quanh nhà để trồng rau nhằm làm phong phú bữa ăn và để bán kiếm thêm thu nhập.
Gia đình ông Phạm Văn Lễ chăm sóc rau rất tốt. |
Ông Lễ cho biết: “Ở đây tôi trồng màu quanh năm, chỉ 400m2 này chứ cho thu nhập hơn 4 công ruộng đó, năm nay màu trúng giá nông dân làm rẫy có ăn. Tui trồng có nhiêu đây mà cũng thấy rất phấn khởi”.
Ngoài một số vùng chuyên canh màu như Phước Hậu, Tân Hạnh, Thạnh Quới, năm nay một số hộ dân trong huyện còn tận dụng đất trống xung quanh nhà để trồng màu. Chính vì vậy nên hầu hết diện tích màu được người dân chăm sóc chu đáo lại ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Huỳnh Thanh Hiệp và chị Phạm Thị Hòa ở ấp Long Bình, chia sẻ: “Mình trồng rau sạch không phân thuốc, như rau muống vừa ăn vừa bán. Có đất trồng rau bán thêm chứ để không uổng lắm”.
Thêm hướng canh tác, tăng thêm nguồn rau sạch, tăng thu nhập. Dần dần mở rộng làm ăn lớn, xây dựng thương hiệu riêng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Quan trọng là sẽ có đầu ra ổn định hơn.
Chủ tịch UBND xã Phước Hậu Nguyễn Văn Phúc cũng vui chung với bà con xóm rẫy, bởi ông cho rằng: Theo tình hình này, thì có thể đạt được nghị quyết đề ra trong năm 2019 là nâng tiêu chí thu nhập bình quân đầu người từ 41,67 triệu năm 2018 lên mức 45 triệu đồng.
Theo ông Đặng Ngọc Thanh- cán bộ phụ trách nông nghiệp- môi trường xã Phước Hậu: Từ khi xuống giống, khoảng 2 tháng 5 ngày là có thể cắt hẹ đợt 1, năng suất đợt đầu tầm 1,8 tấn/công. Qua đợt 2, cách khoảng 1 tháng 5 ngày, năng suất tăng lên 2,2- 2,3 tấn/công. Đợt 3 thì năng suất xuống thấp lại. Trung bình 1 vụ hẹ khoảng 4- 5 tháng. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin