Nếu với nhiều nông dân "làm lúa chẳng lời bao nhiêu" thì vợ chồng anh Đoàn Văn Tài và chị Lê Thị Nga (ấp Kinh, xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) đã không chỉ làm giàu cho mình, mà còn đưa nông dân quanh vùng vào sản xuất lớn- góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất (một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới).
Nếu với nhiều nông dân “làm lúa chẳng lời bao nhiêu” thì vợ chồng anh Đoàn Văn Tài và chị Lê Thị Nga (ấp Kinh, xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) đã không chỉ làm giàu cho mình, mà còn đưa nông dân quanh vùng vào sản xuất lớn- góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất (một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới).
Thăm đồng là việc thường xuyên của vợ chồng anh Tài, chị Nga để biết “sức khỏe” cây lúa. |
Từ 3 công đất ruộng, anh chị đã mạnh dạn thử nghiệm và thành công trong sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ, đồng thời còn nghiên cứu nâng cao giá trị hạt lúa sau thu hoạch; hiện diện tích lúa thuộc sở hữu của anh chị lên đến hàng chục công, diện tích lúa Hợp tác xã (HTX) Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc lên đến hàng trăm hecta “cò bay thẳng cánh”.
Sản xuất lúa hữu cơ, làm trà gạo lứt
Ra thăm đồng vào một trưa nắng đẹp, chị Nga nhổ một cây lúa, nói: “Đem cây lúa này về đặng coi đòng tới đâu rồi, nếu đòng cỡ đầu bút lá tre là thời điểm thích hợp để chăm sóc lúa cho năng suất cao”.
Thăm lúa là một trong những việc làm hàng ngày của chị, bắt đầu từ buổi sáng điện thoại réo inh ỏi từ nông dân các cánh đồng khác kêu “chị xuống coi ruộng tui vầy thì phải làm sao?” hay “lúa cỡ này thì chăm sóc như thế nào cho tốt?”… thì chị bắt đầu hành trình “đi thăm đồng”.
Xuất thân nhà nông, khi lập gia đình ra riêng, vợ chồng chị được cha mẹ cho 3 công ruộng. Nhờ chí thú làm ăn, luôn đứng “tốp đầu” trong phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi của tỉnh, cứ tích cóp được tiền là anh chị mua thêm đất, đầu tư máy móc nên đến nay, anh chị đã có trong tay 3ha ruộng và 1ha vườn.
Từ trong sản xuất, tình yêu cây lúa của anh chị thêm nảy nở. “Thấy trồng lúa mà bón phân, xịt thuốc nhiều quá nên tui rất lo lắng cho sức khỏe của chính mình và cả những người làm lúa, ăn gạo”- chị Nga nói.
Do đó, năm 2011, anh chị cùng bà con tham gia tổ hợp tác sản xuất lúa giống, cùng thời điểm đó mô hình trồng lúa hữu cơ mới “manh nha” xuất hiện ở một vài địa phương, anh chị đã tự tìm tòi học hỏi qua báo đài và đặt mua 2kg lúa tím ở tỉnh Thanh Hóa về trồng thử.
Giống lúa từ miền Bắc, không phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên vụ lúa đầu tiên hạt lúa trổ chín không đều, thu hoạch xong chỉ để ăn hoặc tặng người quen nên “bị lỗ”. Nhưng không nản lòng, anh chị lựa lại những hạt đồng đều tiếp tục trồng vụ sau, cứ thế mỗi vụ lại chọn hạt tốt làm giống. Đến nay, đã trồng được 8 vụ và mở rộng diện tích gần 1ha.
Lúc đầu, anh chị trồng lúa tím chủ yếu để ăn vì tốt cho sức khỏe. Khi diện tích lúa tím ngày càng nhiều, anh chị bắt đầu đem tặng người thân. Sau đó, anh chị suy nghĩ “nhiều người thường rang đậu để làm trà, sao mình không rang gạo thử”. Thế là chị Nga đem gạo tím đi rang làm trà gạo lứt uống, rồi lại tiếp tục đem tặng người thân.
Thấy nhiều người phản hồi là uống trà gạo lứt khỏe, ngủ được, giảm nhức mỏi… anh chị đem đi kiểm nghiệm và phân tích thì được biết trong trà này rất giàu thành phần Omega 3, Omega 6 và Omega 9, rất tốt cho tim mạch và huyết áp, giúp ổn định đường huyết…
Vậy là anh chị bắt tay khởi nghiệp làm trà gạo lứt. Đây cũng là ý tưởng rất hay trong việc nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch. Kinh doanh với hình thức “hữu xạ tự nhiên hương”, anh chị không tập trung vào quảng cáo sản phẩm mà chủ yếu là cho, tặng để khách hàng uống thử. Khách thấy hài lòng thì anh chị mới đem bán. Sản phẩm trà gạo lứt của anh chị bắt đầu đến với thị trường chủ yếu thông qua hình thức khách hàng truyền tai nhau và gửi mua.
Đến nay, sản phẩm của anh chị có mặt tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh- thành ĐBSCL thông qua các đại lý, bình quân mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 400kg trà gạo lứt, giá bán 50.000 đ/túi 500g. Tính ra hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa bán gạo thông thường.
Đưa nông dân vào làm ăn tập thể
Để đưa xã Trung Ngãi về đích nông thôn mới, việc thực hiện tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Để đạt tiêu chí này đòi hỏi xã phải có HTX hoạt động theo đúng Luật HTX, xã có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
Lúc bấy giờ, tổ hợp tác sản xuất lúa giống của anh Tài, chị Nga là một trong những tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả. Tổ hợp tác cũng đã thực hiện liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị bằng cách đại diện nông dân ký hợp đồng với các công ty hoặc doanh nghiệp cung ứng vật tư cho nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho dân.
Năm 2017, thông qua sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ hợp tác sản xuất lúa giống đã chính thức chuyển lên thành HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt có 15 thành viên tham gia với diện tích 11,5ha do anh Đoàn Văn Tài làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm giám đốc HTX.
Đến nay, HTX đã tăng lên 65 thành viên với hơn 62ha chuyên sản xuất lúa giống, lúa an toàn, lúa hữu cơ. Ngoài ra HTX còn liên kết với nông dân sản xuất theo quy trình của HTX với hơn 400ha.
Chị Nga với sản phẩm trà gạo đang rất hút hàng. |
Là thành viên của HTX, chú Nguyễn Văn Trung (ấp Kinh, xã Trung Ngãi) cho hay, hiện trồng 8 công lúa giống để cung cấp cho HTX. Được HTX cung cấp phân bón với giá thấp hơn giá thị trường nhưng được trả chậm (không tính lãi) đến cuối vụ. Mỗi khi có sâu bệnh thì báo về HTX để được hỗ trợ, nhờ vậy mà làm ăn khá hơn trước nhiều.
Anh Tài cho biết: Sắp tới, để khẳng định và giữ vững chất lượng sản phẩm, HTX sẽ đầu tư xây dựng nhà kho, máy xay xát hơn 2 tỷ đồng và đang làm giấy chứng nhận lúa hữu cơ đạt chuẩn Châu Âu (từ nguồn kinh phí của HTX và thông qua sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh và công ty đối tác…).
Nhớ lại những vất vả ngày đầu mới tìm tòi làm lúa hữu cơ “không giống ai”, chị Nga tâm sự: Lúc đó mình đi đâm tỏi ớt mang ra ruộng mỗi lần mấy ký, hết đợt này tới đợt khác. Rồi làm lúa lỗ tới lỗ lui, bị cười quá trời. Nhưng chỉ cần mình cố gắng, quyết tâm thì đất không phụ người. Vui nhất đến hôm nay là có thể mang được sản phẩm an toàn hơn để phục vụ cho sức khỏe của người làm cây lúa, ăn hạt cơm và… uống trà từ hạt gạo!
HTX Tấn Đạt được chọn làm điểm để nhân rộng Bà Đặng Thị Mỹ Tiên- chuyên viên Quản lý kinh tế tập thể, Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Vũng Liêm: HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt là một trong những HTX làm ăn có hiệu quả nhất tại huyện, đặc biệt là hầu hết người trồng lúa ở ấp Kinh đều liên kết, tham gia vào HTX; các xã lân cận cũng mong muốn tham gia. Do đó, HTX mở rộng hợp tác với các địa phương lân cận để đáp ứng yêu cầu thị trường. Hiện HTX được huyện chọn làm điểm để chỉ đạo nhân rộng mô hình. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin