Hiệu quả mô hình nuôi ếch Thái Lan trong bể lót bạt

10:06, 27/06/2019

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, nông dân xã Khánh Hòa (Châu Phú) tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình nuôi ếch Thái Lan trong bể lót bạt. 

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, nông dân xã Khánh Hòa (Châu Phú) tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình nuôi ếch Thái Lan trong bể lót bạt. Với nhiều ưu điểm như: tận dụng được diện tích đất sẵn có, hạn chế mầm bệnh, dễ chăm sóc, quản lý và góp phần giải quyết việc làm cho người lao động… mô hình này đã giúp nhiều nông hộ có được nguồn thu nhập ổn định.

Dễ nhưng không dễ

Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hòa Lê Văn Dũng cho biết, nghề nuôi ếch Thái Lan được hình thành và phát triển tại địa phương cách đây khoảng 15 năm. “Lúc đầu, mô hình nuôi ếch chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, do nông dân tham gia sản xuất còn manh mún, sản phẩm bán tại địa phương nên đầu ra không ổn định. Ngoài ra, do chưa chủ động được nguồn cung con giống, nông dân chưa có kỹ thuật chăn nuôi nên thường xuyên bị thua lỗ. Thời gian gần đây, Hội Nông dân đã tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, từ đó nông dân đã linh hoạt hơn trong việc nghiên cứu những kỹ thuật chăn nuôi mới; đầu ra của ếch thương phẩm được mở rộng hơn… nên việc chăn nuôi dễ dàng, thuận lợi hơn” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hòa chia sẻ.

Nuôi ếch Thái Lan trong bể bạt nhìn thì dễ nhưng khi thực hiện không dễ. Theo anh Bùi Văn Thắng (ấp Khánh Thuận), loại ếch này dễ nuôi, quan trọng là cho ếch ăn uống đầy đủ, thường xuyên thay nước trong bể để đảm bảo vệ sinh môi trường, có như vậy ếch mới ít bị bệnh, lớn nhanh, không bị hao hụt và thu lợi nhuận cao. Dù vậy, vẫn có không ít hộ phải chịu thua lỗ, do người nuôi ếch cho rằng, ếch dễ nuôi nên không chú ý chăm sóc. Do tình hình dịch bệnh xuất hiện trên ếch nhiều trong thời gian gần đây như: bệnh đỏ đùi, mù mắt, vẹo cổ, sình bụng… đòi hỏi người chăn nuôi phải thường xuyên thăm bể nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, từ đó có những biện pháp phòng, trị kịp thời.

Để có được nguồn con giống chất lượng, đa số các hộ dân ở địa phương đều áp dụng phương pháp tự nhân giống. Để có con giống khỏe mạnh, ếch bố mẹ được chọn phải là ếch khỏe mạnh, thường là ếch từ 1 năm trở lên, đặc biệt là không cùng bố mẹ để tránh giao phối cận huyết, ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Bình quân 1 con ếch mẹ sinh sản 1 lần khoảng 5.000 trứng.

Ếch sau khi sinh được nuôi trong bể khoảng 28 ngày có thể chuyển sang các hồ chứa khác để nuôi. “Bên cạnh việc chọn con giống tốt thì kiểm soát được lượng thức ăn cho ếch là một trong những giải pháp hữu hiệu; không để thiếu thức ăn vì như vậy, ếch có thể ăn lẫn nhau dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao. Không nên cho ăn quá nhiều vì đường ruột của ếch khá yếu, dễ bị chết nếu ăn quá no” - anh Thắng thông tin.

Liên kết nông dân

So với nhiều loại vật nuôi khác thì nuôi ếch hiện nay đang có lợi nhuận cao, bởi thịt ếch là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, chi phí đầu tư nuôi ếch không cao và kỹ thuật nuôi không khó. Theo anh Thắng, giá ếch Thái Lan những năm qua ổn định ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, với mức giá này, nông dân đảm bảo có lợi nhuận. Bình quân 1kg ếch thương phẩm cần sử dụng từ 1,2-1,4kg thức ăn (tùy theo kỹ thuật nuôi). Chi phí thức ăn hiện nay khoảng 14.000 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu lợi nhuận từ 15.000-20.000 đồng/kg. “Gia đình tôi có 8 bể nuôi ếch. Với giá bán như hiện nay, mỗi bể ếch tôi thu lợi nhuận 7-8 triệu đồng” - anh Thắng chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Dũng, toàn xã hiện có khoảng 15 hộ nuôi ếch Thái Lan với diện tích nuôi khoảng 1ha. “Những năm gần đây, mô hình nuôi ếch Thái Lan giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã có được nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh vận động bà con nông dân tham gia các tổ liên kết để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi và đầu ra cho sản phẩm cũng như áp dụng một số chính sách nhằm hỗ trợ nguồn vốn vay cho bà con. Đối với mô hình nuôi ếch Thái Lan, địa phương không vận động mở rộng đại trà, nhưng đối với các hộ có nhu cầu, địa phương sẽ hỗ trợ kỹ thuật làm bể cũng như kỹ thuật canh tác để giúp bà con chăn nuôi thuận lợi” - ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Theo Báo An Giang

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh