Các ngày gần đây trên một số tờ báo in và báo mạng có các bài viết về việc thời gian qua con tôm hùm đất xuất hiện nhiều trên các bàn tiệc ở các nhà hàng tại nhiều tỉnh- thành của nước ta, dù đây là loài thủy sản bị Nhà nước ta đưa vào danh mục ngoại lai nguy hiểm cấm nhập khẩu và phát triển từ năm 2013. Hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này còn vi phạm Luật Đa dạng sinh học 2018.
Nông dân Mỹ thu hoạch tôm hùm đất nuôi trong ruộng lúa. Ảnh: Internet |
Các ngày gần đây trên một số tờ báo in và báo mạng có các bài viết về việc thời gian qua con tôm hùm đất xuất hiện nhiều trên các bàn tiệc ở các nhà hàng tại nhiều tỉnh- thành của nước ta, dù đây là loài thủy sản bị Nhà nước ta đưa vào danh mục ngoại lai nguy hiểm cấm nhập khẩu và phát triển từ năm 2013. Hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này còn vi phạm Luật Đa dạng sinh học 2018.
Con tôm hùm đất trên thế giới
Hiện nay trên thế giới có khoảng 20 nước có nuôi và xuất khẩu giống tôm này, trong đó có nhiều nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, Canada,… Đáng chú ý là việc nuôi tôm hùm đất ở nước láng giềng nước ta là Trung Quốc có các con số khá ấn tượng: 5 năm qua việc nuôi giống tôm này trên ruộng lúa ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi, có sản lượng 1,1 triệu tấn.
Về giá trị, năm 2018 tăng 80% so với năm trước, lên tới 268,5 tỷ nhân dân tệ (38,6 tỷ USD). Ngành nuôi này cũng đem lại việc làm cho 5,2 triệu nông dân và 5.000 công ty.
Ở Mỹ, nông dân cũng đã nuôi 94.408ha tôm hùm đất, nhiều nhất là ở bang Louisiana với 91.370ha, có 1.600 nông dân tham gia. Năm 2017, Mỹ sản xuất 57.841 tấn tôm tạo ra 172 triệu USD, hầu hết là để tiêu dùng nội địa. Nông dân ở Louisiana, sau khi thu hoạch lúa thì cho nước vào rồi thả tôm giống để chúng ăn hết các rễ cây mục làm sạch ruộng giúp tăng năng suất vụ sau…
Tôm hùm đất có thể gây “đại họa” cho nông nghiệp Việt Nam
Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (nơi duy nhất được phép nuôi thử nghiệm), tôm hùm đất còn gọi là tôm hùm đỏ (có tên khoa học là Cherax quadricarinatus). Tập tính của giống tôm này là di chuyển nhanh, sống ở tầng đáy ao hồ, ưa đào hang, có khả năng sinh sản nhanh chóng, chống chịu được biến động của môi trường. Giống tôm này ăn tạp, với đôi càng to khỏe chúng có thể ăn động vật sống và chết, cả thực vật…
Sau thời gian nuôi thử nghiệm giống tôm hùm đất trong các năm từ 2008 đến 2012 tại một số địa phương, các chuyên gia của viện này xác định rằng đây là giống ngoại lai không nên phát triển.
Còn GS. Đặng Huy Huynh- nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thì cho rằng: “Chúng ăn tất cả thủy sinh, cạnh tranh nguồn thức ăn với các sinh vật bản địa. Những loại cá bản địa của Việt Nam có thể biến mất khi tôm hùm đất xâm lấn”. Ông cũng cho rằng nếu không ngăn chặn tốt việc phát tán con tôm hùm đất sẽ gây “đại họa” như bài học “ốc bươu vàng” ở nước ta mà đến giờ cũng còn loay hoay đối phó…
Ngoài các đặc tính nguy hại trên, con tôm hùm đất còn có thể phát tán bệnh nấm, vi rút gây bệnh phấn trắng cho tôm bản địa và một số loại ký sinh khác. Đó là chưa kể với đặc tính ưa đào hang (có thể đào xa 2m) làm hư hại các công trình thủy lợi… Do đó, từ năm 2013 con tôm hùm đất đã được nước ta đưa vào danh mục ngoại lai, cấm kinh doanh và nuôi.
Mặt khác, qua phân tích các con số thu hoạch được từ ngành nuôi tôm hùm đất của Trung Quốc trong năm 2018 cũng làm cho ta phải suy nghĩ: trong 268,5 tỷ nhân dân tệ thu được thì chăn nuôi chiếm 48,5 tỷ nhân dân tệ, chế biến 20 tỷ nhân dân tệ, số còn lại có giá trị rất lớn lên đến 200 tỷ nhân dân tệ là từ nghệ thuật chào hàng từ con tôm này của hệ thống… các nhà hàng đem lại!
Tuy nhiên, cái giá mà Trung Quốc phải trả của những mối lợi thu được kể ở phần trên là hiện nay nước này đang vất vả đối phó với nạn tôm hùm đất phát triển khó kiểm soát phá hại môi trường dọc theo sông Trường Giang…
Còn những thực khách từng được nếm thử các sản phẩm chế biến từ con tôm hùm đất qua các con đường nhập lậu vào nước ta thời gian qua (thường 20- 30 con/kg, giá từ 300.000- 500.000đ) thì cho rằng, ngoài là món ăn mới lạ gợi sự tò mò của nhiều người thì thịt của nó chẳng ngon hơn con tôm càng xanh của ta mà giá lại đắt…
Trước mối “lợi bất cập hại” này, Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn đã chỉ đạo ngành tăng cường kiểm soát con tôm hùm đất và đề nghị các địa phương và các cơ quan hải quan và quản lý thị trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo luật định hiện hành.
Theo Điều 246 Bộ luật Hình sự 2015: người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1- 5 năm. |
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin