Nông dân ở ấp Hồi Trinh (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) có cách trồng rau nhút trên ruộng khá độc đáo: đưa gốc chổng lên trời, vậy mà rau lên khỏe, cho cọng rau đẹp, thị trường ăn mạnh.
Nông dân ở ấp Hồi Trinh (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) có cách trồng rau nhút trên ruộng khá độc đáo: đưa gốc chổng lên trời, vậy mà rau lên khỏe, cho cọng rau đẹp, thị trường ăn mạnh.
Ruộng rau chổng gốc lên trời độc đáo của bà con trồng rau nhút ấp Hồi Trinh. |
Rau nhút từ mương vườn ra ruộng
Anh Phan Văn Sỏi ở ấp Hồi Trinh là người đầu tiên đem rau nhút từ mương vườn ra trồng trên đất ruộng. “Đầu tiên, tui xin giống trồng thử trong ao vườn, rau lên tươi tốt đem ra chợ không đủ bán. Sau đó, tui đem ra ruộng trồng, hiệu quả kinh tế cao và bà con xung quanh thấy cũng trồng theo”- anh Sỏi bảo đến nay đã có gần 10 năm kinh nghiệm trồng rau nhút.
Trước giờ quen trồng lúa, khi chuyển qua trồng rau nhút, anh Sỏi nói: “Phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ban đầu tui nhận gốc rau xuống sình, nhưng gốc thường bị thối, ô nhiễm nguồn nước lại phải dọn bổi cực quá. Quan sát rau nhút, tui thấy cây trồng này sống trên nước như lục bình, nên nảy ý tưởng cặm trụ, quay ngược gốc rau lên trời và cột cố định vào trụ.
Không ngờ, cây lên rất khỏe và phát triển tốt. Bà con ở đây đều áp dụng cách trồng hiệu quả này”. Anh Sỏi cho biết đang trồng 12 công rau nhút, đã thử nhiều cách như nhận sình, thả dây… nhưng đây là cách trồng hiệu quả hơn.
Trồng rau nhút kế bên ruộng anh Sỏi, chú Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết ban đầu trồng 1 công đất theo cách chỏng gốc lên trời của anh Sỏi, thấy có hiệu quả nên trồng luôn 4 công. So với cách trồng nhận gốc xuống sình rất cực công, cách đưa gốc rau lên cặm cột cho năng suất cao lại ít tốn công.
Hơn nữa, theo chú Hùng, trồng rau nhút nhận xuống sình vài ba đợt phải trồng lại, còn áp dụng chỏng gốc lên trời chỉ đầu tư giống 1 lần, cắt rau rồi cứ nắm gốc cột lên là cây ra ngọn mới.
Trong khi đó, một kinh nghiệm nữa của nông dân trồng rau nhút là ruộng rau phải nuôi bèo kết hợp. Theo chú Hùng: “Tui rút kinh nghiệm ruộng rau không có bèo thì nắng nhiều cọng rau cứng, phao vàng. Cọng rau không ngon, không đẹp. Nên nếu ruộng không có bèo thì phải kiếm thả vô nuôi. Vì bèo giúp cho trời mưa phao rau không bị dập, cọng rau mềm, phao trắng đều từ đầu tới đuôi”.
Chinh phục thị trường
Bà con trồng rau nhút ở ấp Hồi Trinh ước tính mỗi ngày vùng rau này cung cấp cho thị trường khoảng 3 tấn rau nhút. Riêng tại vựa rau của anh Sỏi mỗi ngày có hơn 500kg rau nhút thu hoạch từ ruộng nhà và của bà con xung quanh để cung ứng cho thương lái.
Tại đây, mỗi ngày thường xuyên có 8-10 người phân loại, bó rau, giặt cho sạch bèo… tiền công 120.000-150.000 đ/ngày/người. Hiện giá rau 9.000-10.000 đ/kg, có thời điểm 14.000-15.000 đ/kg. Chú Hùng so sánh: “Một năm trồng rau nhút lợi nhuận bằng 20 mùa lúa”.
Hiện nay, dù có thương lái tới mua tại chỗ nhưng nhiều người trồng còn chở rau bỏ mối ở các chợ trong và ngoài tỉnh để “lấy công làm lời”. Theo anh Sỏi, rau nhút Xuân Hiệp có thị trường rộng rãi ở các chợ trong tỉnh, riêng chợ Vĩnh Long nhiều sạp rau lấy hàng mỗi ngày, đặc biệt, rau nhút cũng có mặt ở một số tỉnh lân cận và đi cả TP Hồ Chí Minh.
Do đó, “tui và bà con trồng rau luôn ý thức nhắc nhở nhau phải trồng rau có chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, rất chú ý sử dụng phân thuốc, đảm bảo thời gian cách ly an toàn”- anh Sỏi nói đang cùng bà con xây dựng thương hiệu rau chất lượng, tiến tới thành lập hợp tác xã sản xuất để trao đổi kỹ thuật, đầu ra ổn định hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hiệp, hiện nay, diện tích trồng ra nhút ở ấp Hồi Trinh đã tăng lên 150ha. Đây là vùng trũng trong đê bao, khó làm lúa nên bà con chuyển sang trồng rau nhút và đạt hiệu quả cao.
Hơn nữa, rau nhút đang có đầu ra, giá cả ổn định. Việc phát triển trồng rau nhút không chỉ đem lại lợi nhuận khá cho nông hộ, mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Các công đoạn cắt, bó, chuyên chở… giải quyết việc làm cho khoảng 60 lao động có thêm thu nhập hàng ngày.
Ông Nguyễn Văn Thảo- Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp
Vùng trồng rau nhút ở ấp Hồi Trinh phát triển dọc tuyến sông Măng Thít, đây là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Hiện UBND xã đang xin ý kiến cấp trên và vận động các hộ trồng rau nhút thành lập hợp tác xã, tạo điều kiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra thuận lợi cho bà con. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin