Sở Công thương Đồng Nai đang làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ và các siêu thị trên địa bàn tìm giải pháp thực hiện cấp đông thịt heo.
Sở Công thương Đồng Nai đang làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ và các siêu thị trên địa bàn tìm giải pháp thực hiện cấp đông thịt heo.
Trong khi tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, tiếp tục lây lan nhanh ở các tỉnh phía Nam, thì tại “thủ phủ heo” Đồng Nai, ngành chức năng tỉnh này đề ra giải pháp cấp đông để dự trữ thịt heo. Liệu đây có phải là giải pháp trong tình hình hiện nay?
Công nhân giết mổ heo tại lò giết mổ heo tập trung Thy Thọ, thị xã Long Khánh, Đồng Nai. |
Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, Sở này thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc tổ chức việc thu mua, giết mổ và cấp trữ đông thịt heo sạch, an toàn để giảm áp lực tiêu hủy và cân đối nguồn thịt heo cho các tháng cuối năm.
Do đó, Sở Công thương Đồng Nai đang làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ và các siêu thị trên địa bàn tìm giải pháp thực hiện cấp đông thịt heo. Lý do là phương án cấp đông sẽ giúp đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường, giảm áp lực tiêu hủy heo ở vùng dịch, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh…
Cụ thể, Đồng Nai có phương án hỗ trợ giá thu mua, kinh phí giết mổ, cấp đông nhưng vì chưa có các kho lạnh đủ công suất nên sẽ có phương án thuê kho cấp đông ở các tỉnh khác hoặc thuê kho chưa sử dụng hết công suất tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, cách làm này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giải pháp cấp đông ở thời điểm này là không phù hợp và không khả thi vì việc cấp đông chỉ phù hợp trong bối cảnh “cung” lớn hơn “cầu”, lượng thịt dư thừa nhiều hoặc “khủng hoảng” giá như xảy ra trước đây. Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngay cả doanh nghiệp cũng sẽ e ngại khi tham gia việc cấp đông thịt heo, bởi số tiền đầu tư lớn, thời gian dài.
Ông Nguyễn Trí Công cho rằng, giải pháp căn cơ nhất hiện nay vẫn là vấn đề phòng dịch, an toàn sinh học để dịch bệnh không tiếp tục lây lan. Ông Công nói: “Khi cấp đông là trường hợp giá nó quá thấp, lượng heo, nguồn cung của chúng ta quá nhiều, như năm nào phải giải cứu, thì khi đó mới là hiệu quả. Còn bây giờ chúng ta không thể cấp đông được vì chúng ta đâu có thừa, mà mầm bệnh nó còn nằm lưu ở trong đó thì là không khả thi. Biện pháp bây giờ là lưu thông thị trường, chúng ta phải kiểm soát về mặt thú y và lưu thông thật tốt”.
Đồng quan điểm này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Đồng Nai, ông Trần Văn Quang cũng cho rằng, cấp đông là giải pháp cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch do virus gây bệnh có thể sống trong môi trường cấp đông đến 1.000 ngày. Theo ông Quang, để đảm bảo nguồn thịt sạch và an toàn cho việc cấp đông, heo khi được thu mua, giết mổ sẽ được xét nghiệm huyết thanh, chỉ heo không nhiễm bệnh mới được giết mổ để cấp đông. Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận đây không phải là giải pháp căn cơ vì nếu để doanh nghiệp tự làm thì không khả thi.
“Đây là giải pháp Nhà nước ra tay, thí dụ bây giờ để hỗ trợ chôn lấp thì thiệt hại kép. Cũng với số tiền hỗ trợ đó mua thịt về hỗ trợ cấp đông thì bớt thiệt hại. Còn nếu doanh nghiệp họ làm thì điều kiện Nhà nước hỗ trợ chi phí thì họ làm chứ họ bỏ tiền ra thì không bao giờ họ làm”, ông Quang nói.
Tại buổi làm việc giữa Sở Công thương Đồng Nai với các doanh nghiệp mới đây, bản thân các doanh nghiệp cũng cho biết họ chưa sẵn sàng với việc cấp đông để dự trữ. Điển hình như Công ty CP Việt Nam công suất cấp đông chỉ khoảng 1 tấn/ngày, vì kho lạnh khoảng 22 tấn, chủ yếu chỉ phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm của doanh nghiệp. Hay Công ty Thực phẩm CJ Vina chỉ bán heo hơi ra thị trường chứ chưa có hệ thống giết mổ và cấp đông. Vì việc cấp đông thịt đòi hỏi cả hệ thống dây chuyền giết mổ, kho lạnh phải đạt tiêu chuẩn rất khắt khe.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CP Việt Nam cho biết: “Kho lạnh muốn trữ đông phải đủ chuẩn cao vì trữ lạnh thịt heo nó khác các loại thực phẩm khác. Vì quá trình dự trữ không đạt dễ xảy ra hư hỏng sản phẩm nên cả nhà máy giết mổ, nhà máy cấp đông, kho trữ lạnh phải cao cấp. Doanh nghiệp đẩu tư bài bản mới trữ thịt heo được, thời gian xây dựng hệ thống này lâu và đầu tư chí phí lớn”.
Theo một số chuyên gia ngành chăn nuôi, giải pháp cấp đông thịt heo lúc này tiềm ẩn rủi ro nhất là kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo nguồn heo giết mổ cấp đông không bị nhiễm dịch tả heo châu Phi, vì thực tế ở Trung Quốc đã xảy ra tình trạng một số lô thịt cấp đông bị nhiễm dịch.
Phó Giáo sư –Tiến sĩ Dương Duy Đồng, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm TP. HCM cho rằng: “Khi ổ dịch phát ra thì chúng ta phải phong tỏa khu vực đó không xuất nhập heo được nên đàn heo sẽ bị ứ lại không tiêu thụ được. Nơi nào có cấp đông được heo là giải pháp tốt. Điều quan trọng là muốn trữ lại cấp đông phải kiểm tra rất nhiều mẫu cấp đông trước khi cấp đông và sau khi cấp đông xem có dương tính với Bệnh Dịch tả heo Châu phi hay không, vì nếu có lưu mầm bệnh sẽ là nguồn lây dịch bệnh cho đàn heo”./.
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin