Trái cây Việt Nam rộng đường xuất ngoại

07:04, 29/04/2019

Tỉnh Vĩnh Long vừa xuất 1,5 tấn xoài vào thị trường Mỹ. Tỉnh Đồng Tháp vừa xuất khẩu 8 tấn xoài vào thị trường này. Đây là tin vui của không chỉ người trồng trái cây mà còn là tin vui của ngành nông nghiệp. 

 

 

Chôm chôm là một trong những loại trái cây đã xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm ở huyện Long Hồ.
Chôm chôm là một trong những loại trái cây đã xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm ở huyện Long Hồ.

Tỉnh Vĩnh Long vừa xuất 1,5 tấn xoài vào thị trường Mỹ. Tỉnh Đồng Tháp vừa xuất khẩu 8 tấn xoài vào thị trường này. Đây là tin vui của không chỉ người trồng trái cây mà còn là tin vui của ngành nông nghiệp.

Xoài Việt Nam được phép xuất khẩu vào Mỹ là “nấc thang” mới của mặt hàng trái cây trong việc “chinh phục” được một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Tin vui này cũng đặt ra câu hỏi, đối với ngành nông nghiệp liệu mặt hàng trái cây của Việt Nam có thể phát triển tới đâu? Và trái cây có thể trở thành một trong những mặt hàng chủ lực về xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong thời gian tới?...

Bước tiến “thần kỳ” của trái cây Việt Nam

Hiếm có một loại mặt hàng nông sản mà kim ngạch xuất khẩu lại có bước tăng trưởng “nhảy vọt” nếu không muốn nói là “thần kỳ” như trái cây và rau quả (chủ yếu trái cây). Cách đây gần một thập kỷ, xuất khẩu trái cây chưa có tên trong danh sách “nông sản xuất khẩu tỷ đô”.

Nếu như năm 2012, xuất khẩu rau quả và trái cây của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 800 triệu USD. Năm 2016, xuất khẩu trái cây đạt 2,4 tỷ USD. Năm 2017, đạt kim ngạch xuất khẩu 3,4 tỷ USD. Năm 2018, xuất khẩu trái đạt 3,8 tỷ USD, vượt cả mặt hàng lúa gạo.

Tỷ trọng mặt hàng trái cây “xuất ngoại” ngày một gia tăng, trung bình đạt mức tăng trưởng từ 20- 25 %/năm, đặc biệt năm 2017 tăng tới trên 40% so với năm 2016.

Riêng thanh long đã “một mình một ngựa” với giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD, chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng. Hiện các loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam gồm: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chuối, mít, dứa, chanh leo (chanh dây), dưa hấu, na (mãng cầu ta),... Những loại trái cây khác cũng có tiềm năng xuất khẩu tốt như: sầu riêng, bơ, măng cụt...

Vùng ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng chiếm một nửa diện tích trồng trái cây và rau quả cả nước. Trái cây và rau quả Việt Nam đã xuất khẩu sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây và rau quả đạt 3,8 tỷ USD năm 2018 và lần đầu tiên “vượt mặt” xuất khẩu lúa gạo, trong khi diện tích trồng trái cây và rau quả chỉ bằng 40% so với diện tích lúa.

Trái cây, rau quả từng bước “chinh phục” các thị trường khó tính: Mỹ, Nhật Bản, EU, Úc. Tuy nhiên, số lượng lẫn giá trị xuất khẩu vào các thị trường này vẫn còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, một thị trường quan trọng bậc nhất, góp phần vào kỳ tích tăng trưởng của mặt hàng trái cây Việt Nam chính là thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp- PTNT, năm 2018, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây và rau quả Việt Nam lớn nhất khi chiếm tới 73,3% thị phần, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2,58 tỷ USD.

Lý giải sự thành công của mặt hàng rau quả trong những năm qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh đã khẳng định đây là sự lựa chọn và hướng đi đúng của ngành nông nghiệp, nhất là đối với mặt hàng trái cây, khi chúng ta đã khai thác được tiềm năng về chủng loại giống cây ăn quả hết sức đa dạng và phong phú, khai thác được lợi thế về khí hậu trải dài 15 vĩ độ cũng như thổ nhưỡng. Qua đó, xác lập được thế mạnh của từng loại cây ăn quả gắn với từng vùng cụ thể trên cả nước.

Thị trường xuất khẩu trái cây còn nhiều tiềm năng

Triển vọng nào cho xuất khẩu trái cây và rau quả? Thách thức nào đối với trái cây Việt Nam khi “tham gia sân chơi” toàn cầu? Đây là câu hỏi thu hút không chỉ nông dân mà ngay cả đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hiện nay.

Ông Võ Quan Huy- Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An- Mỹ Bình là một trong những doanh nghiệp trồng và xuất khẩu trái cây ở Long An- cho hay: Ngoài các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì Trung Đông là thị trường nhiều tiềm năng cho trái chuối cũng như trái cây của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện có một số vướng mắc, bất cập ở các khâu bảo quản, vận tải, thanh toán. Nếu những vướng mắc này được khắc phục thì việc xuất khẩu trái cây và thị trường này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Những năm trước đây, trong các thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam Trung Quốc luôn được coi là thị trường vốn dễ tính thì nay mọi sự đã khác hẳn. Để xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc, phía bạn yêu cầu về chất lượng, đảm bảo vệ sinh toàn thực phẩm, sản phẩm phải có bao bì, dán tem mác, gắn mã số vùng trồng để phục vụ truy xuất nguồn gốc, cụ thể với các loại trái cây: dưa hấu, chuối, mít...

Ông Lê Thanh Hòa- Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp-PTNT) giải thích: Việc tuân thủ nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc của mọi thị trường nhập khẩu nếu muốn thành công.

Đơn cử như trái dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu chúng ta đăng ký được mã số vùng trồng, cung cấp cho hải quan nước bạn để được mã hóa bằng QR code thì khi thương lái thu mua, họ có thể kiểm tra chất lượng từng quả, dán tem ngay tại ruộng, sau đó chuyển lên cửa khẩu.

Tại cửa khẩu, cán bộ hải quan của bạn chỉ cần quét qua điện thoại smartphone vài giây là ra mọi thông tin và cho thông quan. Còn nếu không có tem nhãn, các thủ tục kiểm tra sẽ rất mất thời gian và làm giảm chất lượng dưa hấu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Riêng trái cây tươi giao dịch thương mại toàn cầu khoảng 240 tỷ USD/năm, nước quả chế biến 270 tỷ USD/năm.

Dự báo tốc độ tăng trưởng dự báo trong vòng 5 năm nữa trung bình của mặt hàng này từ 2- 3%. Mặc dù giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây và rau quả Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng trưởng tốt.

Thế nhưng tổng giá trị xuất khẩu trái cây và rau quả của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm xấp xỉ gần 2% giá trị thương mại của mặt hàng này trên thị trường thế giới, cho thấy tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn. Do đó, để phát triển mặt hàng trái cây và rau quả nước ta theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần tập trung vào chế biến và tổ chức thị trường.

Quan điểm này của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường được nhiều chuyên gia lẫn doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Vì khi xuất khẩu trái cây tươi sẽ chịu nhiều “rào cản về kỹ thuật” từ các thị trường nhập khẩu: kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Còn đối với xuất khẩu các sản phẩm trái cây chế biến: nước trái cây, trái cây sấy sẽ chịu ít các “rào cản” kỹ thuật hơn đồng thời giá trị và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.

Do đó cùng với việc đẩy mạnh đàm phán, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây tươi, việc tập trung các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến sẽ mang lại lợi ích “kép” không chỉ giúp trái cây gia tăng giá trị mà còn đồng thời giúp giảm áp lực mùa vụ.

Với đà tăng trưởng cộng với những gì chúng ta đang có, khả năng để ngành hàng trái cây và rau quả chúng ta hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD là điều hoàn toàn khả thi- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bùi Đình Anh- chủ trang trại thanh long (43ha, năm 2018 có tổng doanh thu 32 tỷ đồng ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc- Đồng Nai) chia sẻ: Mong sao Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây, trong đó có trái thanh long. Với tiềm năng và lợi thế của mình, trái cây Việt Nam sẽ còn vươn xa hơn nữa.

Chúng tôi hiểu khát vọng, mong muốn của ông cũng như nhiều nông dân, doanh nghiệp, Việt Nam sẽ trở thành “cường quốc xuất khẩu trái cây, “vựa trái cây” của thế giới, góp phần đem lại cuộc sống ấm no và sung túc cho nông dân.

Bài, ảnh: HÀ VĨNH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh